Đài Loan ngang ngược đáp trả tuyên bố của Việt Nam về vụ đảo Ba Bình

author 17:50 14/12/2015

(VietQ.vn) - Đài Loan (Trung Quốc) đã có những phản hồi vô cùng ngang ngược sau phản ứng của Việt Nam về vụ thị sát trái phép đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, ngày 13/12 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình gọi việc người đứng đầu cơ quan Nội chính Đài Loan Trần Uy Nhân và các quan chức khác của chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) tới thị sát và dự lễ khánh thành một số công trình xây dựng hôm 12/12 trên đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Bất chấp phản ứng của Việt Nam, Đài Loan vẫn tiếp tục gây hấn khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng

Bất chấp phản ứng của Việt Nam, Đài Loan vẫn tiếp tục gây hấn khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Ảnh minh họa

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, việc Đài Loan bất chấp quan ngại của Việt Nam, của các nước cũng như cộng đồng quốc tế, cử quan chức đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiếp tục tuyên bố đưa vào hoạt động một số công trình trên đảo là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

“Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ bác bỏ hành động này. Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”, ông Lê Hải Bình cho biết.

Tuy nhiên, ngay sau phản ứng chính thức của Việt Nam, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho rằng việc ông Trần Uy Nhân thị sát đảo Ba Bình là hoạt động bình thường trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của Đài Bắc và đó không phải là chuyện của nước khác can thiệp vào (?), theo thông tin báo Thanh Niên trích từ CNA.

“Không nghi ngờ rằng Đài Loan có tất cả các quyền hạn được luật pháp quốc tế quy định trên Biển Đông, bao gồm Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa, Đông Sa và những vùng biển xung quanh”, CNA dẫn lại phát biểu ngang ngược của Cơ quan Ngoại giao Đài Loan (Trung Quốc).

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh blogspot.com

Thậm chí, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan gọi việc xây dựng, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng (trái phép) trên đảo Ba Bình nhằm mục đích “cung cấp” và “duy trì” các tiện ích cho cuộc sống và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường và cứu hộ khẩn cấp trên đảo. “Việc khánh thành hải đăng mới giúp tăng cường an toàn hàng hải cho tàu bè hoạt động gần khu vực hòn đảo”, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan ngụy biện, theo CNA.

Đảo Ba Bình là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam nhưng đã bị Đài Loan chiếm đóng trái phép. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, Đài Loan thường tự cho rằng đảo này thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Cao Hùng và Cơ quan Ngoại giao Đài Loan tuyên bố "không có tranh chấp quân sự với bất kỳ nước nào”.

Trước động thái mới nhất của Đài Loan trên đảo Ba Bình, Mỹ thúc giục các nước có tranh chấp ở Biển Đông cần kiềm chế. “Chúng tôi kêu gọi các bên có tranh chấp cần kiềm chế, giảm căng thẳng cho khu vực”, Jennifer Foltzm, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên Zing News, mới đây Tập đoàn dầu mỏ và hóa chất Trung Quốc (Sinopec) tuyên bố đang xây dựng một trạm xăng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh Wikimapia.org

Cụ thể, Reuters dẫn thông tin trên tài khoản mạng xã hội Weibo của Sinopec ngày 14/12 cho hay trạm xăng và bể chứa sẽ được hoàn tất trong vòng một năm. Theo đó, các cơ sở hạ tầng phi pháp này sẽ "đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của các đảo và đá ngầm" ở Biển Đông trong vài năm tới. Thông báo này của Sinopec được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng việc xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép tại Biển Đông.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vốn bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng năm 1974. Sau đó, Bắc Kinh xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng trái phép như đường băng, cầu cảng và hiện có tới 1.000 người sinh sống trái phép trên đảo Phú Lâm. Năm 2013, các hãng du lịch Trung Quốc bắt đầu mở các chuyến tham quan 5 ngày tới Hoàng Sa.

Thời gian gần đây, Hải quân Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc tập quân sự trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng nước này gọi đây là "các cuộc tập trận thường kỳ". Trước tình hình này, Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Phan Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang