Tướng Lê Văn Cương: ‘Giàn khoan Hải Dương 943 nhằm dương đông kích tây’

author 11:05 01/04/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, tướng Lê Văn Cương và các ĐBQH đã có những phân tích về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 943 ra Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Một trong những lý do chính đó là sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển này nhằm thực hiện yêu sách lưỡi bò phi lý mà họ tự vẽ ra. Nằm trong chuỗi âm mưu đó, sự xuất hiện các giàn khoan dầu khổng lồ tại khu vực Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt cũng khiến cho cộng đồng quốc tế hết sức chú ý.

Tình hình Biển Đông có dấu hiệu ‘tăng nhiệt’ nhanh chóng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 943 ra vùng chồng lấn

Tình hình Biển Đông có dấu hiệu ‘tăng nhiệt’ nhanh chóng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 943 ra vùng chồng lấn. Ảnh minh họa

Mới đây nhất hôm 25/3, trên website của Cục hải sự Trung Quốc đưa tin, nước này sẽ đưa giàn khoan Hải Dương 943 tới hoạt động tại giếng LD 11-1-1 trên Biển Đông, ở vị trí có tọa độ 17°47’28,8’’ vĩ Bắc/108°46’00’’ kinh Đông, từ 25/3 – 31/7. Giàn khoan Trung Quốc cách đảo Hải Nam 50 hải lý về phía Tây Nam, vị trí giàn khoan này nằm trong khu vực chồng lấn chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc ở ngoài cửa vịnh Bắc bộ.

Đồng thời, Cục Hải sự Trung Quốc còn cảnh báo các tàu thuyền không được đi lại quanh phạm vi 1 hải lý (tức 1,8km) quanh giàn khoan này. Ngoài ra, cơ quan này cho biết thêm, Trung Quốc cũng điều 3 tàu tuần tra gồm: Hải Dương 564, Hải Dương 617 và Hải Dương 618 hỗ trợ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 943.

Bình luận về động thái này của Trung Quốc với phóng viên báo PetroTimes, PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cho rằng: “Hành động đưa giàn khoan Hải Dương 943 ra Biển Đông lần này của Trung Quốc cho thấy, họ tiếp tục dùng kịch bản “dương đông kích tây” nhằm phân tán sự chú ý của thế giới trước mưu đồ quân sự hóa ở Hoàng Sa và Trường Sa mà nước này vẫn đang ngang nhiên thực hiện”.

 “Nếu chúng ta chú ý sẽ thấy rằng, mục tiêu sâu xa hơn của “con bài’ giàn khoan 943 lần này không gì khác nhằm phân tán sự tập trung của dư luận quốc tế về những gì mà Trung Quốc đang làm tại các bãi đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ chiếm giữ trái phép của Việt Nam. Một động thái nhằm thăm dò phản ứng của các nước, chứ mục đích về kinh tế chỉ là thứ yếu mà thôi”, chuyên gia này phân tích.

Cũng theo tướng Lê Văn Cương, thời điểm này cũng là lúc mà Trung Quốc sẽ còn làm quấy đảo tình hình Biển Đông hơn bao giờ hết. Về pháp lý thì họ đã yếu thế trước vụ kiện của Philippines ra Tòa trọng tài quốc tế rồi. Về ngoại giao cũng đang bị nhiều nước lên án, phản đối mạnh mẽ.

Thậm chí ngay trong khu vực ASEAN, các nước như Malaysia, Indonesia vốn rất trung lập về vấn đề Biển Đông nhưng mới đây cũng đã tỏ rõ thái độ kiên quyết của mình nhằm cùng với các nước khác chống lại hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo mà Bắc Kinh cố tình gây ra tại khu vực này.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đây là thời điểm mà Trung Quốc sẽ làm quấy đảo tình hình Biển Đông hơn bao giờ hết

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng đây là thời điểm mà Trung Quốc sẽ làm quấy đảo tình hình Biển Đông hơn bao giờ hết. Ảnh PetroTimes

Tướng Cương cũng nhấn mạnh: “Điều kiện quốc tế càng ngày xuất hiện nhiều hơn những yếu tố mới khó kiểm soát, đến đồng minh thân cận nhất ở Đông Bắc Á là Triều Tiên cũng đã “bằng mặt không bằng lòng” với Trung Quốc rồi. Đó là còn chưa kể liên minh gồm cả Mỹ - Nhật – Hàn Quốc – Australia cũng đang liên kết mạnh mẽ nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh tại khu vực này. Điều này chắc chắn giới lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu và vẫn cố công thực hiện cho được chiến lược bành trướng của họ”.

Bên cạnh đó, nói đến vai trò của các giàn khoan như Hải Dương 981 hay Hải Dương 943 thì theo tướng Lê Văn Cương, đó vẫn mang tính chất hình thức và là các phép thử nghi binh mà nhà cầm quyền Trung Quốc trưng ra. Cái nguy hiểm hơn gấp hàng triệu lần ẩn sau nó không gì khác, là sự xuất hiện của những khẩu đội tên lửa, pháo hạm, tàu chiến, rada tần số cao… mà nước này đã và đang bố trí bất hợp pháp trên các hòn đảo nhân tạo mà họ đã bồi lấp trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong thời gian qua.

“Chúng ta phải nhìn ra vấn đề này từ lâu rồi mới phải để có phương cách đối phó kịp thời nhưng lại chưa làm được. Khi mà Trung Quốc đã từng bước tiến hành quân sự hóa các đảo, bãi đá ngầm ở Trường Sa, Hoàng Sa và biến chúng thành các thành trì trên biển với đầy đủ chức năng chiến đấu cho cả không quân và hải quân thì điều tồi tệ chắc chắn sẽ xảy ra.

Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm soát và khống chế tàu thuyền của các nước trong khu vực. An toàn, tự do hàng hải hàng không sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu không có các phản ứng đủ mạnh và cương quyết thì sẽ vô cùng nguy hiểm”, vị tướng công an khẳng định.

Cũng liên quan đến sự kiện Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 943 ra vùng chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc, tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011 - 2015) sáng 1/4, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan ngại nhấn mạnh động thái này của Trung Quốc cần phải được theo dõi và phân tích.

Bình luận về sự kiện Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 943 ra Biển Đông, báo Infonet dẫn lời TS. Trần Công Trục cho biết với cự ly khoảng cách của vị trí này thì có thể thấy đây là vị trí được Trung Quốc tính toán, lựa chọn khá kỹ để, một mặt, dễ bề áp đặt quan điểm có lợi cho mình trong khi hai bên đang tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ.

ĐBQH Vũ Công Tiến nhắc lại bài học nhãn tiền về Hoàng Sa để nêu lên lo lắng về tình hình Biển Đông hiện nay

ĐBQH Vũ Công Tiến nhắc lại bài học nhãn tiền về Hoàng Sa để nêu lên lo lắng về tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh Infonet

Mặt khác, Trung Quốc đang tìm mọi cách để giăng bẫy pháp lý nhằm giành sự mặc nhiên thừa nhận việc giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 khi đưa ra yêu sách phi lý trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa đối với quần đảo Hoàng Sa mà họ đánh chiếm của Việt Nam  từ năm 1974.

Trong khi đó, ĐBQH Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nêu rõ: “Năm 1974 mất Hoàng Sa có nhiều lý do nhưng tôi cho trong đó có lý do “tin bạn mất bò”... Chúng ta đã có bài học nhãn tiền. Vì thế những diễn biến khó lường trên Biển Đông hiện nay khiến cử tri đặc biệt quan ngại, lo lắng”.

ĐBQH Vũ Công Tiến bày tỏ: “Tôi hy vọng Đảng ta, Nhà nước ta sẽ có giải pháp đúng đắn để giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân được tự do đánh bắt cá an toàn trên vùng biển của mình”. Chia sẻ với ông Vũ Công Tiến, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình chủ quyền biển đảo đang bị đe doạ, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông và đưa giàn khoan Hải Dương 943 ra vùng chồng lấn chưa phân định giữa hai nước.

Tuyết Trinh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang