Biển Đông ‘dậy sóng’, Trung Quốc vẫn ôm mộng lập trung tâm pháp lý quốc tế

author 19:23 14/03/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho thấy, Trung Quốc sẽ lập trung tâm pháp lý quốc tế về hàng hải để bảo vệ chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, Trung Quốc tuyên bố sẽ thành lập trung tâm pháp lý quốc tế về hàng hải được cho là để bảo vệ quyền và chủ quyền trên biển của nước này, báo Thanh Niên dẫn lời Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc Chu Cường cho hay ngày 13/3/2016 vừa qua.

Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành trung tâm pháp lý quốc tế về hàng hải trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay

Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành trung tâm pháp lý quốc tế về hàng hải trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh minh họa

Báo cáo trước Quốc hội Trung Quốc, ông Chu Cường cho rằng tòa án khắp Trung Quốc sẽ cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ chiến lược quốc gia, đó là phát triển Trung Quốc thành một “cường quốc về hàng hải” và là trung tâm xử lý các vấn đề liên quan đến hàng hải quốc tế, theo Reuters.

"Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền hàng hải và lợi ích cốt lõi khác của Trung Quốc", ông Chu Cường phát biểu trong cuộc họp thường niên của Quốc hội. “Chúng ta phải cải thiện công tác của tòa án về lĩnh vực hàng hải và xây dựng một trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế (ngay tại Trung Quốc)", Chánh án Chu nói tiếp.

Tuy nhiên ông Chu không cho biết thêm chi tiết về trung tâm này, vì vậy không rõ khi nào và ở đâu trung tâm tư pháp này có thể được thành lập và tiếp nhận xử lý những loại tranh chấp hay vụ án gì liên quan đến hàng hải như tranh chấp thương mại trên biển, tai nạn tàu bè hay lãnh thổ.

Cũng theo lời ông Chu, tòa án các cấp của Trung Quốc hồi năm 2015 đã xử lý hơn 16.000 vụ tranh chấp liên quan đến hàng hải, được xem là nhiều nhất trên thế giới. Ông Chu cũng cho rằng Trung Quốc có số lượng tòa án hàng hải nhiều nhất thế giới, nhưng không thấy ông ta nêu số lượng là bao nhiêu.

Chánh án Chu đương cử một vụ tranh chấp hồi năm 2014 được tòa án Trung Quốc xử lý. Đó là vụ va chạm giữa 1 tàu đánh cá Trung Quốc và 1 tàu chở hàng mang cờ Panama ở vùng biển gần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Vụ việc kết thúc thông qua thương lượng hòa giải mà ông Chu tự cho rằng kết quả của vụ tranh chấp đã cho thấy “thẩm quyền của Trung Quốc” đối với những tranh chấp ở khu vực này.

Không chỉ đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Trung Quốc còn vướng vào tranh chấp ở biển Hoa Đông với Nhật Bản

Không chỉ đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, Trung Quốc còn vướng vào tranh chấp ở biển Hoa Đông với Nhật Bản. Ảnh Reuters

Tuyên bố này được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đưa ra giữa lúc nước này đang có tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư không có người ở với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Đồng thời Bắc Kinh cũng đòi hỏi chủ quyền vô lý đối với đảo, nhóm đảo ở Biển Đông, nơi có nhiều quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền như Malaysia, Việt Nam, Philippines và Brunei.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Người Lao Động, Liên minh châu Âu (EU) vừa ra Tuyên bố của Đại diện Cấp cao thay mặt cho 28 quốc gia Thành viên liên minh về những diễn biến gần đây tại Biển Đông. Theo đó EU đã bày tỏ thái độ quan ngại về việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại các cấu trúc đảo trên Biển Đông, khẳng định việc này có thể đe doạ tự do hàng hải và hàng không.

Đồng thời, EU cam kết duy trì trật tự pháp lý đối với các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như được ghi nhận, đặc biệt là trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Việc này bao gồm duy trì an toàn hàng hải, an ninh, và hợp tác, tự do hàng hải và hàng không.

Trong khi không đứng về bên nào đối với các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đất và vùng biển tại Biển Đông, EU kêu gọi các bên liên quan giải quyết các tranh chấp thông qua các phương thức ôn hoà, làm rõ cơ sở các tuyên bố của mình và theo đuổi các tuyên bố đó phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS và các thủ tục phân xử của nó.

Bên cạnh đó, EU quan ngại về việc triển khai tên lửa tại các hòn đảo trên Biển Đông. Việc triển khai tạm thời hoặc vĩnh viễn các lực lượng hoặc thiết bị quân sự trên các cấu trúc đảo đang có tranh chấp ảnh hưởng tới an ninh khu vực và có thể đe doạ tự do hàng hải và hàng không là một quan ngại lớn. “Do vậy, EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế việc quân sự hoá trong khu vực, dùng hoặc đe doạ dùng vũ lực và thực hiện các hành động đơn phương” - tuyên bố của EU nêu rõ.

Liên minh châu Âu bày tỏ sự quan ngại về việc triển khai tên lửa trên Biển Đông

Liên minh châu Âu bày tỏ sự quan ngại về việc triển khai tên lửa trên Biển Đông. Ảnh ImageSat International

EU cũng khuyến khích những động thái liên quan tới các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tăng cường sự tin cậy và an ninh trong khu vực. EU hoàn toàn ủng hộ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt và kỳ vọng vào việc đạt được kết quả nhanh chóng trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giúp ích cho việc đảm bảo tốt hơn một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp. Liên quan tới vấn đề này, EU tái khẳng định sự sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất của mình về vấn đề an ninh hàng hải.

Trước đó, truyền thông quốc tế giữa tháng 2/2016 đưa tin Trung Quốc triển khai 2 khẩu đội gồm 8 bệ phóng tên lửa HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngay lập tức, dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối hành động này của phía Trung Quốc, cho rằng động thái khiêu khích này hoàn toàn có thể khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, phức tạp.

Phan Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang