Trung Quốc rầm rộ tập trận, điều tàu chiến mạnh nhất ra Biển Đông thị uy

author 16:58 14/07/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Trung Quốc điều tàu chiến mạnh nhất ra Biển Đông ngay trong ngày PCA ra phán quyết về vụ kiện ‘đường 9 đoạn’.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo VietNamNet, Tòa Trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) ngày 12/7 đã ra phán quyết cuối cùng đối với vụ Philippines khởi kiện yêu sách của quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, bác bỏ ‘đường 9 đoạn’ phi lý của Bắc Kinh. Trước và sau khi PCA ra phán quyết vụ kiện Biển Đông, Bắc Kinh đã lập tức có những phản ứng về mặt quân sự.

Những phản ứng quân sự của Trung Quốc sau phán quyết của PCA đang khiến tình hình Biển Đông có nguy cơ ‘tăng nhiệt’

Những phản ứng quân sự của Trung Quốc sau phán quyết của PCA đang khiến tình hình Biển Đông có nguy cơ ‘tăng nhiệt’

Bắt đầu từ ngày 11/7, quân đội Trung Quốc bắt đầu tập trận kéo dài 9 ngày tại căn cứ huấn luyện phía Tây Bắc mang tên Hỏa lực-2016 Qingtonxia. Theo Tân Hoa Xã, cuộc tập trận có sự tham gia của các đơn vị thuộc các chiến khu khác nhau. Website của quân đội Trung Quốc cho hay, cuộc tập trận nhằm thúc đẩy năng lực chiến đấu toàn diện của các đơn vị pháo binh.

Trong hai tháng tới, năm lữ đoàn pháo binh từ 5 chiến khu của quân đội Trung Quốc sẽ lần lượt đọ sức với một lữ đoàn từ Tập đoàn quân 47 của Bộ chỉ huy Chiến khu miền Tây. Lực lượng pháo binh thuộc Tập đoàn quân số 31 của Bộ chỉ huy Chiến khu miền Đông là đơn vị dẫn đầu, tham gia đợt tập trận này.

Đáng chú ý, cùng ngày PCA ra phán quyết, Trung Quốc đã đưa tàu chiến mạnh nhất ra Biển Đông. Theo đó, Hải quân Trung Quốc đã bàn giao tàu khu trục phòng không hiện đại Yingchuan Type-052D (phiên hiệu 175) thứ 4 cho hạm đội phụ trách khu vực Biển Đông tại cảng Tam Á, đảo Hải Nam.

Đồng thời, ngay sau phán quyết này, Bắc Kinh đã phát hành Sách Trắng về các tranh chấp với Philippines ở Biển Đông. Văn phòng thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 13/7 công bố Sách Trắng ‘Trung Quốc kiên quyết giải quyết tranh chấp với Philppines ở Biển Đông thông qua đàm phán’.

Trước những động thái của Trung Quốc sau khi PCA ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cũng lập tức tuyên bố điều máy bay chiến đấu F-16 và tàu chiến để bảo vệ quần đảo Natuna ở Biển Đông, Zing News cho hay. Trong cuộc phỏng vấn với AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết tăng cường phòng vệ quanh quần đảo Natuna chính là ưu tiên hàng đầu của nước này.

Trước tin Trung Quốc điều động tàu chiến, Indonesia tuyên bố sẽ đưa chiến đấu cơ F-16 đến Biển Đông

Trước tin Trung Quốc điều động tàu chiến, Indonesia tuyên bố sẽ đưa chiến đấu cơ F-16 đến Biển Đông

Các đợt triển khai tiếp theo bao gồm điều tàu chiến, chiến đấu cơ F-16, tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và radar. Song song với việc triển khai vũ khí, Indonesia cũng sẽ xây dựng những cơ sở quân sự và cải thiện một đường băng ở khu vực này. "Đây sẽ là tai, mắt của chúng tôi. Như vậy chúng tôi có thể biết được rõ chuyện gì đang xảy ra ở quần đảo Natuna và những vùng lân cận trong Biển Đông", Bộ trưởng Ryacudu nói.

Được biết Indonesia không có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng đã khẳng định quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia.  Tuy nhiên, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc đã chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna. Do vậy, Jakarta phản đối việc Trung Quốc gộp vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này vào cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay báo VnExpress đưa theo AFP, ngày 13/7, Đài Loan đã điều một tàu hộ vệ tên lửa lên đường tới Biển Đông để tuần tra, thực hiện hành động gọi là "bảo vệ lãnh thổ trên biển", một ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử trong "đường 9 đoạn" trên Biển Đông.

Trong phán quyết của mình, Tòa Trọng tài cũng nói rõ rằng Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan kiểm soát, là một đảo đá, không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Chính quyền Đài Loan đã lên tiếng phản đối, cho rằng phán quyết này là "hoàn toàn không chấp nhận được" và không mang tính ràng buộc pháp lý, vì Tòa Trọng tại không chính thức mời Đài Loan tham gia vào vụ kiện.

"Phán quyết Biển Đông, đặc biệt là việc phân loại đảo Thái Bình (cách Đài Loan gọi đảo Ba Bình của Việt Nam), đã gây phương hại đến lợi ích của chúng tôi trên các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liên quan", nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố trong chuyến thăm tàu hộ vệ tên lửa Khang Định ở cảng Cao Hùng trước khi nó xuất phát xuống Biển Đông.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thăm tàu chiến đã tuần tra trái phép quanh đảo Ba Bình của Biển Đông Việt Nam

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn thăm tàu chiến đã tuần tra trái phép quanh đảo Ba Bình của Biển Đông Việt Nam

"Sứ mệnh tuần tra lần này sẽ thể hiện quyết tâm của Đài Loan trong việc bảo vệ quyền lợi của mình", bà Thái nói trước khi rời khỏi chiếc tàu hộ vệ tên lửa. Cơ quan quân sự Đài Loan cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều thêm máy bay và tàu chiến tới tuần tra trong khu vực, đồng thời duy trì "cảnh giác cao độ" để bảo vệ an ninh.

Đảo Ba Bình là thực thể lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Đài Loan chiếm đóng trái phép và triển khai lực lượng cảnh sát biển đồn trú. Mã Anh Cửu, cựu lãnh đạo Đài Loan, từng đến thăm đảo này hồi đầu năm, và vấp phải sự chỉ trích của Mỹ cũng như nhiều quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Philippines…

Sức mạnh siêu tiêm kích F-35 gây tranh cãi vì 'không đáng đồng tiền bát gạo'(VietQ.vn) - Được kỳ vọng cao nhưng máy bay F-35 lại không ít lần bị chê bai, thậm chí siêu tiêm kích này còn bị coi là chiến đấu cơ thế hệ mới kém hiệu quả nhất.

Thanh Huyền (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang