Malaysia từ bỏ quan điểm trung lập, kêu gọi đáp trả Trung Quốc ở Biển Đông

author 19:35 15/03/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Malaysia kêu gọi ASEAN duy trì cân bằng, kiềm chế hành động của siêu cường ở khu vực Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay Zing News đưa theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein sẽ thảo luận với người đồng cấp Australia Marise Paynea  vào tuần tới về việc Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông, nhấn mạnh vai trò tập thể trước động thái hiếu chiến của Bắc Kinh. Hai bên dự kiến thảo luận về các nỗ lực nhằm yêu cầu Trung Quốc thực hiện cam kết không đưa tài sản quân sự trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu  về tình hình Biển Đông hiện nay

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay

Cuộc gặp diễn ra sau khi USNI News, trang tin tức và phân tích hàng hải của Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ, cho hay trong bản báo đánh giá trình lên Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng 2, ông James Clapper đề cập nhiều tới tốc độ quân sự hóa của Trung Quốc. Bản đánh giá nhận định với các cơ sở ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ có sức mạnh tấn công đáng kể trong khu vực trong năm tới, điều đi ngược lại với tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

Hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc được tiến hành nhanh chóng và tăng dần theo thời gian. Bắc Kinh đưa máy nạo vét để xây đảo nhân tạo trên rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ đầu năm 2014, tăng tốc vào năm 2015 và nơi này giờ đã xuất hiện các cảng nước sâu, đường băng dài cho tàu chiến và máy bay chiến đấu.

Trung Quốc cũng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội sau khi đưa chiến đấu cơ J-11 hạ cánh xuống sân bay mà nước này xây dựng trái phép ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái này diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh bị phát hiện đưa tên lửa phòng không HQ-9 tới Phú Lâm. Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh còn cho thấy Bắc Kinh đã xây 4 tháp radar nhân tạo trên quần đảo này.

Phát biểu trước báo giới ngày 14/3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho hay: "Nếu những báo cáo chúng tôi nhận được từ nhiều nguồn khác nhau liên quan đến hoạt động xây dựng và bố trí các phương tiện quân sự tại quần đảo Trường Sa là chính xác, điều đó buộc chúng tôi phải có động thái đáp trả Trung Quốc”.

Hàng trăm lính trung Quốc đứng trên boong chiến hạm đổ bộ ngang ngược chào cờ khẳng định chủ quyền phi lý ở bãi James trên Biển Đông

Hàng trăm lính trung Quốc đứng trên boong chiến hạm đổ bộ ngang ngược chào cờ khẳng định chủ quyền phi lý ở bãi James trên Biển Đông

Đồng thời, ông Hishammuddin cho biết sẽ có cuộc gặp gỡ với phía Việt Nam và Philippines, nhấn mạnh rằng nếu các báo cáo về sự mở rộng quân sự của Trung Quốc được xác minh, Malaysia không thể hành động một mình để ngăn chặn các động thái hiếu chiến. "Chúng tôi cần sự ủng hộ của các nước ASEAN khác và tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ. Chúng ta cần duy trì cân bằng, kiềm chế hành động của siêu cường, dù đó là Trung Quốc hay Mỹ", ông Hishammuddin khẳng định.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Tuổi Trẻ, chiều 14/3 tại thủ đô Vientiane (Lào), hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng ASEAN lần thứ 13 (ACDFIM-13) với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng vì một Cộng đồng ASEAN năng động” đã kết thúc tốt đẹp. Đoàn đại biểu Việt Nam do đại tướng Đỗ Bá Tỵ - tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - dẫn đầu.

Tại hội nghị, đại diện lực lượng quốc phòng các nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết về một môi trường hòa bình tại Biển Đông nhằm thúc đẩy hòa bình, sự ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng tại khu vực. Vì vậy, các bên cần phải thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trưởng đoàn Philippines, trung tướng Romeo Tanalgo, cho rằng một bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ làm giảm rất nhiều nguy cơ xung đột vũ trang trên Biển Đông và đưa đến giải pháp (giải quyết tranh chấp) trên cơ sở những luật lệ, quy định được quốc tế công nhận. Trung tướng Romeo Tanalgo cũng cho rằng việc các quốc gia ASEAN có tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông là hết sức cần thiết.

Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng ASEAN thảo luận về tình hình Biển Đông

Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng ASEAN thảo luận về tình hình Biển Đông

Các trưởng đoàn cũng đề cập tác động của quan hệ giữa các nước lớn đối với tình hình an ninh khu vực. Theo thiếu tướng Pery Lim - tư lệnh lực lượng quốc phòng Singapore, quan hệ Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến sự phát triển hòa bình của khu vực.

Ông Pery Lim cho rằng điều này nhấn mạnh tính cấp thiết của sự ổn định ở Biển Đông. Cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc cần được quản lý cẩn trọng và điều quan trọng là tất cả các nước phải tôn trọng tự do hàng hải và hàng không (ở Biển Đông).

Vân Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang