EU công nhận phán quyết Biển Đông nhưng né ‘điểm mặt chỉ tên’ Trung Quốc

author 17:56 16/07/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, tuyên bố của EU tuy công nhận phán quyết về vụ kiện Biển Đông nhưng lại tránh ‘điểm mặt chỉ tên’ Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất báo Thanh Niên trích từ The Guardian, sau 3 ngày thảo luận căng thẳng, Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/7 đã ra tuyên bố về tình hình Biển Đông hiện nay. Tuyên bố chung được đăng tải trên trang web của Hội đồng châu Âu (EC) nêu rõ EU công nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines chống Trung Quốc song tỏ rõ khối này trung lập trong tranh chấp trên Biển Đông, liên quan đến tuyên bố chủ quyền của các bên.

Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố về tình hình Biển Đông hiện nay nhưng tránh đề cập đến Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố về tình hình Biển Đông hiện nay nhưng tránh đề cập đến Trung Quốc. Ảnh minh họa

Tuyên bố chung khẳng định cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) đóng góp vào sự duy trì và thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền và rất cần thiết đối với việc giải quyết các tranh chấp. EU nhấn mạnh rằng các bên cần phải giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình cũng như phải làm rõ những tuyên bố của mình.

EU kêu gọi các bên tôn trọng và tuân thủ luật quốc tế, bao gồm các cơ chế trong khuôn khổ UNCLOS. EU cũng nhấn mạnh khối liên minh này ủng hộ Trung Quốc và ASEAN đẩy nhanh quá trình đàm phán và tiến tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Phát biểu tại Bắc Kinh, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini nói: "EU kêu gọi các bên giải quyết các vấn đề còn tồn đọng cũng như các vấn đề liên quan khác thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác, đồng thời tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng", theo The Guardian.

Mặc dù ra tuyên bố nhưng nội bộ EU vẫn không có sự đồng thuận tuyệt đối. Trong khi các nước như Anh, Pháp, Đức muốn tuyên bố rõ ràng về việc yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế, thì những nước như Hungary hay Hy Lạp lại không sẵn sàng với việc chỉ trích Bắc Kinh. Hungary và Hy Lạp là những nước phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu tư của Trung Quốc. Trong khi đó, các nước ở khu vực Đông Âu như Slovenia và Croatia lại có tranh chấp hàng hải và hiện nay phản đối cơ chế của UNCLOS.

Đại diện phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

Đại diện phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Ảnh AFP

Chính những quan điểm khác nhau đó khiến EU khó tìm được tiếng nói chung. Tuyên bố của EU không trực tiếp nhắc tới nội dung của phán quyết do Tòa trọng tài đưa ra hôm 12/7 và cũng tránh "điểm mặt chỉ tên" Bắc Kinh. Theo Reuters, tuyên bố chung của EU lần này phản ánh sự chia rẽ của các nước EU trong việc phản ứng đối với phán quyết về vụ kiện Biển Đông.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, Washington kêu gọi các nước liên quan kiềm chế và xem xét kỹ phán quyết của Tòa về vụ kiện "đường lưỡi bò" trên Biển Đông. "Các chuyến tuần tra ở Biển Đông là điều chúng tôi đã thực hiện trong nhiều thập kỷ nhằm bảo vệ quyền của tất cả các nước đưa thuyền và máy bay hoạt động ở những nơi luật quốc tế cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó", bà Colin Willett, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, nhấn mạnh khi trao đổi qua điện thoại hôm 14/7 với một số phóng viên châu Á, trong đó có báo VnExpress.

Theo bà Willett, phán quyết của Tòa trọng tài hôm 12/7 với vụ kiện do Philippines đưa ra mang tính quyết định và ảnh hưởng sâu rộng, đồng thời cũng rất phức tạp, với khối lượng đồ sộ gần 500 trang. Do đó, các nước liên quan, gồm Philippines, Trung Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế cần dành thời gian xem xét kỹ, đánh giá những gợi ý của phán quyết.

Trước nhiều câu hỏi về việc Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ làm gì nếu Trung Quốc có hành động khiêu khích ở khu vực, bà Willett từ chối đưa ra dự đoán về diễn biến sắp tới, cho rằng "còn quá sớm" để đánh giá. Đồng thời, Mỹ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế không có cách hành xử khiêu khích, hăm dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông sau phán quyết 'đường lưỡi bò'

Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông sau phán quyết 'đường lưỡi bò'. Ảnh US Navy

Washington cho rằng các nước cần tôn trọng luật pháp, làm rõ yêu sách của mình theo luật biển (UNCLOS), tìm kiếm cách thức có thể chấp nhận được hoặc giải quyết những khác biệt một cách hòa bình. Bà Willett bày tỏ, khi phán quyết của Tòa là ràng buộc với các bên, gồm Philippines và Trung Quốc, Mỹ trông đợi các nước này sẽ tuân thủ, thực hiện nghĩa vụ của mình.

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington hợp tác với các nước liên quan để khuyến khích họ sử dụng phán quyết làm cơ sở để thảo luận, tìm ra những phương cách như hợp tác chung hoặc quy tắc về cách hành xử. Đề cập tới lo ngại Bắc Kinh có thể lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng bất kỳ hành động nào cản trở tự do hàng hải và hàng không có thể bị coi là khiêu khích, "là điều không thể chấp nhận được với bất kỳ ai".

Bi kịch ‘ma men’ gây gổ với vợ rồi mang súng kíp lên rẫy tự sát(VietQ.vn) - Thanh niên 26 tuổi ở Đắk Lắk nhậu về thì xảy ra mâu thuẫn với vợ nên bỏ nhà đi. Sau đó người này dùng súng kíp tự chế bắn vào người tự sát.

Nguyễn Yên (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang