Australia đưa ra lời chỉ trích nặng nề nhất với Trung Quốc vì Biển Đông

author 17:56 24/03/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Thủ tướng Australia cho rằng việc quân sự hóa Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc bị ‘phản đòn’ về mặt pháp lý.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, trong một phát biểu ở Sydney ngày 23/3, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã chỉ trích các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng nó không có ý nghĩa gì, ngược lại còn phản tác dụng về mặt pháp lý. “Việc triển khai các hoạt động quân sự của Trung Quốc phản tác dụng về mặt luật pháp, với trạng thái này chúng ta không thể đưa ra quan điểm hay yêu cầu gì”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Australia Turnbull.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khi nói về tình hình Biển Đông hiện nay

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông khi nói về tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh Telegraph

Tuyên bố này được Thủ tướng Australia Turnbull trong bối cảnh Trung Quốc đang cấp tập tiến hành nhiều hoạt động quân sự hóa trái phép ở Biển Đông như triển khai tên lửa phòng không và đối hạm, lắp đặt hệ thống radar và điều chiến đấu cơ đến vùng biển này nhằm củng cố đòi hỏi chủ quyền phi lý của mình. Tuy nhiên, hoạt động quân sự của Trung Quốc đã bị nhiều nước phản đối, kể cả Mỹ và Australia.

Phát biểu của ông Turnbull được xem là lời chỉ trích nặng nề nhất mà người đứng đầu chính phủ Australia từng đưa ra đối với đối tác thương mại lớn nhất của Canberra, theo Reuters. Nó càng có ý nghĩa đặc biệt khi Thủ tướng Turnbull sẽ có chuyến công du quan trọng đến Trung Quốc vào tháng 4/2016.

Trước đó vài ngày, nhân chuyến công du châu Á hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cũng tuyên bố ở Malaysia rằng Canberra sẽ tiếp tục điều tàu chiến và máy bay tuần tra Biển Đông. Tuyên bố này nhiều lần được bà nhắc đến nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải của Australia trên vùng biển quốc tế, cũng là để thể hiện sự ủng hộ của Australia đối với Mỹ với cùng mục tiêu.

Hồi tháng 2/2016, Australia công bố sách trắng quốc phòng trong đó nhấn mạnh việc gia tăng ngân sách quốc phòng nhằm đối phó với sự bất ổn trước mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ở vùng biển châu Á -  Thái Bình Dương. Trung Quốc sau đó ra tuyên bố bày tỏ "thất vọng" đối với những tuyên bố trong sách trắng của Canberra.

Thời gian này, Trung Quốc liên tục bị dư luận quốc tế vì các động thái khiêu khích ở Biển Đông

Thời gian này, Trung Quốc liên tục bị dư luận quốc tế vì các động thái khiêu khích ở Biển Đông. Ảnh Ifeng.com

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, báo Tuổi Trẻ đưatin từ nguồn nhật báo Nikkel ngày 23/3 cho biết, chính phủ Philippines vừa thông báo thành lập một đơn vị đặc biệt để điều phối và thống nhất các chính sách, hành động ở Biển Đông.

Dựa vào văn bản do Văn phòng Tổng thống Philippines Benigno Aquino công bố, đơn vị đặc nhiệm mới do Cố vấn An ninh Quốc gia Cesar Garcia điều hành và có các thành viên đến từ các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Năng lượng, Tài nguyên - Môi trường, Vận tải và Truyền thông.

Lực lượng đặc biệt trên được cấu thành từ các đơn vị quân đội, lực lượng bảo vệ bờ biển, cảnh sát biển, Cục Ngư nghiệp và Tài nguyên Nước, sẽ chịu trách nhiệm “sắp xếp và đồng bộ hóa việc sử dụng các năng lực của nhiều cơ quan chính phủ khác nhau ở Biển Tây Philippines (tên Philippines dùng để gọi Biển Đông).

“Vì lợi ích, chính sách quốc gia và công cuộc phát triển cảnh quan đất nước, một cách tiếp cận thận trọng và chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề biển Tây Philippines là điều rất cần thiết để phục vụ mục đích điều phối nỗ lực hành động thống nhất ở Biển Tây Philippines”, tuyên bố thể hiện.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết nước này đã quyết định thành lập lực lượng biệt động trên Biển Đông

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết nước này đã quyết định thành lập lực lượng biệt động trên Biển Đông. Ảnh World Bank

Trong những năm gần đây, Philippines thường ám chỉ các vùng ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này là “Biển Tây Philippines,” trong đó bao gồm quần đảo Kalayaan do Manila kiểm soát nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm đóng năm 2012.

Trong thời điểm hiện tại, Philippines đang chờ đợi phán quyết của tòa án quốc tế The Hague về trường hợp kiện tụng đơn phương chống lại Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước ở Biển Đông.

Thanh Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang