Siêu bão có thể ‘xóa sổ’ toàn bộ đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông?

author 19:38 02/08/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, các cơn bão lớn đi qua Biển Đông có thể khiến đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa khó đứng vững.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo VnExpress, bình luận viên Steve Mollman nhận xét trên Quartz rằng: Trong khi Trung Quốc khăng khăng tuyên bố phớt lờ phán quyết Tòa Trọng tài 12/7 và tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo, họ có thể thua chính sóng, bão, và mực nước biển dâng cao khi cố gắng củng cố các cấu trúc được xây dựng trên những rạn san hô yếu ớt đã bị hư hỏng.

Đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc là ‘mồi lửa’ khiến tình hình Biển Đông luôn trong trạng thái căng thẳng

Đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc là ‘mồi lửa’ khiến tình hình Biển Đông luôn trong trạng thái căng thẳng

"Thiên nhiên có thể là mối đe dọa thậm chí còn mạnh hơn luật pháp quốc tế", ông viết khi chỉ ra rằng nhiều cấu trúc trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc đối mặt với mùa mưa bão đầu tiên. Tuần này, cơn bão Nida đi qua Biển Đông, đổ bộ vào Trung Quốc, sau khi trút lượng mưa đến 300 mm ở Philippines.

Được biết trong vài năm qua, Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, thiết lập các tòa nhà, đường băng, và hải đăng, thậm chí là cả trang trại trong nỗ lực củng cố yêu sách chủ quyền. Theo Economist, thực tế, vài tháng sau khi xây đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã phải sửa chữa góc phía đông bắc của nó do nó bị sụp xuống biển.

Các bãi đá thường là thực thể hứng gần như toàn bộ sức mạnh từ các đợt sóng lớn và các công trình xây dựng bên trên cũng phải chịu dư chấn tương tự. Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy rạn san hô có ích trong việc hạn chế thiên tai cho người dân ven biển.

Báo cáo cho thấy rạn san hô giảm 97% sức mạnh các đợt sóng. Phần cạnh rìa hướng ra biển của rạn san hô có thể làm tiêu tan khoảng 86% năng lượng. Những con số này cho thấy các cấu trúc xây dựng bên trên phải chịu tác động rất mạnh khi bị sóng lớn đánh.

Hơn nữa, nếu mực nước dâng lên, rạn san hô bị hư hỏng sẽ không thể thực hiện được điều chỉnh tự nhiên, và do đó làm cấu trúc xây dựng bên trên suy yếu, theo nhà sinh vật biển John McManus, giáo sư tại trường đại học Miami ở Florida, Mỹ.

Nhiều chuyên gia nhận định đảo nhân tạo của Trung Quốc khó chống chọi với mưa bão ở Biển Đông

Nhiều chuyên gia nhận định đảo nhân tạo của Trung Quốc khó chống chọi với mưa bão ở Biển Đông

Các cơn bão và siêu bão thường đi qua Biển Đông, đặc biệt là vào mùa hè. Thực thể như đá Chữ Thập vốn đã không chắc chắn trong điều kiện thường. Cơn bão có tốc độ gió lên tới 185 km/h cùng cột sóng cao khoảng 6 m có thể càn quét hoàn toàn hoặc ít nhất là gây thiệt hại nghiêm trọng đối với công trình đảo nhân tạo.

"Trong khi Bắc Kinh dường như quyết tâm vượt qua cơn bão pháp lý được tạo ra bởi các đảo nhân tạo họ xây dựng, chưa rõ liệu các cấu trúc bấp bênh đó có thể chống chịu được những cơn bão thiên nhiên hay không", Mollman nhận xét.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã nêu vấn đề Biển Đông với Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong buổi hội đàm hôm nay 2/8, theo đó cả hai đều khẳng định ủng hộ dùng luật biển quốc tế đối với tranh chấp ở Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno LP Marsudi, người tham dự cuộc họp cùng 2 nhà lãnh đạo, cho biết nhiều vấn đề của khu vực và song phương được đề cập trong buổi hội đàm tại Jakarta, Indonesia; trong đó Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của 2 nhà lãnh đạo.

Ngoại trưởng Indonesia cho biết Jakarta có quan điểm tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982. Công ước này đã được Toà trọng tài dựa vào để ra phán quyết vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) nêu vấn đề Biển Đông tại cuộc họp với Thủ tướng Malaysia Najib Razak

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) nêu vấn đề Biển Đông tại cuộc họp với Thủ tướng Malaysia Najib Razak

“Indonesia không muốn Biển Đông trở thành ‘lãnh địa’ của siêu cường. Đây là phát biểu của Tổng thống chúng tôi trong cuộc họp và Thủ tướng Najib cũng đồng ý với nguyên tắc mà chúng tôi đang theo đuổi”, Ngoại trưởng Indonesia phát biểu, được hãng tin Antara News dẫn lại.

Khác với Malaysia, Indonesia không có tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên Jakarta công khai chỉ trích đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc qua “đường lưỡi bò” phi lý. Phát biểu của 2 nhà lãnh đạo hôm nay được xem là tuyên bố của 2 nước trước phán quyết của Toà trọng tài ngày 12/7 qua, bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc.

Thủ tướng Malaysia thực hiện chuyến thăm Indonesia để tham gia cuộc họp tham vấn thường niên giữa 2 chính phủ. Ngoài mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và thương mại, cuộc tham vấn lần này tiếp tục bàn những giải pháp cho tranh chấp của 2 nước ở vùng biển Sulawesi.

Tuy nhiên theo hãng tin Bernama của Malaysia, vẫn chưa có nhiều cải thiện trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa 2 nước xung quanh vùng biển Sulawesi, dù cuộc tham vấn đã kéo dài 10 năm nay.

Nội thất tinh xảo của lâu đài búp bê đắt nhất thế giới giá 187 tỷ đồng(VietQ.vn) - Lâu đài búp bê ‘Astolat Dollhouse Castle’ với vẻ đẹp tinh xảo là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, được làm thủ trong suốt 13 năm ròng rã.

Vân Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang