Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu về tình hình Biển Đông trước G7

author 19:13 28/05/2016

(VietQ.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu đề cập đến tình hình Biển Đông hiện nay tại phiên họp thứ nhất Hội nghị G7 mở rộng vào sáng 27/5.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo Tuổi Trẻ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại phiên họp thứ nhất Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra sáng 27/5 ở tỉnh Mie, Nhật Bản. Trong bài phát biểu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập nhiều đến tình hình Biển Đông hiện nay, đồng thời khẳng định sự phồn vinh và phát triển bền vững ở Việt Nam, châu Á và trên thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu có một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu đề cập đến tình hình Biển Đông hiện nay khi tham dự Hội nghị G7 mở rộng ngày 27/5

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu đề cập đến tình hình Biển Đông hiện nay khi tham dự Hội nghị G7 mở rộng ngày 27/5. Ảnh TTXVN

“Chúng ta đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định cùng với các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam hoan nghênh các nước G7 đã có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực và mong muốn các nước G7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Không nêu tên cụ thể nước nào, nhưng nội dung trong bản tuyên bố chung khép lại Hội nghị thượng đỉnh thường niên G7 năm nay rõ ràng nhằm vào Trung Quốc khi nói về những căng thẳng trên biển tại châu Á. Các nhà lãnh đạo tham dự G7 khẳng định mọi căng thẳng trên biển tại châu Á cần được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ pháp luật.

“Chúng tôi rất quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng nền tảng của phương thức điều hành, giải quyết mọi mâu thuẫn một cách hòa bình” - tuyên bố chung G7 viết. G7 nhất trí quan điểm mọi tuyên bố chủ quyền trong khu vực cần phải được tiến hành trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nước cần tránh “những hành động đơn phương có thể gây gia tăng căng thẳng”, đồng thời tránh “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hòng cố tình đạt được những tuyên bố chủ quyền đó”.

Việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông khiến dư luận trong và ngoài khu vực đặc biệt lo ngại

Việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông khiến dư luận trong và ngoài khu vực đặc biệt lo ngại. Ảnh CSIS/IHS Jane’s

Đặc biệt, G7 nhấn mạnh các phương tiện pháp lý, “trong đó có tòa trọng tài”, cũng cần được vận dụng để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong vấn đề này. Quan điểm này được G7 nêu ra ngay trước thời điểm dự kiến vài tuần nữa Tòa trọng tài thường trực tại The Hague sẽ công bố phán quyết của họ về vụ kiện do Philippines khởi xướng, liên quan tới những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc lập tức nêu quan điểm phản bác, yêu cầu nhóm G7 không “xía vào” những tranh chấp tại Biển Đông. Ngay sau khi G7 đưa ra tuyên bố chung, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng mạnh và cho rằng ‘G7 lần này đang nói quá lên về vấn đề Biển Đông và việc thổi phồng quá mức những căng thẳng này không hề có lợi cho sự ổn định ở Biển Đông’.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay báo Người Lao Động trích nguồn từ AP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 27/5 cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một “Vạn lý trường thành tự cô lập” thông qua các động thái khiêu khích các quốc gia láng giềng ở các vùng biển tranh chấp.

Phát biểu trên được ông Carter đưa ra trước các sĩ quan tốt nghiệp tại Học viện Hải quân ở TP Annapolis, bang Maryland, Mỹ. Ông Carter nói rằng Trung Quốc muốn có được những lợi ích từ thương mại tự do và Internet miễn phí nhưng đôi khi tự mình hạn chế cả hai thứ đó.

“Trung Quốc đôi khi chơi theo luật của riêng họ. Kết quả là hành động của Trung Quốc có thể dựng lên bức tường Vạn lý trường thành của sự tự cô lập. Các nước trên khắp khu vực, các đồng minh, đối tác và những bên không liên minh đang bày tỏ quan ngại cả công khai lẫn bí mật tại các cấp cao nhất, các cuộc nhóm họp khu vực hay diễn đàn toàn cầu”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang tự xây ‘Vạn lý trường thành’ tự cô lập ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc đang tự xây ‘Vạn lý trường thành’ tự cô lập ở Biển Đông. Ảnh Indian Express

Trung Quốc tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông bằng cách bồi đắp phi pháp các thực thể thành đảo nhân tạo, xây dựng trái phép đường băng, bến cảng và cơ sở hạ tầng có thể phục vụ hiện diện quân sự. Theo ông Carter, Trung Quốc muốn vấn đề biển Đông không dính líu vào quan hệ Mỹ - Trung trên diện rộng nhưng Mỹ không thể chấp nhận như vậy.

“Hành động của Trung Quốc thách thức các nguyên tắc căn bản và chúng tôi sẽ không nhìn nhận theo hướng khác” - ông Carter nhấn mạnh. Tái khẳng định quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, ông Carter nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục “bay, giong buồm và hoạt động” bất cứ đâu mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền của các quốc gia.

Tuyên bố của ông Carter được đưa ra trước thềm chuyến thăm Singapore dự hội nghị an ninh châu Á trong tuần sau. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều khả năng trở thành chủ đề thảo luận hàng đầu tại hội nghị này.

Tiết lộ lý do 'sốc' tài tử Jonny Deep bị vợ ly dị sau khi mẹ mất vài ngày(VietQ.vn) - Nhiều người đã vô cùng bất ngờ khi cô vợ Amber Heard của cướp biển Jonny Deep đệ đơn ly dị chỉ vài ngày sau khi mẹ chồng mất.

Nguyễn Yên (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang