Nhật Bản triển khai radar tầm xa giám sát Biển Đông và Hoa Đông

author 19:39 29/03/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Nhật Bản triển khai hệ thống radar tại đảo tranh chấp với Trung Quốc để giám sát biển Hoa Đông và Bắc Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Đất Việt, ngày 28/3, Nhật Bản vừa triển khai hệ thống radar tầm xa tại đảo tranh chấp với Trung Quốc để có thể giám sát biển Hoa Đông và khu vực Bắc Biển Đông. Trạm radar được đặt tại đảo Yonagumi, tỉnh Okinawa. Đây là hòn đảo nhỏ với khoảng 1.500 dân nằm ở cực Tây của Nhật Bản và chỉ cách Đài Bắc Trung Hoa hơn 100km về phía Đông và cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc gần 150km.

Hệ thống radar tầm xa FPS-5 sẽ giúp Nhật Bản giám sát được tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông

Hệ thống radar tầm xa FPS-5 sẽ giúp Nhật Bản giám sát được tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông

Trạm radar giám sát lâu dài này sẽ được 160 lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) của Nhật Bản canh gác. “Thiết lập một cơ sở quân sự ổn định ở khu vực quần đảo Nansei khẳng định cam kết phòng thủ của chúng ta”, trung tướng Kiyoshi Ogawa thuộc GSDF nói trong buổi lễ trên đảo Yonaguni để trao cờ cho ông Daigo Shiomitsu - chỉ huy đơn vị mới.

“Chúng tôi có nhiệm vụ phải phản ứng nhanh chóng trước nhiều tình huống. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể xử lý một cách thích hợp”, báo Nhật Bản Japan Times dẫn lời ông Shiomitsu nói sau sự kiện. Giới quan sát quốc tế bình luận, trạm radar trên đảo Yonaguni, thuộc quần đảo Sakishima và chuỗi đảo Nansei, sẽ thúc đẩy đáng kể mạng lưới giám sát mặt đất của Nhật Bản và nâng cao năng lực thu thập thông tin tình báo xuống đến tận khu vực mũi phía Bắc của Biển Đông.

"Một trong những nguồn chính cho khai thác chiến lược sẽ là giám sát các hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo Senkaku, eo biển Miyako, và có thể xa đến tận eo biển Bashi (nằm giữa Đài Bắc Trung Hoa và Philippines) và phần phía Bắc của Biển Đông", ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy (Australia), nói về hệ thống radar của Nhật Bản.

"Nó có thể đóng vai trò trong việc chặn các trao đổi liên lạc tần số cao trong bán kính rộng hơn nhiều, bao gồm Trung Quốc đại lục, Biển Đông, Nga và Triều Tiên”, ông Graham phân tích. Tuy nhiên, Nhật Bản không tiết lộ về hệ thống radar được triển khai nhưng theo Kyodo hồi tháng 12/2015, Nhật Bản đang hoàn thành những thử nghiệm cuối cùng trước khi triển khai hệ thống FPS-7 đến đảo tiền tiêu của nước này cho thấy, gần như chắc chắn radar được triển khai chính là FPS-7.

Theo những thông tin ít ỏi được công khai cho biết, FPS-7 được áp dụng công nghệ ăng ten radar phân tán, so với radar kiểu cũ thì nó được nâng cấp mới về tính linh hoạt, phạm vi trinh sát và độ nhạy cảm trong phản ứng, được Nhật Bản coi là trang bị mang tính trụ cột để theo dõi duyên hải, đặc biệt là "các hòn đảo Tây Nam" trong tương lai.

Nhật Bản triển khai radar giám sát trong bối cảnh tình hình Biển Đông và Hoa Đông đang tăng nhiệt

Nhật Bản triển khai radar giám sát trong bối cảnh tình hình Biển Đông và Hoa Đông đang tăng nhiệt

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, bà Colin Willett, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN, các đồng minh và đối tác để đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực để đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương", bà Willett trả lời câu hỏi của báo VnExpress về những phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đến thăm Việt Nam vào tháng 5 tới.

Trao đổi qua điện thoại sáng 29/3 với một số phóng viên trong khu vực ASEAN về tranh chấp Biển Đông, bà Willett, phó trợ lý đặc trách Đông Á của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa nêu rõ quan ngại về tình hình Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc bồi đắp các thực thể và xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự. Bà Willett cho rằng những gì Trung Quốc làm trong hai năm qua có quy mô lớn hơn rất nhiều so với hoạt động của các nước cùng có tranh chấp trong vài thập kỷ.

Hơn thế, Trung Quốc còn cho rằng các hoạt động của mình là nhằm hỗ trợ dân thường, cứu trợ thảm họa và bảo vệ tự do hàng hải. Tuy nhiên khi tàu của nước ngoài đi vào khu vực biển tuân theo luật quốc tế thì nhân viên Trung Quốc nói qua bộ đàm yêu cầu tránh xa. "Chúng tôi rất quan ngại và không thấy có lý do hợp lý nào để Trung Quốc thay đổi cách thực hiện tự do hàng hải trong khu vực", bà Willet nói.

Trước các hoạt động gây căng thẳng của Bắc Kinh ở Biển Đông, bà Willett tái khẳng định Washington sẽ tiếp tục đưa tàu và máy bay đi qua khu vực, tuân theo luật pháp quốc tế. "Tôi không thể bình luận cụ thể về việc điều thiết bị quân sự đến Biển Đông nhưng Mỹ có một số đồng minh và đối tác an ninh ở khu vực, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với họ", bà Willett nói.

Đề cập tới việc gần đây Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng biển của Indonesia, bà Willett lưu ý Bắc Kinh đang thực hiện các hoạt động ở phạm vi và quy mô lớn hơn trong khu vực, làm tăng nghi vấn về ý đồ của nước này trong dài hạn và đe dọa gây thêm căng thẳng. 

Mỹ cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường cải tạo ở Biển Đông

Mỹ cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường cải tạo ở Biển Đông

Đưa ra khuyến nghị nhằm hạ nhiệt căng thẳng, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ khuyến cáo các nước liên quan đến tranh chấp cần nỗ lực thúc đẩy các tiến trình ngoại giao, làm rõ các yêu sách của mình và sử dụng biện pháp hòa bình như kiện ra tòa án quốc tế.

Trước lo ngại Trung Quốc sẽ không tuân theo phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp đưa ra với vụ kiện của Philippines, bà Willett nhấn mạnh các nước cùng có tranh chấp, Mỹ và cộng đồng quốc tế cần kiên quyết thể hiện quan điểm với Bắc Kinh. Các nước cần nói rõ rằng việc tuân thủ phán quyết là lợi ích của cả thế giới, rằng các nước ủng hộ mạnh mẽ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Quan chức này cho rằng phán quyết PCA đề cập đến không gian trên biển và quyền của các nước cùng có tranh chấp, giúp thúc đẩy các giải pháp ngoại giao và giảm căng thẳng giữa các nước.

Về cuộc họp thượng đỉnh tại Sunnylands mới đây giữa Tổng thống Obama và nguyên thủ các nước ASEAN, bà Willett cho hay hai bên đã tái khẳng định việc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải. Cam kết đó đã giúp duy trì an ninh và thịnh vượng cho khu vực trong nhiều thập kỷ qua. "Chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện cam kết đó", bà nói.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang