Trung Quốc trắng trợn đưa tàu chiến hiện đại nhất đến Biển Đông thị uy

author 15:57 05/05/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, biên đội gồm 6 tàu thuộc Hạm đội Nam Hải Trung Quốc hôm qua đã bắt đầu di chuyển ra Biển Đông để tập trận.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay báo VietNamNet, Tân hoa xã cho hay Hạm đội Nam Hải thuộc hải quân Trung Quốc (PLAN) đã bắt đầu cuộc tập trận ở Biển Đông từ hôm 4/5. Địa điểm chính xác và thời gian tập trận không được công bố. “Hai tàu hải quân của Hạm đội Nam Hải đã rời cảng ở Tam Á từ hôm qua để bắt đầu cuộc tập trận hàng năm trên Biển Đông và vùng nước lân cận", Tân hoa xã cho biết.

Việc  6 tàu chiến Trung Quốc tập trận ở vùng biển tranh chấp có thể khiến tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng

Việc 6 tàu chiến Trung Quốc tập trận ở vùng biển tranh chấp có thể khiến tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng. Ảnh Tân hoa xã

Tam Á là một thành phố ở Hải Nam và là nơi có căn cứ tàu ngầm hạt nhân, căn cứ không quân của hải quân Trung Quốc. Các tàu tham gia tập trận gồm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Hợp Phì Type 052D, tàu khu trục Lan Châu Type 052C và tàu khu trục đa chức năng mang tên lửa Quảng Châu, các tàu khu trục đa nhiệm Tam Á và Ngọc Lâm, tàu hậu cần Hồng Hồ đều thuộc Hạm đội Nam Hải.

Tàu khu trục Type 052D là một trong những tàu tác chiến nổi hiện đại nhất của Trung Quốc. Đáng nói là, cuộc tập trận lần này sẽ liên quan đến các lực lượng đồn trú trái phép của Trung Quốc ở trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. "Hạm đội sẽ huy động lực lượng hải quân, đồn trú ở Tây Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tham gia tập trận", Tân hoa xã cho biết.

“Cuộc tập trận nhằm tăng cường tính sẵn sàng chiến đấu và phối hợp thực tế giữa các tàu, máy bay cùng những lực lượng khác", theo PLAN. "Với 3 trực thăng và hàng chục lính "tác chiến đặc nhiệm", hạm đội sẽ chia thành 3 nhóm tới Biển Đông, phía đông Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương để tiến hành các hoạt động tập trận".

Các tàu chiến Trung Quốc đã rời cảng ở Hải Nam, bắt đầu cuộc tập trận trên Biển Đông.

Các tàu chiến Trung Quốc đã rời cảng ở Hải Nam, bắt đầu cuộc tập trận trên Biển Đông. Ảnh Reuters

Hiện Bắc Kinh đang ngang nhiên mở rộng sự hiện diện quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa trong vòng 4 năm qua. Họ xây dựng phi pháp một đường băng dài gần 3.000m và cả bến cảng. Bắc Kinh gần đây còn điều cả tên lửa chống hạm YJ-62 cùng các máy bay chiến đấu thế hệ 4 ra Phú Lâm. Thậm chí, Trung Quốc đang dần quân sự hóa các đảo chiếm giữ trái phép ở Trường Sa, và xây dựng ít nhất 2 đường băng ở đây.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Người Lao Động, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/4 thông báo Trung Quốc không cho phép một đội tàu Mỹ, do tàu sân bay USS John C. Stennis dẫn đầu, đến Hồng Kông. Đáng chú ý, sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban, Bắc Kinh từ chối cho tàu Stennis và đội tàu hộ tống vào Hồng Kông dù “đã nhiều lần được cập cảng này trước đó”. Ông Urban cho biết thêm một tàu chiến khác của Mỹ là USS Blue Ridge hiện cập cảng ở Hồng Kông và phía Washington hy vọng chuyến thăm này sẽ tiếp tục diễn ra như bình thường.

Một quan chức hải quân Mỹ hé lộ rằng đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hông Kồng không muốn cho tàu USS John C. Stennis ghé vào đây vì “thời điểm này không thuận tiện”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như Đại sứ quán Mỹ tại Washington chưa đưa ra bình luận về vụ việc này. Người phát ngôn của Cục An ninh Hồng Kông cũng từ chối bình luận.

Trung Quốc cấm cửa tàu sân bay Mỹ tới Hồng Kông trong bối cảnh tình hình Biển Đông ‘tăng nhiệt’

Trung Quốc cấm cửa tàu sân bay Mỹ tới Hồng Kông trong bối cảnh tình hình Biển Đông ‘tăng nhiệt’. Ảnh Reuters

Trước đó vào hồi đầu tháng 3, thuyền trưởng Greg Huffman, sĩ quan chỉ huy tàu sân bay USS John C. Stennis, nhấn mạnh các tàu Trung Quốc theo sát "chưa từng thấy" khi các tàu trong cụm tàu sân bay của ông tuần tra trên Biển Đông. Đến giữa tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã ghé thăm tàu này trên Biển Đông nhằm chứng tỏ cam kết duy trì tự do hàng hải của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc.

Thời điểm đó, ông Carter phủ nhận việc Trung Quốc cáo buộc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực khiến tình hình Biển Đông căng thẳng gia tăng. Ông Carter vạch rõ các hành động quân sự hóa những tiền đồn mà Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông là điều khiến thế giới quan ngại.

>> Bi hài chuyện búp bê tình dục được thờ phụng như ‘thiên sứ giáng trần’

Minh Thùy (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang