Thủ tướng Trung Quốc ngang ngược tuyên bố muốn độc chiếm Biển Đông

author 17:05 07/03/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Thủ tướng Trung Quốc không ngần ngại khẳng định mưu đồ độc chiếm Biển Đông trong bài phát biểu trước Quốc hội.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo VTC News, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không ngần ngại thể hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông qua dự thảo 5 năm tới của Bắc Kinh trong bài phát biểu trước Quốc hội nước này. Dự thảo kế hoạch 5 năm tới Chính phủ Trung Quốc trình trước Quốc hội nước này cho biết, Bắc Kinh sẽ tăng cường sự hiện diện của mình trong các "vùng biển mà Bắc Kinh quản lý", SCMP đưa tin.

Phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không khác gì ‘mồi lửa’ đổ vào tình hình Biển Đông hiện nay

Phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không khác gì ‘mồi lửa’ đổ vào tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh SCMP

Toàn bộ dự thảo trình trước Quốc hội của Chính phủ Trung Quốc đều nói đến đảm bảo an ninh hàng hải, chủ quyền trên biển của quốc gia này. Trong đó nêu lên các ý kiến tăng cường thực thi pháp luật trên biển, đảm bảo tự do, an ninh hàng hải và đối phó một cách thích hợp với các hành vi xâm phạm "chủ quyền Trung Quốc trên biển".

Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố: "Trung Quốc sẵn sàng trên tất cả các mặt trận, với tất cả các kịch bản, nỗ lực để đảm bảo sức sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới, kiểm soát trên biển cũng như trên không". Đáng chú ý, những tuyên bố này được đưa ra trong lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang có dấu hiệu gia tăng ở khu vực Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang chiếm đóng và cải tạo trái phép các đảo của Việt Nam.

Trước đó, trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước này, Trung Quốc công bố chi tiêu quốc phòng trong năm nay, tăng 7,6% so với 2015 và là mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm gần đây. Mặc dù vậy, Trung Quốc tuyên bố vẫn sẽ đầu tư cho hàng hải ở biển Hoa Đông, Biển Đông và công tác tình báo, Reuters đưa tin.

Đây là lần đầu tiên trong 6 năm Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự chỉ một chữ số. Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của nước này được đăng ký tăng 10,1% so với năm trước đó, lên 866,9 tỷ nhân dân tệ.

Trung Quốc tiếp tục tăng cường đầu tư cho hàng hải ở các vùng biển tranh chấp, trong đó có Biển Đông

Trung Quốc tiếp tục tăng cường đầu tư cho hàng hải ở các vùng biển tranh chấp, trong đó có Biển Đông. Ảnh SCMP

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Dân Trí, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 7/3 đã nhắc tới việc Tokyo  sẽ tiếp tục tổ chức tập trận chung với các nước khác tại Biển Đông.

Phát biểu trong một buổi lễ tại căn cứ Ominato tại thành phố Mutsu thuộc tỉnh Aomori, Bộ trưởng Gen Nakatani cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục có các nỗ lực đóng góp cho hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách hợp tác với các quốc gia ở Biển Đông. Bộ trưởng Gen Nakatani cũng cho biết thêm các tàu chiến Nhật Bản đang quay trở về căn cứ trong nước sau khi tham gia tập trận chung với các nước ở Biển Đông thời gian qua.

Ngoài ra, cũng trong buổi lễ nêu trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho rằng dù không có vụ cướp biển nào xảy ra trong năm ngoái nhưng mối đe dọa này vẫn hiện hữu. Do vậy, Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản sẽ tiếp tục cử tàu tham gia nhiệm vụ chống cướp biển trong thời gian tới.

Tuyên bố nêu trên của Bộ trưởng Nakatani được đưa ra sau khi truyền thông Nhật Bản cho biết nước này sẽ cùng với Mỹ và Ấn Độ tổ chức tập trận chung vào cuối năm nay ở vùng biển nằm ở phía Bắc Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh AFP

Truyền thông Nhật Bản dẫn lời Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, đã xác nhận về địa điểm diễn ra cuộc tập trận thường niên Malabar. Khu vực được đề xuất nằm cách không xa phía Đông Bắc Biển Đông, nơi Mỹ đang đi đầu trong các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền này.

Năm ngoái, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cũng tổ chức cuộc đối thoại ba bên đầu tiên về an ninh và tự do hàng hải. Những hoạt động này được thực hiện giữa lúc căng thẳng gia tăng trên Biển Đông sau các hoạt động được cho là "quân sự hóa" của Trung Quốc ở vùng biển này.

Phan Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang