Mỹ bác tin cấm giới chức quân sự phát ngôn về tình hình Biển Đông

author 18:17 09/04/2016

(VietQ.vn) - Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định tình hình Biển Đông là vấn đề rất quan trọng, cần được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo Thanh Niên, ngày 8/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama bác bỏ thông tin nói Nhà Trắng ra lệnh cấm giới chức quân sự phát ngôn về tình hình Biển Đông. Trước đó, tờ Navy Times hôm 6/4 loan tin Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice yêu cầu người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cùng nhiều quan chức cấp cao khác ngừng phát biểu về tình hình Biển Đông trong thời gian diễn ra hội nghị an ninh hạt nhân hồi tuần trước.

Tình hình Biển Đông hiện nay đang là một trong những điểm nóng được các nước trên thế giới quan tâm

Tình hình Biển Đông hiện nay đang là một trong những điểm nóng được các nước trên thế giới quan tâm. Ảnh CSIS/Reuters

Theo Navy Times, hành động này được cho là nhằm tránh gây thêm bất đồng trong cuộc gặp giữa Tổng thống  Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị. Tuy nhiên, tờ The Washington Post dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook khẳng định Đô đốc Harris luôn có thể đưa ra các ý kiến thẳng thắn lên tổng thống và Hội đồng an ninh quốc gia về mọi vấn đề liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Mọi ý kiến đều được xem xét và đánh giá cao”, ông Cook nhấn mạnh, đồng thời khẳng định không có lệnh cấm phát ngôn như tin đồn. Bản thân Đô đốc Harris khẳng định “mọi tuyên bố về sự lệch pha giữa Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Nhà Trắng là không đúng sự thật”.

Cũng trong ngày hôm qua 8/4, tại diễn đàn Đối thoại EU - Trung Quốc vừa diễn ra tại Bắc Kinh, các nhà ngoại giao EU kêu gọi cần tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông, theo tờ South China Morning Post. Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan đối ngoại EU Gunnar Wiegand nhận định dư luận quốc tế, trong đó có EU, rất lo ngại về hàng loạt diễn tiến gần đây ở Biển Đông.

Ông lưu ý một nửa hoạt động giao thương của thế giới đều phải qua vùng biển này và an ninh kinh tế EU liên quan chặt chẽ với sự ổn định của châu Á - Thái Bình Dương. “Dù không ủng hộ bên nào trong tranh chấp song EU cam kết thực hiện đúng trật tự hàng hải, dựa theo các điều khoản trong luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển”, ông Wiegand phát biểu.

Tàu hải cảnh Trung Quốc thường có hành động gây bất ổn ở Biển Đông

Tàu hải cảnh Trung Quốc thường có hành động gây bất ổn ở Biển Đông. Ảnh Reuters

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên Zing News, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/4 nhấn mạnh hội nghị G7 sắp tới cần thảo luận về tình hình Biển Đông dù Bắc Kinh liên tục yêu cầu không đưa nội dung này vào chương trình nghị sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đánh giá "những điều đang xảy ra ở Biển Đông là các diễn biến quan trọng, phản ánh một phần lo ngại về tình hình an ninh ở châu Á".

"Đây là vấn đề quan trọng đối với khu vực. Nên tôi cho rằng chủ đề Biển Đông cần được thảo luận tại hội nghị", ông Toner nói. Được biết hội nghị cấp cao G7 năm nay sẽ diễn ra tại tỉnh Mie, Nhật Bản trong hai ngày 26 và 27/5. Trước đó, một cuộc họp giữa các ngoại trưởng nhóm nước G7 sẽ diễn ra vào cuối tháng 4.

Các hội nghị của G7 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông như xây đường băng, hệ thống radar tiên tiến và triển khai tên lửa đất đối không. Đáng chú ý, trong một cuộc họp song phương hồi cuối tháng 2, phía Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản không nêu vấn đề Biển Đông tại G7 vì có thể “ảnh hưởng nỗ lực cải thiện quan hệ song phương”.

Trung Quốc khiến các nước lo ngại khi đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc khiến các nước lo ngại khi đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh Janes'

Trung Quốc còn ngang ngược cảnh báo rằng cách hành xử của Nhật tại hội nghị G7 sẽ là "phép thử" quan hệ song phương Bắc Kinh - Tokyo. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 8/4 tiếp tục yêu cầu G7 không thảo luận về tình hình Biển Đông.

"G7 sẽ giống như G20, và chỉ tập trung vào những chủ đề kinh tế và phát triển mà các nước trên thế giới quan tâm nhất", ông Vương Nghị nói. Đáp lại, Nhật Bản kiên quyết từ chối yêu sách của Trung Quốc.

Theo Kyodo, bản thảo về tuyên bố an ninh hàng hải sẽ được công bố sau khi hội nghị ngoại trưởng G7 kết thúc ngày 27/4. Theo đó, các ngoại trưởng phản đối mạnh mẽ việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải thông qua sử dụng những lời đe dọa hoặc vũ lực. Các ngoại trưởng dự kiến bày tỏ quan ngại trước loạt hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí trái phép Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông.

> > Thức ăn đường phố Hà Nội vào 'tầm ngắm' của cơ quan chức năng

Nguyễn Yên (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang