Mỹ - Philippines tập trận đổ bộ suốt 3 tuần gần Biển Đông

author 15:23 20/09/2015

(VietQ.vn) - Vài ngày sau khi lời cảnh báo việc Trung Quốc ngang nhiên xây 3 đường băng lớn ở Trường Sa, Mỹ và Philippines sẽ tiến hành cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn gần Biển Đông, kéo dài suốt 3 tuần lễ.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, các lực lượng của Mỹ và Philippines sẽ tiến hành cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn kéo dài suốt 3 tuần gần Biển Đông. Cuộc tập trận nói trên diễn ra từ ngày mai 21/9 – 9/10, với sự tham gia của 650 lính thủy đánh bộ Mỹ đóng tại đảo Okinawa của Nhật Bản và 740 binh sĩ Philippines, theo thông cáo được công bố trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Manila.

Mỹ và Philippines sẽ tập trận đổ bộ từ ngày 21/9 – 9/10 gần Biển Đông trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng

Mỹ và Philippines sẽ tập trận đổ bộ từ ngày 21/9 – 9/10 gần Biển Đông trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng

Tham gia tập trận lần này, các lực lượng của hai bên sẽ thực hiện diễn tập huấn luyện chỉ huy, tập trận bắn đạn thật, chiến dịch đổ bộ, phối hợp huấn luyện sử dụng vũ khí, các chiến dịch quân - dân sự cùng chương trình hỗ trợ nhân đạo. Trong đó, cuộc tập trận huấn luyện chỉ huy sẽ được tiến hành tại đảo Palawan, nằm dọc Biển Đông, nhằm giúp quân đội Philippines nâng cao khả năng lên kế hoạch và thực hiện các chiến dịch trên biển.

Dạng huấn luyện này nhằm cung cấp cho binh sĩ Mỹ và Philippines cơ hội duy trì, cải thiện khả năng và nâng cao mức độ tương tác. Đây sẽ là cuộc tập trận đổ bộ chung thứ 2 giữa Mỹ và Philippines gần Biển Đông trong khoảng 3 tháng qua. Cuộc tập trận thứ nhất diễn ra ngoài khơi đảo Palawan từ 22 – 26/6, tập trung vào các hoạt động phối hợp trên biển, tuần tra và do thám... Khi đó, Mỹ đã điều một máy bay giám sát P-3 Orion và tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth tham gia.

Đáng chú ý, Đại sứ quán Mỹ công bố kế hoạch tập trận đổ bộ nói trên chỉ vài ngày sau khi Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cảnh báo việc Trung Quốc ngang nhiên xây 3 đường băng lớn trên các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ gây mối đe dọa đối với tất cả quốc gia trong khu vực.

Trước đó vài ngày, Đô đốc Mỹ Harry Harris cảnh báo việc Trung Quốc xây dựng 3 đường băng lớn ở quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông Việt Nam

Trước đó vài ngày, Đô đốc Mỹ Harry Harris cảnh báo việc Trung Quốc xây dựng 3 đường băng lớn ở quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông Việt Nam

Một số chuyên gia nhận định, việc sở hữu 3 đường băng đó, vốn cách xa đất liền Trung Quốc tới 1.400 km, sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng tầm hoạt động của máy bay giám sát Y-9 và trực thăng Ka-28, có chức năng truy tìm tàu ngầm, từ đó có thể săn tàu ngầm đối phương ở trong và ngoài Biển Đông. Việc tăng cường khả năng chống tàu ngầm cũng có thể giúp Bắc Kinh bảo vệ hoạt động của các tàu ngầm lớp Tấn, được cho là có khả năng phóng các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.

Đây là phần cốt lõi trong chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc, theo nhận định từ nhà quan sát an ninh đại lục Trương Bá Hối tại Đại học Lĩnh Nam (Hồng Kông) với Reuters. Giới chuyên gia an ninh cho rằng với khả năng răn đe hạt nhân, Trung Quốc có thể tiến tới lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phi pháp ở Biển Đông.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, ngày 18/9, tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hội đàm với Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), trong đó có tranh chấp Biển Đông, báo Tiền Phong đưa tin.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovski chia sẻ những quan ngại về tình hình Biển Đông hiện nay

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovski chia sẻ những quan ngại về tình hình Biển Đông hiện nay

Theo đó, đề cập vấn đề biển Đông, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, thời gian qua, bất chấp phản đối của các nước và công luận quốc tế, Trung Quốc có các hoạt động xây dựng, mở rộng trên quy mô lớn các đảo đá, chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.  Việc làm trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.

Phó Thủ tướng khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982… Ông Valdis Dombrovskis khẳng định, EU ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường hòa bình, thông qua luật pháp quốc tế.

Phó chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cũng nêu rõ, an ninh hàng hải rất quan trọng đối với các quốc gia châu Á cũng như châu Âu. Ông bày tỏ chia sẻ với Việt Nam về những lo ngại đối với các hành động làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông thời gian qua.

Minh Thùy (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang