Vạch trần thủ đoạn tận diệt hệ sinh thái Biển Đông của ngư dân Trung Quốc

author 17:20 18/12/2015

(VietQ.vn) - Miêu tả về thủ đoạn diệt san hô ở Biển Đông của ngư dân Trung Quốc, phóng viên BBC nói: “Hàng triệu nhánh san hộ vụn, trắng xóa và chết dưới đáy biển”.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, song song với hoạt động xây dựng, cải tạo đất trái phép của chính quyền Trung Quốc ở Biển Đông, các ngư dân nước này còn đang cố tình phá hủy những rặng san hô gần một số đảo mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Phóng viên Rupert Wingfielf-Hayes của hãng BBC đã có bài viết mô tả chi tiết về thủ đoạn hủy hoại hệ sinh thái Biển Đông của ngư dân Trung Quốc, báo Infonet đưa tin.

Cảnh cả một vùng san hô chết trắng dưới đáy biển khiến những người quan tâm đến tình hình Biển Đông không khỏi xót xa

Cảnh cả một vùng san hô chết trắng dưới đáy biển khiến những người quan tâm đến tình hình Biển Đông không khỏi xót xa

Một trưởng làng trên đảo Palawan (Philippines) cho biết, hoạt động phá rặng san hô “kéo dài cả ngày lẫn đêm trong nhiều tháng liên tục”. “Bọn họ dùng chân vịt tàu để phá san hô”, ngư dân này cho biết. Khi lặn xuống dưới biển, mức độ tàn phá môi trường có thể thấy rất rõ.

Theo lời nhóm phóng viên BBC, khu vực này đã từng là một rặng san hô rất lớn. Giờ đây, đáy biển chỉ còn hàng triệu nhánh san hộ vụn, trắng xóa và chết dưới đáy biển. Cảnh tượng này kéo dài hàng trăm mét và đâu đâu cũng thấy hàng đống san hô nát vụn bị con người chặt phá. Cả một hệ sinh thái dưới biển đã hoàn toàn bị hủy hoại.

Ngay bên dưới, nhóm phóng viên đã phát hiện hai thợ lặn đang cố gắng kéo một vật rất nặng từ dưới biển. Đó là một con trai khổng lồ, chiều rộng ít nhất khoảng 1m. Nhóm thợ lặn bỏ nó lên một đống sò khác mà họ đã lôi lên từ dưới biển trước đó. Những con trai loại này có thể đã có 100 năm tuổi, và giá thị trường hiện tại của chúng vào khoảng 1.000 đến 2.000 USD một đôi.

Rời khỏi khu vực này và tiến ra xa ngoài khơi, nhóm phóng viên BBC nhìn thấy những con tàu đánh cá lớn, trên boong có hàng trăm vỏ trai không lồ chất thành một đống lớn. Mạn của các tàu này đều ghi tên Tanmen. Đây là cảng Đàm Môn, một trong số những cảng biển của các tàu đánh cá trên đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Bình luận về lý do tại sao những ngư dân Trung Quốc lại không ngần ngại hủy hoại san hô Biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân rất có thể là bởi lòng tham. Vào thời điểm Trung Quốc phát triển kinh tế mạnh mẽ, đánh bắt những loài vật quý hiểm mang lại nhiều tiền hơn cho ngư dân hơn là đánh cá thông thường.

Ngư dân Trung Quốc không hề tỏ ra sợ hãi khi bị quay lại cảnh đang đánh bắt trái phép trên Biển Đông

Ngư dân Trung Quốc không hề tỏ ra sợ hãi khi bị quay lại cảnh đang đánh bắt trái phép trên Biển Đông

Không dừng lại ở đó, hoạt động cải tạo và xây dựng đảo của Trung Quốc ở gần đó cũng đã khiến môi trường biển bị hủy hoại nghiêm trọng. Cụ thể nhất là mới đây, Trung Quốc đã bồi đắp đảo nhân tạo ở bãi đá Vành Khăn, có chiều dài hơn 9km. Điều đó có nghĩa là cả một rặng san hô dài 9km đã bị chặt phá và nay bị chôn vùi dưới hàng tấn lớp cát và sỏi.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, Nhật Bản và Indonesia vừa thống nhất một chương trình hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng, mở đường cho Nhật xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng sang Indonesia và tạo điều kiện cho Tokyo tham gia sâu hơn những vấn đề ở Biển Đông.

Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng 2 nước đã đạt được thỏa thuận trên sau khi cùng tổ chức những cuộc họp song phương “hai cộng hai” (tức họp cùng lúc 2 bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai bên) ngày 17/12 tại Tokyo, theo Japan Times ngày 18/12.

Được biết, đây là lần đầu tiên Nhật tổ chức cuộc họp “hai cộng hai” với một nước ASEAN sau khi tổ chức các cuộc họp tương tự với Mỹ và Australia. Trước đó, Tokyo cũng ký hợp tác an ninh quốc phòng với Ấn Độ, nhắm đến những hợp tác duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.

Nhật Bản và Indonesia đang tăng cường hợp tác quốc phòng để chống lại sự bành trường của Trung Quốc trên Biển Đông

Nhật Bản và Indonesia đang tăng cường hợp tác quốc phòng để chống lại sự bành trường của Trung Quốc trên Biển Đông

“Môi trường an ninh ở khi vực ngày càng trở nên căng thẳng hơn, chúng tôi muốn thúc đẩy hợp tác với Indonesia, thành viên quan trọng của ASEAN, trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng”, ông Fumio Kishida, Ngoại trưởng Nhật phát biểu, theo Reuters.

Nhật quan tâm và muốn đẩy mạnh hợp tác với Indonesia trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Trong khi đó, Jakarta muốn có sự chuyển giao công nghệ an ninh, quốc phòng từ Tokyo để tăng cường quốc phòng, chống khủng bố và các hoạt động cứu hộ thiên tai, đài Channel News Asia nhận định. Trong cuộc họp riêng của bộ trưởng quốc phòng hai nước ở Tokyo, phía Nhật nhấn mạnh đến “mối quan tâm chiến lược” đảm bảo an ninh giao thông đường biển xung quanh Indonesia, Japan Times cho hay.

Tokyo cũng muốn thúc đẩy hoạt động giao lưu quân sự như tập trận với Indonesia để nâng cao khả năng tác chiến cho quân đội Nhật ở nước ngoài bên cạnh việc hợp tác với quân đội đồng minh Mỹ. Indonesia sẽ là nước đăng cai tập trận đa quốc gia vào năm 2016. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani bày tỏ mong muốn binh lính Nhật sẽ tham gia cuộc tập trận quy mô này.

Tuyết Trinh (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang