Tên lửa Trung Quốc thổi bùng nỗi lo tái hiện thảm kịch MH17 ở Biển Đông

author 10:50 23/02/2016

(VietQ.vn) - Chuyên gia quân sự hàng đầu Australia cảnh báo tên lửa Trung Quốc triển khai ở Biển Đông có thể gây ra thảm họa tương tự như vụ máy bay MH17.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald về tình hình Biển Đông hiện nay, chuyên gia Peter Jennings thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) tuyên bố tên lửa đất đối không HQ-9 mà Trung Quốc triển khai trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sẽ đe dọa cả các máy bay của không quân Australia lẫn máy bay thương mại hoạt động trong khu vực Biển Đông, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

Bàn về tình hình Biển Đông hiện nay, chuyên gia Australia lo ngại tên lửa Trung Quốc có thể gây ra thảm kịch tương tự như vụ MH17

Bàn về tình hình Biển Đông hiện nay, chuyên gia Australia lo ngại tên lửa Trung Quốc có thể gây ra thảm kịch tương tự như vụ MH17. Ảnh Independent

Ông Jennings cho biết không quân Australia vẫn thường triển khai máy bay tuần tra P-3 Orion trên bầu trời gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc triển khai tên lửa trái phép. “Nguy cơ là có thật khi các máy bay bay trong tầm bắn 200km của tên lửa Trung Quốc. Không quân và bộ chỉ huy sẽ phải thảo luận nghiêm túc để đối phó với nguy cơ này” - ông Jennings giải thích.

Chuyên gia Australia cũng khẳng định các hãng hàng không quốc tế cũng đối mặt với nguy cơ tương tự, đặc biệt sau những gì đã xảy ra với chuyến bay MH17 trên bầu trời Ukraine. Sau đó, trong bài xã luận trên báo Financial Review, chuyên gia Jennings cũng cảnh báo hành vi hiếu chiến của Trung Quốc đang biến tranh chấp Biển Đông trở thành một cuộc khủng hoảng.

Ông cho rằng các quốc gia như Mỹ, Australia và nhiều nước khu vực cần nhóm họp, đồng loạt yêu cầu Trung Quốc phải rút tên lửa ra khỏi đảo Phú Lâm và cộng đồng quốc tế cũng cần cảnh cáo và ngăn chặn Trung Quốc tuyên bố thành lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

“Cuối cùng, các nước có lợi ích chiến lược trong việc bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đáng kể nhất là Australia và Nhật, cần triển khai tàu chiến và máy bay tới tuần tra trong khu vực” - ông Jennings kêu gọi. 

Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 14/2 cho thấy các bệ phóng tên lửa mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông, trong khi ngày 3/2 chưa có

Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 14/2 cho thấy các bệ phóng tên lửa mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông, trong khi ngày 3/2 chưa có. Ảnh Fox News

Trước những phân tích của chuyên gia Peter Jennings, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết các máy bay thương mại nên tiếp tục bay qua Biển Đông dù Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không phi pháp đến đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, báo Thanh Niên đưa tin.

Cụ thể trong buổi trả lời phỏng vấn đài ABC (Australia) ngày 21/2, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết khi bà đến thăm Trung Quốc hồi tuần này, các quan chức Trung Quốc không xác nhận cũng không bác bỏ thông tin đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (phiên bản ‘nhái’ của hệ thống S-300 của Nga) đến đảo Phú Lâm. Đây là hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.

Khi phóng viên ABC hỏi ngành hàng không dân dụng sẽ ứng phó thế nào với nguy cơ này, bà Bishop cho hay những tàu và máy bay thương mại “nên tiếp tục hoạt động như bình thường… bởi vì Trung Quốc đã hứa sẽ không quân sự hóa (khu vực Biển Đông)”.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi kênh truyền hình Fox News (Mỹ) ngày 16/2 dẫn lại những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm. Bắc Kinh triển khai HQ-9 sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur hôm 30/1 áp sát đảo Tri Tôn, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa và đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho rằng máy bay thương mại không cần tránh bay qua Biển Đông

Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho rằng máy bay thương mại không cần tránh bay qua Biển Đông. Ảnh Reuters

Sau cuộc họp với bà Bishop tại Bắc Kinh hôm 17/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không bác bỏ thông tin về việc triển khai hệ thống tên lửa, nhưng lại cho rằng thông tin này là do truyền thông phương Tây dựng chuyện. Trong khi đó, Chính phủ Australia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng không và hàng hải tại khu vực này.

Được biết mới đây, một số chính trị gia Australia cũng kêu gọi chính phủ nước này tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Mục tiêu là khẳng định quan điểm của Australia rằng nước này phản đối đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở khu vực.

Vân Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang