Trung Quốc ‘toát mồ hôi’ vì sức ép từ cả Mỹ và Philippines ở Biển Đông

author 18:31 09/01/2016

(VietQ.vn) - Philippines kêu gọi ASEAN gây sức ép với Trung Quốc để đạt được COC, trong khi Mỹ nhấn mạnh đang theo dõi sát các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên Zing News, Philippines ngày 8/1 kêu gọi các nước láng giềng gây áp lực lên Trung Quốc nhằm chấp thuận Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông để hạ nhiệt căng thẳng sau những động thái gây hấn gần đây của Bắc Kinh. “Chúng ta có thể gia tăng áp lực đối với Trung Quốc để thống nhất về một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc giữa các bên hay không?”, Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết.

Tổng thống Philippines kêu gọi nhanh chóng thúc đẩy COC trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay

Tổng thống Philippines kêu gọi nhanh chóng thúc đẩy COC trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh Reuters

Theo ông Aquino, Manila đã nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), gồm tập hợp các quy tắc về cách thức mà các bên có liên quan nên áp dụng, đồng thời áp đặt biện pháp trừng phạt những nước vi phạm. Mục đích của các quy tắc là ngăn những hành vi khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng và xung đột trên Biển Đông.

Ông Aquino cho biết Trung Quốc và ASEAN dự kiến nhóm họp vào tháng tới để soạn thảo các chi tiết của bộ quy tắc ứng xử này. Trên thực tế, từ năm 2010, Trung Quốc và 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thảo luận về COC nhằm tránh xung đột.

Trung Quốc từng nói họ sẽ nhất trí về COC vào "thời điểm chín muồi". Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh đợi hoàn thành hoạt động trái phép trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông rồi mới bàn với ASEAN về bộ quy tắc này.

Được biết nhà lãnh đạo Philippines đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Trung Quốc vừa tiến hành 3 chuyến bay thử nghiệm trên đường băng phi pháp mà họ xây ở đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam. Philippines, Việt Nam cùng các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản lên án hành động này của Trung Quốc.

Trước đó vào năm 2013, Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài ở The Hague (Hà Lan) nhằm buộc Bắc Kinh phải đàm phán về một giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc bác bỏ vụ kiện, nhưng ông Aquino cho biết Bắc Kinh với tư cách một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, không thể bỏ qua phán quyết từ tòa án. Dự kiến, tòa Trọng tài sẽ ra phán quyết tiếp theo vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Trước đó Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế vì Biển Đông

Trước đó Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế vì Biển Đông. Ảnh Rappler

Trong khi Philippines liên tục gây sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc ứng xử quốc tế ở khu vực tranh chấp Biển Đông, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cũng tuyên bố lực lượng này đang theo dõi chặt chẽ động thái gần đây của Bắc Kinh và khẳng định tự do hàng hải phải được bảo vệ, báo VnExpress đưa tin.

"Chúng tôi muốn Trung Quốc giúp duy trì an ninh và ổn định trong khu vực bằng cách minh bạch với những gì họ đang làm", báo Stars and Stripes dẫn lời Phó Đô đốc Joseph Aucoin hôm qua phát biểu với phóng viên trên tàu sân bay USS Ronald Reagan tại cảng ở thành phố Yokosuka, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên ông Aucoin có cuộc gặp với các phóng viên kể từ khi lên giữ chức chỉ huy hồi tháng 9 năm ngoái.

Ông Aucoin cho biết các tàu hải quân Mỹ di chuyển tới nơi mà họ muốn ở vùng biển quốc tế, nhưng các tàu thương mại đang bắt đầu cảm thấy lo lắng. "Họ cần hoạt động ở những vùng biển quốc tế này, vì vậy Trung Quốc sẽ giúp ích khi tuân thủ những tiêu chuẩn và quy tắc quốc tế", ông khẳng định.

"Có một sự lo lắng song hành với điều này", ông Aucoin nói. Ông cho rằng các nước phải dừng hoạt động cải tạo và giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp, và "không để nỗi lo lắng tiếp tục gây ra bất ổn". Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ nhấn mạnh, tự do hàng hải là chìa khoá cho cả tàu hải quân và tàu thương mại.

Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ trò chuyện về tình hình Biển Đông trên tàu sân bay

Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ trò chuyện về tình hình Biển Đông trên tàu sân bay. Ảnh USNavy

Tuy nhiên dường như sức ép quốc tế vẫn chưa đủ mạnh để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ luật chơi ở Biển Đông, khi Cục trưởng Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, từ ngày 1 đến 8/1, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng bay Hồ Chí Minh (FIR). Riêng sáng 8/1 có 4 chuyến bay (2 chuyến bay vào, 2 chuyến bay ra) mà không thông báo để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Cục Hàng không xác định, các máy bay này đã vi phạm quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay như không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.

Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, khu vực máy bay Trung Quốc hoạt động những ngày qua có các đường bay quốc tế mà các quốc gia và ICAO thoả thuận thông thương ở khu vực biển Bông. Những đường bay ở đây có mật độ cao nên việc máy bay lạ xâm nhập đã uy hiếp nghiêm trọng hoạt động bay trong khu vực. Cục hàng không Việt Nam đã có thư thông báo về vụ việc cho Văn phòng ICAO ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Bangkok và đề nghị ICAO có biện pháp giải quyết.

Nguyễn Yên (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang