Philippines tích cực vận động hành lang cho vụ kiện Biển Đông

author 18:22 26/10/2015

(VietQ.vn) - Một thẩm phán của Tòa án Tối cao Philippines đã tới Canada để vận động hành lang vụ kiện Biển Đông với Trung Quốc nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hôm nay, một thẩm phán của Tòa án Tối cao Philippines đã tới Canada để vận động hành lang cho Manila về vấn đề tranh chấp chủ quyền của nước này với Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông, nhằm tranh thủ đến mức tối đa sự ủng hộ từ dư luận quốc tế.

Vụ kiện Biển Đông của Philippines được đánh giá là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tình hình Biển Đông hiện nay

Vụ kiện Biển Đông của Philippines được đánh giá là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tình hình Biển Đông hiện nay

Cụ thể, theo thông tin trên Zing News, từ đầu tháng 9, ông Antonio Carpio, thẩm phán cấp cao của Tòa án Tối cao Philippines đã tới Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học British Columbia (UBC) ở Vancouver, Canada để nêu rõ hơn vấn đề tranh chấp trên Biển Đông trước các học giả. Trong cuộc gặp, ông Carpio nêu một số tuyên bố chủ quyền của Philippines tại một trong những vùng biển nóng nhất thế giới, đồng thời chỉ ra các mặt kỹ thuật trong tuyên bố của Manila.

Theo ông Carpio, hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là lý do chính khiến Manila cố gắng tuân theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS). “Nếu không có UNCLOS, chúng ta sẽ không có quy tắc luật pháp nào ở Biển Đông. Nếu không có công ước này, tranh chấp sẽ biến thành cuộc chạy đua vũ trang”, ông Carpio nói.

Những tuyên bố này được Thẩm phán cấp cao của Tòa án Tối cao Philippines đưa ra trong bối cảnh những cải tạo trái phép gần đây của Trung Quốc trên các đảo đá ở Biển Đông đã khiến các nước trong khu vực phản đối. Trong đó, Philippines là một trong những quốc gia phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất liên quan đến tới các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh cùng hoạt động bồi lấp, cải tạo trái phép các đảo trên Biển Đông.

Hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của  các nước trong và ngoài khu vực

Hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của  các nước trong và ngoài khu vực

Từ hồi tháng 1/2013, Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan. Manila cũng chính thức đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển (ITLOS) ngày 30/3/2014 để phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn khăng khăng rằng vấn đề Biển Đông chỉ được giải quyết song phương.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Giáo Dục, tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 26/10 dẫn hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 25/10 cho hay, xét đến vấn đề Biển Đông, trong dự thảo "Triển vọng Cộng đồng ASEAN 2025" - kế hoạch 10 năm cộng đồng ASEAN được ASEAN xây dựng trong năm đã viết rõ "sẽ thông qua cơ chế do ASEAN đứng đầu để tăng cường an ninh trên biển".

Theo đó, mặc dù không đề cập đến các vấn đề cụ thể, nhưng dự thảo này đã thể hiện ý định lấy ASEAN làm chủ thể để giải quyết tranh chấp giữa một bộ phận nước thành viên ASEAN với Trung Quốc. Theo bài báo, kế hoạch 10 năm của Cộng đồng ASEAN sẽ được biểu quyết thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức ở Kuala Lumpur (thủ đô Malaysia) vào hạ tuần tháng 11 tới.

Dự thảo cộng đồng ASEAN cho sẽ đề cập nhiều đến vấn đề Biển Đông

Dự thảo cộng đồng ASEAN cho sẽ đề cập nhiều đến vấn đề Biển Đông

Trong 10 năm tới, cộng đồng sẽ thúc đẩy thống nhất trong lĩnh vực chính trị và an ninh, để tăng cường tiếng nói trong cộng đồng quốc tế. Dự thảo nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN "sẽ thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết các bất đồng ý kiến và tranh chấp, kiềm chế mối đe dọa và sử dụng vũ lực".

Bài báo cho rằng, quan điểm này đã tiến hành kiềm chế đối với Trung Quốc - nước muốn dựa vào sức mạnh quân sự mang tính áp đảo để thúc đẩy kiểm soát thực tế Biển Đông. Ngoài ra, để tránh xảy ra xung đột, dự thảo đã bày tỏ quyết tâm của cộng đồng trong việc sẽ tích cực thực hiện ngoại giao phòng ngừa và các sáng kiến giải quyết tranh chấp, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác đối thoại của ASEAN như Mỹ, Nhật Bản.

Phan Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang