Trung Quốc nói ‘không cần báo Việt Nam hoạt động bay phi pháp ở Biển Đông’

author 18:48 12/01/2016

(VietQ.vn) - Trung Quốc tuyên bố không cần thông báo cho Việt Nam về hoạt động bay phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Dân Trí, Trung Quốc ngày 11/1 ngang ngược tuyên bố rằng nước này không cần thông báo cho bất kỳ bên nào về các chuyến bay tới một đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, sau khi Việt Nam gửi thư phản đối các chuyến bay trái phép của Bắc Kinh tới Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO).

Cụ thể theo thông tin trên AFP, trong tuyên bố đưa ra hôm 11/01, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lớn tiếng bác bỏ công hàm của Việt Nam về việc Bắc Kinh không thông báo về các chuyến bay tới bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam, ngang nhiên nói rằng bãi đá này “thuộc lãnh thổ của Trung Quốc và vì vậy không cần thông báo cho bất kỳ ai”.

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những động thái gây hấn khiến tình hình Biển Đông ‘dậy sóng’

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục có những động thái gây hấn khiến tình hình Biển Đông ‘dậy sóng’. Ảnh  DigitalGlobe

Trước đó, các máy dân sự của Trung Quốc đã tiến hành vài cuộc hạ cánh thử nghiệm trái phép trên đường băng trái phép tại bãi Chữ Thập, một trong ít nhất 7 bãi cạn mà Bắc Kinh bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp trong hơn 1 năm qua. Việt Nam đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc sau khi nước này đưa máy bay ra thử nghiệm sân bay trái phép trên bãi Chữ Thập.

Giới chức hàng không dân sự Việt Nam còn cho biết các máy bay của Trung Quốc đã bay vào vùng thông báo bay của Việt Nam mà không thông báo trước và các hoạt động của máy bay Trung Quốc đe dọa việc khai thác an toàn hàng không quốc tế. TTXVN cho biết, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Cục Hàng không Việt Nam phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc đe doạ đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, và không lặp lại hành động tương tự, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam còn gửi văn bản đến Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) và nhiều tổ chức khác để phản đối về việc máy bay Trung Quốc uy hiếp an toàn hàng không. Được biết, đường băng trên bãi Chữ Thập dài 3.000m và là một trong số 3 đường băng mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Một máy bay của Trung Quốc hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam ngày 6/1

Một máy bay của Trung Quốc hạ cánh phi pháp xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam ngày 6/01. Ảnh AFP

Trong một diễn biến khác, trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày một thêm căng thẳng, phức tạp do những hành vi gây hấn của Trung Quốc như hiện nay, giới chức Philippines cho biết Manila sẽ yêu cầu Washington tiếp tục tuần tra ở Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực, trong cuộc đối thoại song phương giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cùng hai người đồng cấp từ Philippines tại thủ đô của Mỹ vào ngày 12/01.

Trên đây là khẳng định của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Charles Jose ngay trước thềm cuộc họp quan trọng tại thủ đô Washington (Mỹ), trong đó các mối lo ngại an ninh nảy sinh từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông sẽ là trọng tâm của chương trình nghị sự. Ông Jose cho biết phía Philippines sẽ đề nghị Mỹ tiếp tục các hoạt động tuần tra để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Liên quan đến vấn đề này, báo Thanh Niên dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby hôm qua 11/01 cũng khẳng định: “Tôi có thể chắc chắn rằng căng thẳng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là vấn đề Biển Đông, sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Đó là mối quan ngại mà chúng tôi và đồng minh Philippines cũng như các đồng minh khác cùng chia sẻ. Tôi cho rằng chúng tôi sẽ thảo luận rất nhiều về điều này vào ngày mai”.

Tuy nhiên, dù các bộ trưởng có thể thảo luận về khả năng Mỹ và các đồng minh ở châu Á thực hiện những cuộc tuần tra chung trên Biển Đông, giới phân tích nhận định ý tưởng đó khó trở thành hiện thực. Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định rằng có thể hoạt động tuần tra của Mỹ trên Biển Đông sẽ tăng, song sẽ diễn ra thầm lặng, Zing News đưa tin.

Mỹ - Philippines thảo luận hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay

Mỹ - Philippines thảo luận hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông trong bối cảnh tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh US Navy

"Những cuộc tuần tra sẽ diễn ra đều đặn và bình thường. Khiêu khích không phải là mục đích chính của hoạt động tuần tra của Mỹ trên Biển Đông. Nhiệm vụ của chúng là thực hiện quyền tự do hàng hải", bà nhận xét. Bà nói thêm rằng những hoạt động như thế của Mỹ đã diễn ra trên khắp thế giới từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

Dean Cheng, nhà nghiên cứu cao cấp của Quỹ Heritage, cho rằng các cuộc tuần tra không phải là cách để Mỹ ủng hộ hay phản đối tuyên bố chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào, bởi Washington không muốn liên quan tới những tranh chấp trong Biển Đông.

"Thông điệp của Mỹ là muốn bảo đảm tự do hàng hải, đảm bảo rằng tàu của mọi quốc gia có quyền di chuyển qua những vùng biển quốc tế một cách tự do, phản đối mọi nỗ lực của các nước trong việc mở rộng tuyên bố chủ quyền sang hải phận quốc tế", Cheng phát biểu.

Vân Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang