Trung Quốc sẽ bị điều tra vì phá hoại môi trường ở Biển Đông?

author 20:22 08/10/2015

(VietQ.vn) - Một tổ chức phi chính phủ chống sự bành trướng của Trung Quốc đã nộp đơn lên Liên Hiệp Quốc đề nghị điều tra việc Bắc Kinh cải tạo đất phi pháp, đe dọa môi trường sinh thái ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, phong trào và liên minh phản kháng sự xâm lược của Trung Quốc (Marchu) ở Philippines đã nộp đơn yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Chương trình môi trường LHQ (UNEP) tiến hành điều tra và có hành động cụ thể đối với việc cải tạo đất phá hoại môi trường của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, làm ảnh hưởng nguồn lợi hải sản của cả khu vực.

Các hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến việc tình hình Biển Đông luôn căng thẳng, phức tạp

Các hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến việc tình hình Biển Đông luôn căng thẳng, phức tạp

Cụ thể, trong thư đề nghị gửi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner, ông Roilo Golez, Chủ tịch Marchu cho hay: “Chúng tôi được cảnh báo hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang phá hoại những bãi đá ngầm san hô, đặc biệt là ở Đá Vành Khăn, Chữ Thập, Xubi, Gạc Ma, Ga Ven và Tư Nghĩa nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Bắc Kinh cưỡng đoạt bằng vũ lực. Việc cải tạo đất  và xây dựng của Bắc Kinh là nhằm đơn phương xác lập chủ quyền trái phép trên những hòn đảo này.”

Ông Goler cho biết căn cứ mà Marchu dựa vào để đưa đề nghị cho LHQ là Công ước quốc tế về đánh bắt cá và bảo tồn nguồn sống ở đại dương, và gần đây nhất là tuyên bố Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra hồi tháng 9/2015. Mục tiêu của tuyên bố SDG là xóa đói nghèo trên thế giới trong vòng 15 năm tới và “bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển, nguồn lợi hàng hải vì sự phát triển bền vững” của nhân loại.

Đặc biệt, hoạt động xây dựng của Trung Quốc còn đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái ở Biển Đông

Đặc biệt, hoạt động xây dựng của Trung Quốc còn đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái ở Biển Đông

Đồng thời, ông Goler dẫn nghiên cứu của nhà nghiên cứu sinh vật biển người Mỹ John McManus nói rằng việc Trung Quốc cải tạo đất ở Biển Đông đang làm biến dạng các rạn san hô ở khu vực này với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử loài người. “Điều đó không chỉ ảnh hưởng riêng Philippines mà cả vành đai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới”, ông Golez nhận định và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng cảnh tỉnh vấn nạn này và có hành động cụ thể để ngăn chặn.

Trước đó, nhiều chuyên gia nghiên cứu sinh vật biển của thế giới cũng có nhận định tương tự và cho rằng việc phá hoại bãi san hô đó sẽ gây tác động và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của 300 triệu người sống dựa vào khu vực Biển Đông, nơi cung cấp 10% nguồn hải sản của thế giới. Hiện Chủ tịch Marchu hy vọng những đề nghị của tổ chức phi chính phủ này được LHQ và UNEP đồng ý và xem việc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc là “trực tiếp vi phạm và phá hoại mục tiêu SDG đã được lãnh đạo các nước cùng tuyên bố”.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, báo Tuổi Trẻ đưa tin Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông vừa chính thức phát động Giải thưởng bài nghiên cứu về Biển Đông năm 2015 dành cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu có công trình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, từ nhiều góc độ giáo dục, lịch sử, pháp lý, quan hệ quốc tế, kinh tế...

Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông phát động giải thưởng nghiên cứu về Biển Đông

Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông phát động giải thưởng nghiên cứu về Biển Đông

Giải thưởng năm 2015 có 13 giải, bao gồm chứng chỉ và tiền thưởng (trong đó 10 giải xuất sắc có giá trị 15 triệu đồng/giải và 3 giải đặc biệt xuất sắc trị giá 20 triệu đồng/giải). Các bài viết phải đáp ứng được những yêu cầu về nghiên cứu khoa học, trình bày rõ ràng, mạch lạc. Nội dung nghiên cứu tập trung vào những vấn đề cấp thiết liên quan đến Biển Đông trong giai đoạn hiện nay, có những đánh giá, phân tích và đưa ra các biện pháp giải quyết mang tính chuyên sâu.

Thể lệ nộp bài tham dự giải thưởng: các tác giả gửi một bản word và một bản in (bìa cứng) của bài nghiên cứu, có ghi rõ thông tin liên lạc gửi tới địa chỉ Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, 69 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội trước ngày 31/12/2015.

Minh Thùy (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang