Phản ứng lạ của Trung Quốc trước tin Mỹ điều P-8 Poseidon đến Biển Đông

author 18:31 09/12/2015

(VietQ.vn) - Phản ứng của Trung Quốc trước thỏa thuận giữa Mỹ và Singapore trong việc triển khai máy bay P-8 Poseidon tới Biển Đông được cho là khá kiềm chế.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên Zing News, quân đội Trung Quốc tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ thỏa thuận giữa Mỹ và Singapore trong việc cho phép Washington triển khai máy bay P-8 Poseidon do thám các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Singapore được đưa ra giữa lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng

Thỏa thuận giữa Mỹ và Singapore được đưa ra giữa lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố vào cuối ngày 8/12: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo và hy vọng việc hợp tác quốc phòng song phương giữa các nước liên quan đem lại lợi ích cho hòa bình và ổn định của khu vực chứ không phải kết quả ngược lại”.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, thỏa thuận giữa Singapore và Mỹ là hình thức tăng cường hoạt động quân sự của Mỹ và thúc đẩy quân sự hóa khu vực. Được biết, động thái này của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau tuyên bố chung giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen.

Theo đó, Singapore đồng ý cho các máy bay Mỹ xuất kích từ nước này để theo dõi các vùng do Trung Quốc cải tạo trái phép trên Biển Đông. Giai đoạn đầu tiên diễn ra từ ngày 7-14/12. Liên quan đến vấn đề này, một quan chức Quốc phòng Mỹ cho hay, việc triển khai máy bay quân sự tại Singapore đã được chờ đợi từ lâu.

Phát biểu về phản ứng của Bắc Kinh trước thỏa thuận giữa Singapore và Mỹ ở Biển Đông, tờ The Straits Times dẫn lời Hứa Lợi Bình, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - ASEAN từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Trung Nam Hải đã có thể chỉ trích trực tiếp nếu P-8 Poseidon được triển khai ở Việt Nam hay Philippines, theo thông tin trên báo Giáo Dục.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh được cho là đưa ra tuyên bố khá kiềm chế về việc Mỹ đưa P-8 tới Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh được cho là đưa ra tuyên bố khá kiềm chế về việc Mỹ đưa P-8 tới Biển Đông. Ảnh Kyodo News

Ông này cho rằng, "Phản ứng của Trung Quốc cho thấy Trung Nam Hải hiểu rằng Singapore vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ do các nhu cầu an ninh của mình, mà điều này không thể thay đổi trong tương lai gần. Trung Quốc cũng hiểu rằng chỉ trích Singapore không làm dừng được việc Mỹ triển khai và có thể tạo ra nhiều vấn đề hơn, bởi nó làm tổn thương quan hệ song phương".

Trong khi đó, giới quan sát nhận định, phản ứng này của Trung Quốc khá bất ngờ bởi trước đó dư luận đều tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ trích gay gắt động thái này giữa Mỹ và Singapore. Tuy nhiên những gì diễn ra đã được The Straits Times lý giải với 2 khả năng có thể xảy ra, hoặc riêng biệt hoặc đồng thời.

Đó là Singapore rất có thể đã báo trước cho Trung Quốc việc này. Ở vị trí điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc và chịu tác động trực tiếp từ tình hình an ninh Biển Đông, cách ứng xử đó của quốc đảo Sư tử là điều hoàn toàn có thể hiểu và chia sẻ được.

Bởi suy cho cùng, Singapore phải bảo vệ lợi ích của mình trước, và quan trọng hơn cả là mặt hành động, Singapore đã chấp nhận hỗ trợ Mỹ tuần tra giám sát các hoạt động quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa chứ không chỉ dừng ở lời nói, đó là điều rất đáng hoan nghênh, chào đón.

Thứ hai, chính học giả Trung Quốc Hứa Lợi Bình đã thừa nhận cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông vẫn là ‘mềm nắn, rắn buông’. Bởi Singapore không những không hoặc rất ít chịu tác động bởi chính sách "ngoại giao nhân dân tệ" của Bắc Kinh, ngược lại còn là một mô hình phát triển mà Trung Quốc đang phải đi theo để học tập. Chính sự giàu mạnh đó đã giúp Singapore rất độc lập về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh nhưng vẫn phải hành xử khéo léo trong quan hệ với các siêu cường, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nhật Bản tuyên bố không chấp nhận hành động vũ lực tại Biển Đông

Nhật Bản tuyên bố không chấp nhận hành động vũ lực tại Biển Đông. Ảnh TTXVN

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, trong buổi gặp gỡ cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Phủ Chủ tịch chiều 8/12, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki đã có nhiều phát biểu về mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời bày tỏ quan điểm về tranh chấp Biển Đông, TTXVN đưa tin.

Theo đó, về tình hình Biển Đông, chủ tịch Thượng viện Nhật Bản nhấn mạnh lập trường của Tokyo là không chấp nhận những hành động vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật định quốc tế. Ông cũng khẳng định Nhật sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực biển.

Vân Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang