Trung Quốc vừa tự nhận ‘đã kiềm chế’, vừa lớn tiếng dọa nạt Mỹ ở Biển Đông

author 15:38 20/11/2015

(VietQ.vn) - Tư lệnh hải quân Trung Quốc lớn tiếng cảnh bảo phía Mỹ rằng nước này sẵn sàng phản ứng nếu ‘chủ quyền của Bắc Kinh’ bị xâm phạm dù vẫn nhấn mạnh đã ‘hết sức kiềm chế’ ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Người Lao Động, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết lực lượng này đã phải “hết sức kiềm chế” khi đối mặt với hành động khiêu khích của Mỹ ở Biển Đông. Thêm vào đó, ông Ngô cảnh báo Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả bất cứ hành vi vi phạm chủ quyền nào nếu nó tiếp tục lặp lại.

Tình hình Biển Đông mới nhất: Trung Quốc lớn lối 'dọa nát' Mỹ ở Biển Đông

Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi tự nhận Bắc Kinh đã ‘hết sức kiềm chế’ khi nhắc đến tình hình Biển Đông hiện nay

Cụ thể, trong một cuộc họp tại Bắc Kinh hôm 19/11 với Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Ngô Thắng Lợi lớn tiếng tuyên bố: “Hải quân Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ các hành động khiêu khích của Mỹ và ban hành cảnh báo, song song với việc kiềm chế để bảo vệ mối quan hệ song phương… Nếu Mỹ tiếp tục lặp lại các hành động khiêu khích bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, chúng tôi đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”.

Được biết, tuyên bố trên được người đứng đầu lực lượng Hải quân Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh Đô đốc Swift tới Thượng Hải hồi đầu tuần này trên tàu khu trục USS Stethem lớp Arleigh-Burke. Đây là lần đầu tiên một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ cập cảng Trung Quốc. Trước đó, hồi cuối tháng 10 vừa qua, Washington đã điều tàu USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Trung Quốc sau đó chỉ lên tiếng phản đối mà không có hành động cụ thể. Theo lời Đô đốc Ngô, đó là do Bắc Kinh “đang hết sức kiềm chế” để quan hệ 2 nước không bị sứt mẻ, mặc dù lý do cụ thể không được nêu ra. Trong khi đó, tại Philippines hôm 18/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Trung Quốc phải chấm dứt ngày hành động cải tạo đất ở quần đảo Trường Sa.

Một cố vấn chính sách châu Á của ông Obama cho biết nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đưa tình hình Biển Đông ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới tại Malaysia. Trong khi đó, theo thông cáo ngày 17/11 về việc hỗ trợ 259 triệu USD để tăng cường năng lực hàng hải tại Đông Nam Á, Nhà Trắng đã đề cập việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương trên biển đối với Việt Nam.

Tình hình Biển Đông mới nhất: Trung Quốc lớn lối 'dọa nát' Mỹ ở Biển Đông

Lời ‘hăm dọa’ được phía Trung Quốc đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Obama yêu cầu Bắc Kinh ngừng cải tạo đất trái phép ở Biển Đông

Cụ thể, Việt Nam sẽ nhận 19,6 triệu USD trong tài khóa 2015 để tăng cường năng lực hàng hải và có thể tăng lên đến 20,5 triệu USD trong tài khóa 2016. Bên cạnh việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương trên biển, Mỹ còn hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh tình báo hàng hải, giám sát, trinh sát (ISR), chỉ huy và kiểm soát nội bộ... cũng như hợp tác huấn luyện và tập trận song phương - chủ yếu về cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, giới chức Đài Loan hôm 19/11 loan báo đã ký một thỏa thuận với Philippines về việc không dùng vũ lực ở khu vực đánh bắt cá chồng lấn giữa 2 bên trên Biển Đông, báo Thanh Niên dẫn nguồn tin từ AFP cho hay. Bản thỏa thuận này được 2 bên ký kết hồi cuối tháng 10 sau 2 năm đàm phán nhưng chính thức công bố hôm 19/11.

Theo đó, thỏa thuận sẽ ngăn cảnh sát biển, hải quân của lãnh thổ Đài Loan và Philippines nổ súng vào nhau. Trước đó vào hồi năm 2013, một tàu cá của Đài Loan vào vùng biển của Philippines, khiến cảnh sát biển Philippines bắn chết một ngư dân Đài Loan. Vụ việc làm quan hệ giữa Đài Loan và Philippines nguội lạnh.

“Thỏa thuận đề cao tinh thần và nguyên tắc cơ bản Sáng kiến Hòa bình ở Biển Đông”, cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết, theo AFP. Sáng kiến Hòa bình ở Biển Đông do nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đưa ra hồi đầu năm 2015, kêu gọi ứng xử hòa bình ở vùng biển tranh chấp Tuy nhiên, thỏa thuận không đề cập cụ thể vùng biển tranh chấp nào giữa 2 bên.

Tình hình Biển Đông mới nhất: Trung Quốc lớn lối 'dọa nát' Mỹ ở Biển Đông

Trong khi đó, Đài Loan và Philippines đã thống nhất tránh dùng vũ lực ở Biển Đông

Đồng thời, Đài Loan và Philippines thống nhất thiết lập một hệ thống thông báo khẩn cấp và cam kết không giam giữ tàu và thuyền viên quá 3 ngày. Tuy nhiên, còn một vấn đề cả hai chưa thống nhất được là vùng biển nào Manila cho phép ngư dân Đài Loan đánh bắt cá trong vùng biển tranh chấp giữa 2 bên. AFP cho biết giới chức Đài Loan và Philippines sẽ gặp nhau vào đầu năm 2016 để đàm phán về vấn đề này.

AFP dẫn phát biểu của một nhà phân tích Đài Loan cho hay, thỏa thuận được xem là quy tắc ứng xử của Đài Loan và Philippines ở vùng biển tranh chấp giữa 2 bên và có thể là hình mẫu cho quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Hiện các nước tranh chấp ở Biển Đông gồm một số nước ở Đông Nam Á và Trung Quốc đang đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đàm phán kéo dài hơn chục năm nay vẫn chưa đưa ra được thống nhất chung giữa các bên, nguyên nhân phần lớn là do Trung Quốc được cho là cố tình trì hoãn COC.

Tuyết Trinh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang