Trung Quốc âm mưu xây đảo nổi khổng lồ khống chế cục diện Biển Đông

author 16:40 12/08/2015

(VietQ.vn) - Quân đội Trung Quốc không che giấu tham vọng xây dựng nhiều đảo nổi khổng lồ nhằm dễ bề đối phó với Mỹ và khống chế cục diện Biển Đông, tình báo phương Tây cho hay.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức về tình hình Biển Đông mới nhất hiện nay, báo Lao Động dẫn thông tin từ tạp chí chuyên đề tình báo hải quân Navy Recognition Online (London, Anh) cho hay tập đoàn công nghiệp Ký Đông (Jidong) của Trung Quốc đã trình bày mô hình thiết kế cấu trúc đảo nổi nhân tạo khổng lồ mà rất có thể sẽ được đưa tới Biển Đông trong tương lai.

Cấu trúc của loại đảo này là do nhiều "đảo nổi độc lập" nhỏ hơn có thể ghép lại trên một vùng biển nào đó để tạo thành một hòn đảo lớn có khả năng đón tiếp du khách, nhưng cũng có thể biến thành căn cứ hay sân bay quân sự. Các kỹ sư Trung Quốc cho rằng loại đảo nổi này rất khó bị đánh chìm vì phải phá hủy từng "khoang" một.

Phối cảnh kết cấu đảo nổi khổng lồ được Trung Quốc công khai trong bối cảnh tình hình Biển Đông chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt

Phối cảnh kết cấu đảo nổi khổng lồ được Trung Quốc công khai trong bối cảnh tình hình Biển Đông chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia Jack Detsch nhận định: "Nếu Trung Quốc chứng tỏ có khả năng biến các đảo đá ngầm ở Biển Đông Nam Á thành tiền đồn, thì những đảo nổi tăng cường sẽ có lợi thêm cho kế hoạch đẩy lùi hải quân Mỹ ra xa. Các tiền đồn này cũng có thể giúp quân đội Trung Quốc bù đắp phần nào thế yếu so với sức mạnh vượt trội của Mỹ tại Thái Bình Dương. Cho đến nay, Trung Quốc đã bồi đắp 6 bãi san hô tại Biển Đông thành đảo nhân tạo và bắt đầu đảo thứ bảy. Mỹ tố cáo Trung Quốc quân sự hóa vùng Biển Đông và đe dọa tự do hàng hải".

Cho đến nay, Trung Quốc chưa bắt đầu thực hiện một "đảo nổi" nào, nhưng Bắc Kinh không che giấu tham vọng sử dụng các phương tiện quân sự mới để củng cố sức mạnh quân sự tại các vùng biển tranh chấp với láng giềng. Theo giới chuyên gia phương Tây, trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách nới rộng vùng ảnh hưởng trên toàn Châu Á, đặc biệt là tại Biển Đông, thì đảo nổi di động là một vũ khí chiến lược hiển nhiên.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, hạ nghị sĩ Philippines Francisco Acedillo dẫn các nguồn tin tình báo nói rằng tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đang neo đậu ở Biển Đông “rất gần” chiến hạm cũ kỹ, hư nát thời Thế chiến thứ II Sierra Madre mà Philippines mang tới thả  ở Bãi Cỏ Mây, báo Kiến Thức đưa tin.

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần ngăn cản tàu thuyền Philippines tiếp tế cho ‘tiền đồn’ ở Bãi Cỏ Mây (Biển Đông)

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần ngăn cản tàu thuyền Philippines tiếp tế cho ‘tiền đồn’ ở Bãi Cỏ Mây (Biển Đông)

Theo đó, hạ nghị sĩ Acedillo nói: "Đối với tôi đây là một vấn đề rất lớn, bởi vì nếu xảy ra một tình huống trong đó toán quân gồm 8 binh sĩ Thuỷ quân Lục chiến của chúng tôi bị buộc phải rời khỏi bãi cạn Ayungin (Bãi Cỏ Mây), thì Trung Quốc sẽ giành được chỗ đứng ở bãi cạn này một cách rất dễ dàng”. Ông Acedillo nói rằng chiếc tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã thả neo cách đây hơn một tháng và chưa rõ tại sao vẫn còn ở đó cho tới bây giờ.

Đáng chú ý, khi giới truyền thông quốc tế liên lạc với một số giới chức quân đội Philippines để tìm cách xác nhận thông tin của nghị sĩ Acedillo, tất cả đều từ chối bình luận. Phía Trung Quốc cũng không nói gì tới việc có một chiếc tàu thả neo gần Bãi Cỏ Mây hiện do Philippines kiểm soát.

Về phần mình, giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Australia cho rằng việc neo đậu một tàu Cảnh sát biển gần tiền đồn của Philippines có thể nằm trong mưu toan của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền và ngăn chặn những chuyến tàu chở tiếp liệu tới chiến hạm Sierra Madre.

Những tham vọng, tính toán của Trung Quốc gây nhiều sức ép lên tình hình Biển Đông hiện nay

Những tham vọng, tính toán của Trung Quốc gây nhiều sức ép lên tình hình Biển Đông hiện nay

Giáo sư Carl Thayer cảnh báo: "Sierra Madre vẫn là một chiếc tàu trong biên chế của Hải quân Philippines, và theo qui định của Hiệp ước Phòng thủ chung, Mỹ  phải hiệp lực với Philippines nếu quân đội của nước này bị tấn công ở Thái Bình Dương. Và chiếc tàu trong biên chế hải quân với binh sĩ Thuỷ quân Lục chiến mặc đồng phục thỏa mãn những qui định đó”.

Giáo sư Thayer nói thêm rằng việc neo đậu một tàu Cảnh sát biển gần Bãi Cỏ Mây vẫn gây sức ép lên Philippines bởi vì giới hữu trách Manila không thể nào biết được Trung Quốc sắp sửa làm gì ở Biển Đông.

Minh Thùy (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang