Sóng 4G Trung Quốc 'vươn nanh' chạm tới Trường Sa của Biển Đông Việt Nam

author 11:33 27/07/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Trung Quốc ngang nhiên mở rộng vùng phủ sóng 4G trái phép tới Trường Sa để ‘cải thiện dịch vụ truyền thông’ (?!).

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức về tình hình Biển Đông mới nhất hôm nay trên báo Infonet, hôm 20/7, tờ China Daily (Trung Quốc) đưa tin, các hãng viễn thông di động hàng đầu nước này đã phủ sóng 4G tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp việc phán quyết của PCA đã phủ nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trung Quốc liên tục có những động thái khiêu khích bất chấp tình hình Biển Đông đang căng thẳng, phức tạp

Trung Quốc liên tục có những động thái khiêu khích bất chấp tình hình Biển Đông đang căng thẳng, phức tạp. Ảnh minh họa/CSIS

China Daily còn ngang ngược tuyên bố, hành động trên là nhằm bảo vệ những tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông, cải thiện các dịch vụ truyền thông cho “người dân địa phương”. Cụ thể Tập đoàn China Telecom, hãng viễn thông lớn thứ ba của Trung Quốc tính theo số lượng thuê bao, đã phủ sóng 4G tới 7 rạn san hô của quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam.

China Daily khoe khoang: “Việc này sẽ giúp cho người dân Trung Quốc đang xâm nhập trái phép vào Trường Sa có thể truy cập Internet với tốc độ cao, giúp họ có thể gọi video và tiến hành các giao dịch thương mại trực tuyến”.

Động thái trên là một trong hàng loạt hành động của Trung Quốc nhằm thể hiện rằng nước này sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) và tiếp tục gia tăng những căng thẳng ở Biển Đông. Ngoài China Telecom, hãng viễn thông lớn khác của Trung Quốc là China Mobile Communications cũng cung cấp trái phép dịch vụ 4G ở quần đảo Trường Sa.

Dù hành động trên rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, nhưng ông Xiang Ligang, Giám đốc điều hành trang công nghệ viễn thông cctime.com của Trung Quốc vẫn cho rằng: “Những thành tựu nổi bật trên cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc phục vụ người dân địa phương và các tàu đi qua. Nó cũng phản ánh công nghệ tiên tiến của các công ty viễn thông Trung Quốc”.

China Telecom tuyên bố đã cung cấp dịch vụ trái phép ở quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam

China Telecom tuyên bố đã cung cấp dịch vụ trái phép ở quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh China Daily

Tuy nhiên, chính China Daily cũng phải thừa nhận rằng, Trường Sa nằm rất xa so với đất liền Trung Quốc, thậm chí tính từ phần đất liền gần nhất ở tỉnh Hải Nam. Do vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông rất tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.

Về vấn đề này, một nhân viên của China Mobile phụ trách về việc bảo trì các thiết bị viễn thông, cho biết, nếu xuất phải từ tỉnh Hải Nam, cũng phải mất 60 giờ đi tàu mới đến được quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo China Daily, China Telecom đã đầu tư hơn 70 triệu nhân dân tệ (10,5 triệu USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông trái phép ở Biển Đông trong 4 năm qua.

Đáng chú ý vào hồi năm ngoái, báo chí Trung Quốc cũng loan tin chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” tiết lộ rằng từ ngày 1/10/2015, nước này đã bắt đầu lắp đặt trái phép các thiết bị phát sóng không dây tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngư dân và nhân viên Trung Quốc đồn trú trên các đảo này có thể truy cập internet tốc độ cao.

Theo đó, hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây và đảo Bắc, và tiếp đó sẽ triển khai lắp đặt tại các đảo đá khác như đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa, báo Dân Trí đưa tin theo People.

Một trạm phát sóng 4G Trung Quốc lắp đặt trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam

Một trạm phát sóng 4G Trung Quốc lắp đặt trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam. Ảnh News.cn

Hồi đầu tháng 9/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn thành phủ sóng 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Biển Đông Việt Nam bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn. Được biết, cái gọi là “thành phố Tam Sa” được Trung Quốc thiết lập hồi tháng 7/2012 nhằm mục đích quản lý trái phép quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trước những động thái phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc các nước có các hoạt động tại đây mà không có sự cho phép và sự đồng ý của Việt Nam là sai trái và hoàn toàn vô giá trị”.

Tình hình Ukraine mới nhất ngày 27/7: Ukraine tặng ‘quà lớn’ cho Trung Quốc?(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất hôm nay ngày 27/7 đề cập đến tin đồn cho rằng Ukraine đã bán công nghệ tên lửa R-36M2 của Liên Xô cho Trung Quốc.

Lan Anh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang