Phát hiện 2 phao tiêu quan trắc hải dương của Trung Quốc tại Biển Đông

author 17:19 04/10/2015

(VietQ.vn) - Với tham vọng khẳng định chủ quyền (trái phép) trên Biển Đông, Trung Quốc đã thả 2 phao tiêu quan trắc hải dương tại khu vực nước sâu ở Biển Đông song song với hoạt động xây dựng đảo phi pháp.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, báo Lao Động dẫn thông tin từ Cục khí tượng Trung Quốc ngày 1/10 cho hay, hồi cuối tháng 9/2015, nhân viên của Cục khí tượng tỉnh Hải Nam đã thành công thả 2 phao tiêu quan trắc hải dương có đường kính 6 mét tại khu vực nước sâu trên Biển Đông.

Trung Quốc thả 2 phao tiêu quan trắc hải dương tại vùng biển tranh chấp giữa bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng

Trung Quốc thả 2 phao tiêu quan trắc hải dương tại vùng biển tranh chấp giữa bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng

Cụ thể, một phao tiêu quan trắc được thả tại khu vực bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa), cách đông nam đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa khoảng 110 hải lý. Phao còn lại cũng được Trung Quốc thả tại khu vực biển nước sâu ở Biển Đông nhưng không tiết lộ cụ thể vị trí của phao này. Nhân viên của Cục khí tượng Hải Nam cho hay, 2 phao tiêu này mới chỉ là giai đoạn 1 trong hạng mục lắp đặt các phao tiêu quan trắc hải dương ở Biển Đông.

Phao tiêu thuộc loại phao tiêu quan trắc hải dương tầng mặt nước, có khả năng đo đạc trong thời gian dài các tham số khí tượng, thủy văn trong khu vực vùng biển được bố trí. Ngoài ra, phao tiêu còn được sử dụng để đo tốc độ gió, nhiệt độ, sóng biển, phục vụ công tác quan trắc khí tượng của Trung Quốc tại khu vực nước sâu ở Biển Đông.

Trước động thái này của Cục khí tượng Hải Nam (Trung Quốc), giới quan sát quốc tế bình luận, hoạt động thả phao tiêu quan trắc hải dương của Bắc Kinh không nằm ngoài mục đích khẳng định chủ quyền (phi pháp) ở Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối quốc tế. Nước này tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls mang thông điệp về tình hình Biển Đông tới Nhật BảnThủ tướng Pháp Manuel Valls mang thông điệp về tình hình Biển Đông tới Nhật Bản

Thủ tướng Pháp Manuel Valls mang thông điệp về tình hình Biển Đông tới Nhật Bản

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, trong chuyến thăm chính thức 3 ngày tại Nhật Bản kể từ 3/10, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tôn trọng luật pháp quốc tế”  ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang gây tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, báo Dân Trí đưa tin.

Theo nguồn tin từ Đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, trong buổi trả lời phỏng vấn trên Nhật báo Yomiuri Shimbun (tờ báo hàng đầu tại Nhật Bản) vào ngày 3/10, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nêu rõ: “Pháp luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật biển cùng các quy định về quyền tự do lưu thông trên biển và trên không. Quyền tự do hàng hải và hàng không cần phải được tuyệt đối tôn trọng ở Biển Đông cũng như ở những nơi khác”.

Trả lời câu hỏi về giải pháp của Paris nhằm chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông và nhằm đảm bảo an ninh cho các nước châu Á, Thủ tướng Pháp nhấn mạnh: “Để giải quyết các tranh chấp chủ quyền, không có giải pháp nào hơn là đối thoại. Đây là thông điệp của nước Pháp gửi đến tất cả các nước liên quan, kể cả các đối tác gần gũi nhất của chúng tôi, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc”.

Mỹ cũng từng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay hoạt động xây đảo trái phép ở Biển Đông

Mỹ cũng từng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay hoạt động xây đảo trái phép ở Biển Đông

Thời gian qua, không chỉ Pháp mà Mỹ và các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản, đặc biệt lo ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực để từ các tiền đồn xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khống chế một trong những tuyến đường hàng hải này vốn được coi là có tính chiến lược và quan trọng nhất thế giới.

Trước đó, giới chức Mỹ đã nhiều lần tuyên bố Washington và các nước đồng minh trong khu vực sẽ chống lại những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay hành vi bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, bất chấp những lời cảnh báo của quốc tế, Trung Quốc vẫn tăng cường các hoạt động gây hấn trên Biển Đông.

Trịnh Thịnh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang