Trung Quốc thản nhiên tố Philippines ‘khiêu khích chính trị’ ở Biển Đông

author 17:01 27/02/2016

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Philippines “khiêu khích chính trị” vì đã đưa tình hình Biển Đông hiện nay ra tòa án quốc tế.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay, phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ ở tại Washington D.C (Mỹ) vào ngày 25/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng cáo buộc Philippines đã “kích động chính trị” khi nộp đơn lên tòa trọng tài quốc tế tại The Hague đòi giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, báo Dân Trí đưa tin theo Philstar.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng cáo buộc Philippines đã “kích động chính trị” khi đưa tình hình Biển Đông ra tòa án quốc tế

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng cáo buộc Philippines đã “kích động chính trị” khi đưa tình hình Biển Đông ra tòa án quốc tế. Ảnh Philstar

Ông Vương Nghị "lớn tiếng" cho rằng, làm như vậy, các nhà lãnh đạo Philippines đã “vô trách nhiệm với nhân dân Philippines và tương lai của Philippines”. Ông Vương còn nói với động thái này, Philippines đã đóng sập lại cánh cửa đàm phán với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông và đã cố tình đệ đơn lên tòa trọng tài quốc tế mà không có sự đồng ý của Trung Quốc.

Cuộc nói chuyện của ông Vương Nghị tại CSIS diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du diễn ra tuần này tại Washington của ông Vương nhằm đối thoại với người đồng cấp John Kerry của Mỹ về tình hình Biển Đông.

Bên cạnh việc cáo buộc Philippines ‘khiêu khích chính trị’, Trung Quốc còn tỏ thái độ giận dữ sau khi chính phủ Australia công bố sách trắng quốc phòng, trong đó chỉ trích Bắc Kinh vì các động thái khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng phức tạp. Cụ thể Trung Quốc đã lên tiếng đáp trả, cáo buộc Australia đã cùng với các đồng minh của nước này và Mỹ thực thi “tinh thần chiến tranh lạnh” với Bắc Kinh.

Theo Theage, tại một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết Trung Quốc “rất quan ngại” về những nội dung trong sách trắng quốc phòng của Australia. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh “không hài lòng” với những bình luận “tiêu cực” trong sách trắng về Biển Đông.

Đồng thời, Trung Quốc cũng tỏ ra không hài lòng với những bình luận về tình hình Biển Đông hiện nay trong sách trắng quốc phòng của Australia

Đồng thời, Trung Quốc cũng tỏ ra không hài lòng với những bình luận về tình hình Biển Đông hiện nay trong sách trắng quốc phòng của Australia. Ảnh minh họa

Tuy nhiên bà Hoa hoan nghênh những quan điểm của Australia trong kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng với Trung Quốc. Căn cứ vào những phản ứng chính thức từ phía Trung Quốc, tờ TheAge cho rằng, sách trắng quốc phòng của Australia vẫn sử dụng một văn phong chừng mực, hạn chế trong khi đề cập tới những lo ngại của nước này với Trung Quốc, cho thấy Canberra tiếp tục duy trì một thái độ mập mờ, chưa dứt khoát về tình hình Biển Đông hiện nay.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, Nhà Trắng ngày 26/2 đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giữ lời cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Ông Dan Kritenbrink, cố vấn cấp cao về vấn đề châu Á cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã đưa ra lời đề nghị trên.

“Chúng tôi nghĩ rằng nếu ông Tập giữ lời cam kết không quân sự hóa Biển Đông sẽ là điều tốt đẹp”, ông Dan Kritenbrink, cố vấn cấp cao về vấn đề châu Á cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói trong buổi hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Mỹ) ngày 26/2, theo Reuters.

Ông Kritenbrink cũng đề nghị Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (trụ sở tại The Hague, Hà Lan) vào cuối năm này về đơn kiện của Philippines phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc nuốt trọn gần cả Biển Đông.

“Khi Tòa trọng tài thường trực đưa ra phán quyết, thì phán quyết này sẽ mang tính ràng buộc đối với hai bên. Đó sẽ là thời điểm quan trọng mà tất cả chúng ta trong khu vực nên tập trung vào”, ông Kritenbrink cho hay. Được biết Trung Quốc lâu này vẫn từ chối tham gia các phiên phân xử, còn tố Philippines là “gây hấn chính trị”, đồng thời tuyên bố không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào từ tòa trọng tài.

Hình ảnh được cho là radar và nhiều cơ sở phi pháp khác của Trung Quốc trên đá Châu Viên ở Biển Đông

Hình ảnh được cho là radar và nhiều cơ sở phi pháp khác của Trung Quốc trên đá Châu Viên ở Biển Đông. Ảnh AMTI

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Tập từng cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Tuy nhiên, những động thái gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông hoàn toàn trái ngược với lời cam kết này. Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ thông báo trước Quốc hội rằng chỉ trong gần hai năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 1.210 ha đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trong khi đó tất cả các quốc gia khác cùng có chủ quyền trên Biển Đông chỉ bồi đắp thêm khoảng 115 ha trong hơn 45 năm.

Bên cạnh đó, các hình ảnh vệ tinh công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã đặt các trạm radar trên những đảo nhân tạo xây phi pháp ở Trường Sa. Trung Quốc còn triển khai hệ thống tên lửa đất đối không và mở rộng đường băng để phục vụ các chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm. Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25/2 còn ngang ngược tuyên bố Bắc Kinh “thật sự” cần những “vũ khí phòng vệ” trên Biển Đông để đối phó với tiến trình quân sự hóa do Mỹ châm ngòi.

Nguyễn Yên (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang