Tình hình biển Đông ngày 10/6: Chủ tàu cá bị đâm sẽ kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế?

author 10:01 10/06/2014

Hôm qua, đại diện pháp lý của chủ tàu cá Đna 90152TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm cho biết, ngoài kiện phía Trung Quốc ra TAND thành phố Đà Nẵng, còn tính đến cả phương án đưa ra tòa án quốc tế.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Thông tin trên báo Tienphong cho biết, kiện phía Trung Quốc vụ đâm chìm tàu cá Đà Nẵng là chắc thắng. Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng), đại diện pháp lý của bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152TS, khởi kiện phía Trung Quốc ra TAND thành phố Đà Nẵng, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tiền Phong chiều 9/6.

Theo luật sư Đỗ Pháp, đã xong phần chứng cứ, thiệt hại, vật chứng và nhân chứng bên nguyên đơn (bà Hoa) hoàn thiện, đồng thời đã tập hợp danh sách địa chỉ liên hệ hỗ trợ pháp lý với phía Trung Quốc để xác định tư cách pháp nhân bị đơn.

“Trong tuần này, tôi gửi văn bản đến Đại sứ quán Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp tìm lai lịch tàu 11209 Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152TS.

Gia đình bà Hoa (nguyên đơn) trao đổi với luật sư Đỗ Pháp

 Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 27/5 đã xác nhận tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209 đâm chìm tàu cá Việt Nam thuộc thành phố Phương Đông (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc). Đây là cơ sở rất quan trọng”, ông Pháp nói.

Không trợ giúp là đồng lõa

Nếu chính quyền Trung Quốc từ chối hợp tác?

Việt Nam và Trung Quốc đã có hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định nghề cá. Chiếu theo điều khoản này, Trung Quốc phải có trách nhiệm cung cấp thông tin lai lịch tàu cá 11209 của nước mình, đồng thời có biện pháp đưa bị đơn tới TAND thành phố Đà Nẵng, nơi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện, để tham dự vụ kiện.

Nếu Trung Quốc trốn tránh, từ chối hợp tác, có thể hiểu đây là thái độ “đồng lõa”, và chúng ta cũng có thể kiện cả họ. Tuy nhiên, với bản chất sâu xa vấn đề, chúng tôi dự liệu phía Trung Quốc sẽ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hợp pháp này, và chuẩn bị phương án cho mình.

Theo ông, việc khởi kiện vẫn có thể tiến hành khi vắng bị đơn?

Trường hợp này, TAND thành phố Đà Nẵng sẽ ủy thác tư pháp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và Trung Quốc tiến hành biện pháp, buộc bị đơn xuất hiện.

Nếu tống đạt hợp lệ mà bị đơn vẫn vắng mặt, theo quy định Luật Tố tụng, trên 2 lần vắng mặt không lý do, tòa án sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt. Khi đó, bị đơn sẽ phải chấp nhận những phán quyết của tòa án.

Với những bằng chứng, vật chứng có được, ông dự đoán thế nào về kết quả vụ kiện?

Đây là vụ kiện chưa có tiền lệ. Nhưng tôi khẳng định mình chắc thắng, không chỉ bởi tâm thế chính nghĩa, mà chúng ta có đầy đủ các bằng chứng, vật chứng xác đáng, từ lời kể các nhân chứng, nguyên trạng hư hại con tàu ĐNa 90152 TS, đặc biệt đoạn clip quay cảnh tàu cá 11209 Trung Quốc đâm chìm tàu cá Đà Nẵng. Phía Trung Quốc có tráo trở đến mấy cũng sẽ không thể bẻ cong trước những bằng chứng này.

Trước mắt, chúng tôi khởi kiện dân sự, đòi bị đơn bồi thường thiệt hại. Trong quá trình thụ lý, nếu có dấu hiệu hình sự thì tòa án sẽ đề nghị cơ quan điều tra bổ sung, khởi kiện vụ án hình sự. Đồng thời, chúng tôi tính đến cả phương án khởi kiện phía tàu cá Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Không đơn độc

Tuy nhiên, quy trình tố tụng, xét xử tại tòa án quốc tế khá phức tạp?

 Mỗi cơ quan tòa án có quy trình khởi kiện, tố tụng khác nhau. Hiện, chúng tôi có địa chỉ, đơn vị tư vấn khi nộp đơn khởi kiện tại các tòa án quốc tế, đặc biệt tòa án luật biển quốc tế.

Những ngày qua, chúng tôi liên tục nhận được điện thoại chia sẻ, hỗ trợ của các luật sư trong và ngoài nước liên quan đến việc khởi kiện tàu cá Trung Quốc.

Chúng tôi không đơn độc trước công lý, lẽ phải và chính nghĩa. Dù khó khăn, theo kiện kéo dài nhưng chúng tôi quyết làm đến cùng. Theo quy định, nếu khởi kiện ra tòa quốc tế, kể từ thời điểm đơn kiện được thụ lý, Trung Quốc không được tiếp tục thực hiện những hành động phá hoại, cản trở tàu cá của Việt Nam.

Trường hợp Trung Quốc vẫn cố tình làm, bên nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án luật biển quốc tế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Trung Quốc phải chấp hành, hoặc phải bảo đảm các tàu của Trung Quốc giữ một khoảng cách nhất định với tàu Việt Nam để đảm bảo an toàn.

Bị đơn là người nước ngoài, trường hợp thắng kiện, việc thi hành án cũng rất khó khăn?

Đúng. Khởi kiện phức tạp, thi hành án chắc chắn càng khó khăn hơn. Vấn đề không phải ở khoảng cách địa lý, quốc gia, mà bởi chính thái độ, bản chất phía Trung Quốc.

Xét cho cùng đây không phải là vụ “tai nạn lao động” mà là ý đồ, hành động có tính mục đích, nằm trong chuỗi mưu đồ bành trướng biển Đông, mà cụ thể là giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc đang hạ đặt trái phép lên vùng biển Việt Nam.

Bản án được tuyên là cơ sở để chúng ta tiếp tục bảo vệ cho bằng được quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân; là chứng lý để đấu tranh trên con đường ngoại giao.

Vụ kiện đánh động cho cả thế giới biết rằng, hành động của tàu cá Trung Quốc là vô nhân đạo, trái với luật pháp, đạo lý.

Đồng thời khẳng định người dân và Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, trật tự biển Đông, nhưng kiên quyết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, trước mọi hành động xâm phạm.

Chủ tàu cá ĐNA 90152TS:
“Đi tới đâu, tôi cũng quyết kiện Trung Quốc!”

Theo bà Huỳnh Thị Như Hoa (Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa-90152TS, gần 2 tuần nay, tất cả 10 thuyền viên trên tàu chấp nhận cảnh “thất nghiệp” để sẵn sàng đến tòa làm nhân chứng khi vụ kiện được tiến hành.

Tàu ĐNa 90152TS bị chìm, ngư dân mất sinh kế, nhưng vẫn có thể đi làm trên tàu khác. Tuy nhiên, mọi người cùng gác việc, ở nhà chuẩn bị cho vụ kiện phía Trung Quốc.

“Suốt đời bám biển, kỹ năng pháp lý còn hạn chế, nhưng tôi luôn tin mình làm đúng với lương tâm, sự thật và chính nghĩa nên không hề sợ. Dù đi bất kỳ đâu, tòa trong nước hay quốc tế, mất nhiều thời gian nhưng chúng tôi sẽ theo kiện tới cùng”, bà Hoa nhấn mạnh.

Ra tòa, Trung Quốc sẽ bẽ mặt trước công luận

Trả lời trên Báo Tienphong, Luật sư Lê Cao ( Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng) cho rằng, việc khởi kiện phía Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật biển khẳng định chính nghĩa của chúng ta, xác định việc phải tuân thủ UNCLOS một cách chính xác.

Nếu kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, chúng ta nên chọn tòa án nào theo ông?

Khởi kiện Trung Quốc theo tôi chắc chắn phải tiến hành và làm sớm. Việt Nam có đầy đủ cơ sở chắc thắng trong việc khởi kiện. Không chỉ là những bằng chứng về lịch sử, mà còn thể hiện trong các quy định tại Điều 57 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), với quy định vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. 

Hơn nữa, các hành vi Trung Quốc cản trở, dùng vũ lực, phá hoại tài sản đối với các tàu chấp pháp, tàu ngư dân của Việt Nam xâm phạm các quy định khác của UNCLOS, về nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. Với tình hình hiện nay, trước hết, cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật biển. 

Cái khó, điều 298 của UNCLOS quy định, các quốc gia tham gia công ước có thể bằng văn bản không chấp nhận giải quyết đối với các tranh chấp qua Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật biển về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế…

Trung Quốc với thế đuối lý của mình đang tận dụng triệt để điều luật này để loại trừ việc giải quyết các tranh chấp nói trên tại Tòa án Trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, việc khởi kiện phía Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật biển khẳng định chính nghĩa của chúng ta, xác định việc phải tuân thủ UNCLOS một cách chính xác. 

Nhưng cũng cần phải hướng đến việc khởi kiện Trung Quốc ở một cơ quan tài phán, mà phán quyết của họ giải quyết được các tranh chấp cụ thể về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay như việc đòi lại Hoàng Sa?

Những vấn đề lớn này, chúng ta cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế. Nhưng quy chế tố tụng ngặt nghèo, đòi hỏi cả bên nguyên đơn lẫn bên bị đơn đều chấp nhận giải quyết tranh chấp tại tòa án này, hoặc cả hai cùng thỏa thuận đưa nhau ra tòa án này thì mới giải quyết. 

Chắc chắn Trung Quốc với mưu đồ của mình sẽ chối bỏ. Tuy nhiên, nếu thấy Trung Quốc từ chối tham gia phiên tòa mà chúng ta thụt lùi, không kiên quyết khẳng định uy thế về bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý trước Trung Quốc qua cách khởi kiện họ là không đúng. Việt Nam cần kiên trì, kiên quyết chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, bền bỉ đấu tranh thông qua các giải pháp pháp lý chính nghĩa. 

Trung Quốc từ chối giải quyết tranh chấp càng chứng minh cho bạn bè quốc tế thấy chính nghĩa của chúng ta. Phán quyết (nếu có) của các tổ chức tài phán quốc tế thường mang ý nghĩa chính trị hơn là tính thực thi, chế tài trên thực tế, nhưng qua đó sẽ củng cố hơn cho chúng ta về bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền của mình, và cũng là cơ sở để nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

 

Tuyết Sơn (tổng hợp từ Tienphong)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang