Tình hình Biển Đông ngày 1/10: Biển Đông là vấn đề cốt lõi trong chiến lược ngoại giao của Mỹ

author 06:30 01/10/2014

(VietQ.vn) - Trung Quốc liên tục làm tình hình Biển Đông căng thẳng đã buộc Mỹ có nhiều biện pháp khác nhau nhằm củng cố chiến lược châu Á – Thái Bình Dương để đề phòng Nga, Trung.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những tin tức mới nhất trên báo chí cho hay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tổ chức hội đàm vào đầu tháng 10 năm 2014 xoay quanh các hoạt động khiêu khích và gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong vài tháng gần đây, các chuyên gia hoạch định chính sách ngoại giao hàng đầu của Washington liên tục tổ chức các cuộc thảo luận, hội ý nhằm xem xét liệu quyết định can thiệp vào tranh chấp Biển có phù hợp với lợi ích của Mỹ hay không. Nhiều ý kiến nhận định, để mặc cho Trung Quốc tự tung tự tác tùy tiện ở Biển Đông sẽ gây ra hậu quả chiến lược vô cùng nghiêm trọng với Mỹ, do đó, tuy Washington vừa không thể bất chấp tất cả đối đầu với Bắc Kinh nhưng cũng không thể hoàn toàn bàng quan với tình hình Biển Đông.

Việt - Mỹ tổ chức hội đàm về tranh chấp Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 1/10: Việt - Mỹ tổ chức hội đàm về tranh chấp Biển Đông. Ảnh minh họa

Tạp chí Yale Global (Mỹ) đã dẫn lời ý kiến của các chuyên gia cho rằng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nên tập trung tìm một con đường trung gian, vừa bảo vệ tính tự chủ chính sách của Mỹ vừa có thể duy trì tranh chấp Biển Đông ở trạng thái cân bằng.

Cũng theo bài viết được đăng trên tạp chí Yale Global, Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy, hợp tác của Trung Quốc là điều rất cần thiết trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu có ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, làm chậm lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Song song với đó, Mỹ cũng không thể bỏ qua ý đồ xây dựng bá quyền ở các vùng biển xung quanh của Trung Quốc (bao gồm biển Đông và biển Hoa Đông).

Ở Biển Đông, Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm Công ước Luật biển Liên hợp quốc về trật tự quốc tế, giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp đàm phán hoặc trọng tài, chứ không phải bằng vũ lực. Tuy nhiên, so với việc ngang nhiên vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và nhiều nước khác ở Biển Đông, Trung Quốc tương đối thận trọng ở biển Hoa Đông khi đối đầu với Nhật – siêu cường châu Á và là đồng minh của Mỹ. 

Tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam

Tình hình Biển Đông ngày 1/10: Tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Trung Quốc cũng luôn bất chấp sự phản đối kịch liệt của dư luận quốc tế về các tuyên bố chủ quyền vô lý và bản đồ “đường lưỡi bò” của nước này. Trung Quốc thường xuyên tỏ thái độ “vừa ăn cướp vừa la làng” khi coi nước khác đánh cá và khai thác dầu khí ở Biển Đông là đang "ăn cắp tài nguyên của Trung Quốc" (trong khi trên thực tế, các hoạt động này thuộc phạm vi chủ quyền theo luật pháp quốc tế của các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines…).

Hành vi và thái độ của Trung Quốc đã buộc Mỹ coi tình hình Biển Đông là một vấn đề cốt lõi đáng lo ngại trong quy hoạch ngoại giao và chiến lược của Mỹ. Bài báo trên tạp chí Yale Global khẳng định, Mỹ can thiệp mạnh mẽ hơn vào tranh chấp Biển Đông sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Mỹ thường xuyên lên tiếng chỉ trích Trung Quốc có những hành vi làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của dư luận. Đồng thời, cũng trong thời gian này, Mỹ đang củng cố chiến lược châu Á - Thái Bình Dương đề phòng Nga, Trung khi hai nước này đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong lĩnh vực quân sự.

Theo đó, Mỹ đang giám sát chặt chẽ một loạt thử nghiệm về các vũ khí hiện đại đang được tiến hành tại Nga và Trung Quốc, trong đó có tàu chống hải quân, máy bay chống quân sự, vũ khí chống vệ tinh, cũng như những phát triển trong lĩnh vực tác chiến điện tử và các lực lượng đặc nhiệm. Ngoài ra, Mỹ cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển quân sự phù hợp với chiến lược nhằm đối phó với các thách thức và giành được thế cân bằng mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ lên kế hoạch hướng về châu Á – Thái Bình Dương

Tình hình Biển Đông ngày 1/10: Hải quân Mỹ lên kế hoạch hướng về châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, Mỹ đã khích lệ Nhật dỡ bỏ một lệnh cấm về quyền phòng vệ tập thể và đề nghị Hàn Quốc tham gia các hệ thống phòng thủ tên lửa châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Mỹ triển khai xây dựng các căn cứ không quân và hải quân quy mô lớn tại Úc, Philippines cũng như đẩy mạnh hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á để đối phó với sự hiện diện trên biển và trên không của Trung Quốc tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. 

Phát biểu về điều này, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho hay Mỹ đang chuyển dần tập trung quân sự tới châu Á và sẽ đồn trú các binh sĩ luân phiên, thúc đẩy sự hiện diện quân sự trong khu vực. Bộ chỉ huy Thái Bình Dương sẽ thiết lập một căn cứ huấn luyện cho lính thủy đánh bộ và lực lượng đặc nhiệm ở phía bắc nước Úc, điều các tàu hải quân tới Singapore và đặt các máy bay trinh sát trinh sát dọc bờ biển Malaysia, theo một thỏa thuận với Malaysia, để mở rộng trinh sát ra Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Được biết, hải quân Mỹ đã có kế hoạch triển khai 60% tàu ngầm hạt nhân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong khuôn khổ một lực lượng phục vụ các cuộc tấn công chính xác từ xa.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Giáo Dục, Dân Trí)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang