Tình hình Biển Đông ngày 11/10: Học giả Trung Quốc buộc tội Mỹ làm loạn ở biển Đông

author 06:45 11/10/2014

(VietQ.vn) - Học giả Trung Quốc coi Biển Đông như một sân bóng riêng mà ở đó, Trung Quốc vừa phải “giữ khung thành, vừa phải kiểm soát bóng tốt”, biết nắm thời cơ để đối phó với “thủ phạm làm loạn” là Mỹ.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới đây trên báo chí, Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc vừa cho đăng bài phân tích của chuyên gia quân sự Trương Triệu Trung, trong đó thể hiện những lo ngại trước sự can thiệp tích cực, công khai của Mỹ đối với tình hình Biển Đông hiện nay, nhưng mang tính chất xuyên tạc khi cho rằng, “thủ phạm” làm loạn Biển Đông là Mỹ (chứ không phải chính là Trung Quốc?).

Tác giả Trương Triệu Trung đã trắng trợn cho rằng chính việc Mỹ tiếp tục công khai can thiệp vào tranh chấp Biển Đông đã khiến tình hình trong khu vực ngày một căng thẳng, phức tạp và từng bước bị đẩy ra trung tâm của vũ đài chính trị quốc tế, trở thành quân cờ trong cuộc chơi giữa Trung - Mỹ.

Giới học giả Trung Quốc nhiều lần đưa ra luận điệu xuyên tạc, sai trái về biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 11/10: Giới học giả Trung Quốc nhiều lần đưa ra luận điệu xuyên tạc, sai trái về biển Đông. Ảnh minh họa

Theo bài báo, trong những năm gần đây, Mỹ không ngừng thắt chặt bao vây đối với Biển Đông và tăng cường tiến hành viện trợ quân sự đối với các nước Singapore, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, không ngừng tăng cường kiểm soát đối với Biển Đông. Do đó, tác giả bài viết khẳng định chính Washington mới là "chủ mưu làm loạn" tình hình Biển Đông.

Ngoài luận điệu xuyên tạc nêu trên, Trương Triệu Trung còn coi Thái Bình Dương như một “sân bóng đá” khổng lồ, ở đó, Trung Quốc là “cầu thủ” đối đầu với Mỹ trên “sân bóng”, muốn giữ cả “cầu môn” lẫn muốn học cách kiểm soát bóng, lợi dụng tình hình, nắm quyền chủ động…

Tiếp tục quan điểm “gắp lửa bỏ tay người”, bài viết cho rằng việc Mỹ muốn triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8 ở Malaysia cũng như liên tục tiến hành đến gần do thám ở Biển Đông là nhằm không ngừng bài binh bố trận ở xung quanh Trung Quốc, muốn uy hiếp đến vị thế của Bắc Kinh trong khu vực và trên trường quốc tế.

Trung Quốc từng lớn tiếng yêu cầu Mỹ đứng ngoài tranh chấp Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 11/10: Trung Quốc từng lớn tiếng yêu cầu Mỹ đứng ngoài tranh chấp Biển Đông. Ảnh minh họa

Tác giả bài viết phân tích, hiện nay, tranh chấp Biển Đông đã trở thành yếu tố quan trọng tác động đến quan hệ Trung - Mỹ. Đối lập với thái độ trung lập với tình hình Biển Đông của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tích cực can thiệp vào Biển Đông.

Năm 1998, Mỹ đặt vấn đề Biển Đông vào khuôn khổ chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương, và coi đây là một bộ phận quan trọng của chiến lược ngăn chặn Trung Quốc. Năm 2001, tàu sân bay USS Kitty Hawk (CV 63) Mỹ đến căn cứ quân sự Changi, Singapore, đánh dấu Quân đội Mỹ bắt đầu quay trở lại Đông Nam Á.

Trương Triệu Trung tin rằng, thái độ của Mỹ lên xuống như vậy là do Mỹ muốn lợi dụng vấn đề Biển Đông ngăn chặn Trung Quốc. Trương Triệu Trung phán như vậy và tiếp tục xuyên tạc cho rằng, Mỹ cần một “kẻ thù mạnh”, tiến tới gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường quân bị, thúc đẩy phát triển công nghiệp quân sự của Mỹ, "kẻ thù' này chính là Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ tận dụng các loại chiến lược như tạo ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng để có thể làm giảm tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc, kiểm soát Thái Bình Dương, trấn giữ tuyến đường ra biển của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn muốn biến Biển Đông thành “ao nhà”

Trung Quốc luôn muốn biến Biển Đông thành “ao nhà”. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Trương Triệu Trung còn cổ xúy Trung Quốc phải dùng hành động thể hiện sự hiện diện trên "đất của mình" (Trung Quốc tham lam, muốn nuốt trọn Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà mặc dù không có chủ quyền riêng đối với toàn bộ khu vực), áp dụng chiến lược phòng ngự tích cực, bảo vệ tốt "cửa" nhà mình.

Mặt khác, cho dù Mỹ không ngừng liên kết ngoại viện đe dọa Trung Quốc ở "cửa khung thành", là cầu thủ trên sân bóng, Trung Quốc không chỉ phải hiểu phòng thủ, mà phải học cách kiểm soát bóng, nắm bắt thời cơ, nắm chủ động, làm cho vấn đề Biển Đông hạ nhiệt, giải quyết hợp lý tranh chấp Biển Đông.

Và dường như luận điệu coi Biển Đông như một sân bóng riêng này đang được Trung Quốc áp dụng triệt để thông qua những hoạt động khiêu khích, gây hấn mà mới đây nhất là hành động xây dựng đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tình hình Biển Đông ngày 11/10: Chuyên gia quốc tế ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc

Tình hình Biển Đông ngày 11/10: Chuyên gia quốc tế ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc. Ảnh minh họa

Trước bước đi mới đầy nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Luật pháp quốc tế. Hành động pháp lý cũng là một biện pháp hòa bình.

Bình luận về điều này, Patrick Cronin - Giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh, Trung Quốc phải trả giá cho những hành động hung hăng, bất tuân luật pháp quốc tế. “Chúng ta tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp nhưng cũng cần cứng rắn để Trung Quốc thấy rằng, hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép vũ lực là không thể chấp nhận được”, ông Cronin nói.

Về phần mình, giáo sư Jerome Cohen - Chủ tịch Viện Luật pháp Mỹ - Châu Á, Đại học Luật New York cho rằng, Việt Nam nên nhờ đến các cơ quan tài phán quốc tế. Ông Jerome Cohen tin rằng, việc đưa tranh chấp Biển Đông ra giải quyết theo luật pháp quốc tế sẽ tốt cho Việt Nam. Giáo sư Cohen nhận định, Việt Nam cần sử dụng pháp luật quốc tế làm vũ khí phòng thủ của mình bởi nhờ có sức mạnh của lý lẽ, Việt Nam sẽ giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Minh Thùy

(tổng hợp từ Giáo Dục, VOV)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang