Tình hình Biển Đông ngày 13/10: Báo nước ngoài tin Việt Nam sẽ không bỏ qua việc Trung Quốc xây đường băng ở Hoàng Sa

author 06:14 13/10/2014

(VietQ.vn) - Báo chí nước ngoài khẳng định Việt Nam sẽ không dễ dàng bỏ qua việc Trung Quốc xây dựng đường băng quân sự ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những thông tin gần đây trên báo chí, hãng tin nổi tiếng Bloomberg đã nhận định "Việt Nam sẽ không dễ dàng bỏ qua việc Trung Quốc xây đường băng tại Hoàng Sa..." trước việc Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng đường băng ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời, Bloomberg khẳng định, động thái này có nguy cơ làm mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước thêm vết rạn nứt mới.

Trước đó, trả lời phỏng vấn trên báo chí về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc xây đường băng trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tình hình Biển Đông ngày 13/10: Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng “chính quyền Tam Sa”

Tình hình Biển Đông ngày 13/10: Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng “chính quyền Tam Sa”. Ảnh minh họa

Thêm vào đó, ông Lê Hải Bình khẳng định hoạt động xây dựng đường băng của phía Trung Quốc trên đảo Phú Lâm đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 10/2011. Đồng thời, động thái này của chính quyền Bắc Kinh đã đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước.

Bloomberg đánh giá, sự hiện diện của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm của Việt Nam, nơi Bắc Kinh đã cho xây dựng nhà cửa, bưu điện, các tòa nhà chính quyền, và cả đường băng, có thể sẽ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa nước này với Việt Nam cũng như các quốc gia khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông.

Hãng tin Bloomberg cũng dẫn lời ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc S. Rajaratnam School of International Studies ở Singapore  cho hay hoạt động xây dựng này có một ý nghĩa rất lớn đối với Trung Quốc trong việc thực hiện tham vọng tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông. Tuy nhiên, ông Koh quả quyết Việt Nam sẽ không dễ dàng bỏ qua, sẽ có những căng thẳng mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 13/10: Việt Nam kiên quyết phản đối hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh minh họa

Ông Alexander Vuving, nhà phân tích về an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương lại tin rằng Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp tới cả thế giới rằng, họ đang quyết tâm duy trì cái mà họ cho là sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Trung Quốc đang thể hiện quan điểm cứng rắn ở biển Đông.

Bàn về điều này, PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế nhấn mạnh hành động của Trung Quốc là một bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng. "Mọi động thái có thể thấy Trung Quốc thực sự có ý đồ thực hiện chiến lược độc chiếm và bành trướng trên Biển Đông", ông Diến nói.

Vì lý do này, TS Diến đề xuất Việt Nam phải khẩn trương tập hợp tư liệu và kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Về mặt ngoại giao cũng cần có những phản ứng mạnh mẽ để họ thấy được việc làm đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Phải dùng sức mạnh pháp lý và chính nghĩa. Về điều này Việt Nam hoàn toàn có đầy đủ bằng chứng chứng minh quyền chủ quyền của chúng ta đối với Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông theo tinh thần Công ước quốc tế và luật biển năm 1982. Có điều để làm được điều này đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, định ra được chương trình hành động cụ thể, từ việc giao cho ai, làm như thế nào.

Được biết, trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 khai mạc vào 20/10 tới, Chính phủ sẽ báo cáo tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tình hình Biển Đông ngày 13/10: Việt – Trung đàm phán vòng 3 về hợp tác trên biển

Tình hình Biển Đông ngày 13/10: Việt – Trung đàm phán vòng 3 về hợp tác trên biển. Ảnh minh họa

Trong một diễn biến khác, tuần qua tại Nam Ninh (Trung Quốc) đã diễn ra Đàm phán vòng 3 Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở, trình bày rõ lập trường, quan điểm của mỗi bên về hợp tác cùng phát triển trên biển.

Theo ghi nhận từ cuộc đàm phán, hai bên nhất trí tiếp tục căn cứ theo nhận thức chung có liên quan của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc, tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ký năm 2011 để thảo luận về vấn đề hợp tác cùng phát triển trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Báo Đất Việt, VOV)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang