Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu về tình hình biển Đông tại ASEAN 25

author 06:29 13/11/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó có việc Trung Quốc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm là nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị ASEAN 25.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, tình hình Biển Đông cũng những tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN được dự đoán là một chủ điểm quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp liên quan tại Myanmar. "Tranh luận về ai sở hữu phần nào ở Biển Đông có thể sẽ bùng nổ trong các cuộc họp lần này, sau một năm Trung Quốc thực hiện nhiều hoạt động gây căng thẳng tại khu vực", hãng tin AFP đánh giá.

Biển Đông dễ 'tạo sóng' ở thượng đỉnh ASEAN

Tình hình Biển Đông ngày 13/11: Biển Đông dễ 'tạo sóng' ở thượng đỉnh ASEAN. Ảnh Reuters

Trong hội nghị ASEAN lần này, Tổng thống Philippines Aquino dự kiến sẽ nêu các hành động của Trung Quốc thời gian gần đây tại Biển Đông, gồm cả việc tàu thủy văn của Bắc Kinh xâm phạm khu vực bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa. Các thành viên hiệp hội ASEAN cũng sẽ thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm có cơ chế ràng buộc để hiện thực hóa DOC được đưa ra từ cách đây 12 năm, theo tờ Rappler của Philippines.

Bên cạnh đó, giới phân tích đặc biệt chú ý tới "nhân tố Obama" trong các cuộc họp lần này. Tổng thống Mỹ được cho là sẽ thúc đẩy hai nhiệm vụ quan trọng trong dịp gặp gỡ các đối tác châu Á. Đó là đẩy nhanh việc hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tái khẳng định vai trò của Washington trong việc duy trì an ninh khu vực, theo Rajiv Biswas, nhà phân tích chuyên về châu Á - Thái Bình Dương tại chuyên trang quốc phòng IHS. 

Phát biểu về nhận định trên, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cho hay ông Obama dự kiến sẽ nêu bật vai trò lãnh đạo của Mỹ trong giải quyết các tranh chấp lãnh hải ở khu vực này. "Việc theo dõi xem Obama có thể hoàn thành việc gì tại ASEAN là một diễn biến thú vị. Liệu giọng điệu nào sẽ được tổng thống Mỹ đưa ra về các vấn đề lớn, đặc biệt sau khi Trung Quốc và Nga có vẻ như tăng cường quan hệ", tờ Rappler nhận định.

Tổng thống Obama đề cập đến vai trò của Mỹ trong tranh chấp biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 13/11: Tổng thống Obama đề cập đến vai trò của Mỹ trong tranh chấp biển Đông. Ảnh Reuters

Được biết, trong hội nghị ASEAN lần thứ 25 được tổ chức Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ về vấn đề Biển Đông. Thủ tướng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC. 

Do đó, tại Hội nghị này, ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 của Tuyên bố này, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. 

Đồng thời, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN - Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc COC có tính ràng buộc, cũng như sớm triển khai các biện pháp “thu hoạch sớm” song song với tiến trình đàm phán về COC.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu về tranh chấp biển Đông tại ASEAN 25

Tình hình Biển Đông ngày 13/11: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu về tranh chấp biển Đông tại ASEAN 25. Ảnh Tiền Phong

Tuy nhiên, dù được coi là chủ đề chính tại các thảo luận tại Cấp cao ASEAN và Cấp cao Đông Á (EAS) nhưng một số học giả cho rằng thảo luận Biển Đông sẽ không đạt được bước đột phá nào trong dịp này. Kết quả cao nhất là các nước kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, "Tôi không thấy có bất cứ đột phá nào tại Naypyidaw hay trong thời gian trước mắt. Hãy đối diện với thực tế rằng tranh chấp ở Biển Đông là một vấn đề phức tạp và ASEAN đang phải đối phó với Trung Quốc, một cường quốc của châu Á và của cả thế giới.”

Đồng thời, giới quan sát cũng cho rằng việc Trung Quốc gần đây tăng đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, không có nghĩa là Bắc Kinh thay đổi chiến lược ở Biển Đông. Ông Carl Thayer, chuyên gia về an ninh tại học viện Quốc phòng Australia nói: "Trung Quốc thường tiết chế cách hành xử của mình trước các hội nghị cấp cao ASEAN. Một số người cố gây ấn tượng trong các cuộc họp thượng đỉnh cuối năm, nhưng không có tiến triển đáng kể nào xảy ra".

Minh Thùy (tổng hợp từ Tiền Phong, Vnexpress)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang