Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Mỹ tiếp tục bay giám sát trên biển Đông bất chấp thái độ của Trung Quốc

author 07:13 15/11/2014

(VietQ.vn) - Washington khẳng định vẫn sẽ duy trì các chuyến bay giám sát quân sự trong vùng biển và không phận quốc tế trên biển Đông dù Trung Quốc đã nêu ra vấn đề hạn chế các hoạt động này của Mỹ.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất trên báo chí, các cuộc thảo luận kín giữa Washington – Bắc Kinh đã cho thấy sự nhạy cảm của Trung Quốc đối với các chuyến bay giám sát của máy bay Mỹ, đặc biệt ngoài khơi đảo Hải Nam, nơi có một căn cứ tàu ngầm quan trọng của Trung Quốc. Một vụ chặn đầu của Trung Quốc đối với một máy bay Mỹ P-8 trong không phận quốc tế ngoài khơi đảo Hải Nam hồi tháng 8 đã bị Washington miêu tả là nguy hiểm.

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với máy bay trinh sát Mỹ hồi tháng 8/2014

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với máy bay trinh sát Mỹ hồi tháng 8/2014. Ảnh Dân Trí

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố các thỏa thuận quốc phòng sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 12/11, bao gồm việc thông báo các hoạt động quân sự lớn, trong đó có các cuộc tập trận, quy định hành vi cho các cuộc đối đầu trên biển và trên không. Các nguyên tắc chỉ đạo đối với các cuộc đối đầu giữa tàu hải quân đã được thống nhất, Nhà Trắng cho hay, các nguyên tắc tương tự đối với các cuộc đối đầu trên không cũng sẽ được thảo luận.

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông quốc tế, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeffrey Pool cho hay, trong quá trình thảo luận, giới chức Trung Quốc đã nêu ra vấn đề các chuyến bay giám sát quân sự của Mỹ, nhấn mạnh theo quan điểm của Bắc Kinh các chuyến bay như vậy quá gần đảo Hải Nam. 

Ông Pool chia sẻ: “Trung Quốc đã nêu ra vấn đề hạn chế các hoạt động của Mỹ trong không phận quốc tế và hai bên đã thảo luận các lập trường của mình.” Tuy nhiên, Washington kiên quyết phản đối bất kỳ đề xuất mới nào của Trung Quốc nhằm hạn chế các hoạt động của Mỹ trên biển hay trên không bên ngoài giới hạn lãnh thổ của các quốc gia ven biển, khiến các liên minh của Mỹ gặp rủi ro hoặc cản trở các hành động của Mỹ với các đồng minh hoặc đối tác.

Từ lâu, Trung Quốc luôn coi không phận quanh đảo Hải Nam thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình và do đó phải bị hạn chế. Tuy nhiên, quân đội Mỹ khẳng định họ có quyền thực hiện bất kỳ sứ mệnh bay nào trong vùng không phận quốc tế, cách bờ biển của một quốc gia 12 hải lý.

Trong một vụ việc hồi tháng 8, một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã chặn một máy bay P-8 ở cách Hải Nam 135 hải lý, làm gia tăng các rủi ro trong bối cảnh quân đội hai nước kình địch nhau ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Vì lý do này, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, các quy định về các cuộc đối đầu quân sự sẽ dược áp dụng ở tất cả mọi nơi, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của nước kia. Được biết hiện Bộ quốc phòng Trung Quốc không có bình luận gì về thông tin trên.

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông bị chỉ trích mạnh mẽ

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông bị chỉ trích mạnh mẽ. Ảnh Reuters

Trong một diễn biến khác, tờ Kyodo News (Nhật Bản) đưa tin, Washington và Tokyo đang mâu thuẫn với Trung Quốc về tình hình biển Đông và Hoa Đông. Đồng thời, hai nước này cũng lên tiếng thúc giục Bắc Kinh kiềm chế những hành động có thể làm mất ổn định ở vùng biển chiến lược giàu tài nguyên này.

Tờ Kyodo News bình luận, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5 đã dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines đã lên án việc cải tạo đảo của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp để sử dụng cho mục đích quân sự. Những điều này gây khó khăn hơn cho việc giải quyết tranh chấp trong tương lai.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở thủ đô Naypyitaw, Myanmar ngày 13/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định mong muốn các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển thực hiện tự kiềm chế ngăn các hành động phá hoại sự hòa bình và ổn định ở biển Đông. "Nhiều nước bày tỏ sự quan ngại nếu các hành động đơn phương tiếp tục tiếp diễn ở biển Đông”, một quan chức cấp cao Nhật Bản trích lời Thủ tướng Abe phát biểu tại EAS.

Cũng trong bài phát biểu này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất 3 nguyên tắc ông từng chủ trương tại Hội nghị an ninh châu Á tại Singapore hồi tháng 5 trong vấn đề căng thẳng biển Đông. Theo đó, ông Abe nhấn mạnh các bên phải tuyên bố và làm rõ những yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế; không được sử dụng vũ lực hoặc sự áp bức để cố gắng thúc đẩy các yêu sách của mình và phải tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh, ông mong Trung Quốc và các quốc gia ASEAN sẽ đẩy nhanh việc tham vấn tiến tới việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) nhằm giảm xung đột về lãnh thổ ở biển Đông.

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Mỹ, Nhật mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 15/11: Mỹ, Nhật mâu thuẫn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các bên giảm căng thẳng, đảm bảo kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, theo các nguồn tin ngoại giao ASEAN. Ngoài ra, Tổng thống Obama nhấn mạnh sự cần thiết để 2 bên đạt được Bộ qui tắc ứng xử các bên ở biển Đông (COC). Ông Obama tin tưởng điều quan trọng là phải đối thoại mang tính xây dựng và có tiến triển, đặc biệt khi vẫn còn nhiều xung đột nhưng ngoại giao còn thấp, theo nguồn tin ngoại giao ASEAN.

Tuy nhiên, trái ngược những quan ngại từ Mỹ, Nhật và các quốc gia khác, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại lớn tiếng tuyên bố "tình hình ở biển Đông nói chung là ổn định, sự tự do và an toàn hàng hải ở biển Đông vẫn được đảm bảo".

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng từ chối sự can thiệp của Mỹ, Nhật hay bên thứ 3 nào vào tranh chấp trên biển Đông. Trong một nỗ lực để áp đảo các bên tranh chấp khác, Bắc Kinh đã kêu gọi đàm phán song phương với họ, chứ không phải là ngoại giao đa phương, trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ.

Trước đó, tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La tổ chức ở Singapore hồi tháng 5, Thủ tướng Shinzo Abe cũng từng tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel đã khẳng định rằng Mỹ ủng hộ các thể chế đa phương trong khu vực để giải quyết mâu thuẫn.

Minh Thùy (tổng hợp từ Dân Trí, Thanh Niên)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang