Tình hình biển Đông ngày 15/8: ASEAN có thể làm gì trước tranh chấp Biển Đông

author 06:10 15/08/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông vẫn là vấn đề quan trọng bậc nhất của Đông Nam Á sẽ được bàn luận tại các diễn đàn biển ASEAN và mở rộng cuối tháng 8.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông


Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao hôm thứ 5 (14/8), trả lời câu hỏi của báo Dân trí về diễn đàn biển ASEAN mở rộng sắp diễn ra, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: Tại hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN (AMM 47) và các hội nghị liên quan vừa diễn ra ở Myanmar, các bộ trưởng đã hoan ngênh việc Việt Nam đăng cai tổ chức và chủ trì Diễn đàn biển ASEAN cũng như Diễn đàn biển ASEAN mở rộng.

tình hình biển đông

Tình hình Biển Đông vẫn là vấn đề quan trọng bậc nhất của Đông Nam Á sẽ được bàn luận tại các diễn đàn biển ASEAN. Ảnh minh họa

Các quốc gia có liên quan trong và ngoài khu vực đều được mời tham dự các diễn đàn. Tất nhiên vấn đề duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vấn đề quan trọng bậc nhất của khu vực Đông Nam Á sẽ được bàn luận".

Trong tương lai, có thể dự đoán ASEAN sẽ tiếp tục có những thay đổi nhất định về thái độ và lập trường trong vấn đề Biển Đông, thể hiện trong quan điểm của từng nước thành viên và của cả khối ASEAN.

Trích dẫn một vài lời phân tích của TS. Trần Việt Dũng, Quyền trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM cho biết:

ASEAN sẽ cần phải tìm ra một giải pháp để ưu tiên những lợi ích then chốt chung giữa các quốc gia thành viên để giảm bớt các ảnh hưởng có hại đến sự khác biệt của từng quốc gia riêng lẻ: nhấn mạnh giá trị chiến lược của tự do hàng hải, tôn trọng pháp luật quốc tế và sự ổn định khu vực có thể giúp tổ chức này tạo ra một sự đồng thuận bên trong, điều này sẽ củng cố khả năng thương lượng của tổ chức.

Đây là một thời điểm trong đó việc kết hợp của các quốc gia có chủ quyền thông qua sự hội nhập của các nền kinh tế quốc gia khác nhau nhằm tạo ra một tổ chức hợp tác kinh tế toàn diện, không chỉ có thể là sự tập hợp của các nhà nước khác nhau mà còn là một thực thể hoàn toàn mới.

ASEAN cần có quan điểm trực diện hơn và phản đổi rõ ràng hơn đối với những yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát và quản lý tranh chấp dựa trên luật, như việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tăng cường hợp tác để làm rõ cách thức diễn giải luật pháp quốc tế và các quy tắc ứng xử ở Biển Đông, như hợp tác giải thích việc áp dụng Điều 121 UNLCOS trong thực tiễn Biển Đông, diễn giải các điều khoản của UNCLOS, COLREGs, SUA... trong thực tiễn áp dụng ở Biển Đông. Các nước ASEAN cũng sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn các biện pháp giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế, như cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, kể cả việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế.

Việt Nam cũng cần thúc đẩy quá trình hình thành cộng đồng ASEAN để dần đưa các nước thành viên ASEAN có nhiều lợi ích chung hơn và từ đó thống nhất về quan điểm lập trường của khối đối với vấn đề Biển Đông; thuyết phục các nước thành viên ASEAN quan tâm tới vấn đề biển Đông để thúc đẩy ASEAN thực hiện các sáng kiến hợp tác an ninh khu vực, như tăng cường các cơ chế ARF, ADMM+, EAS... trong việc thúc đẩy đối thoại về an ninh biển, gia tăng hợp tác để bảo đảm an ninh biển.

Như vậy, ASEAN sẽ dần trở thành một định chế giám sát khu vực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Với tư cách này sẽ giúp ASEAN tăng cường lợi ích của các bên liên quan về hiệu quả thực sự của việc hợp tác trong mối tương quan này và, qua đó buộc Trung Quốc phải cân nhắc nhiều hơn tới việc tôn trọng các quan điểm của các nước thành viên ASEAN (bao gồm Việt Nam) và các quy tắc của cơ chế này.

Vân Anh (Tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang