Tình hình Biển Đông ngày 17/9: Cửa vào Biển Đông đã "mở toang" cho Mỹ?

author 06:46 17/09/2014

(VietQ.vn) - Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông, một số nước trong khu vực đang tăng cường tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Mỹ để có thể đối phó với âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những tin tức gần đây trên báo chí về tình hình Biển Đông và việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam luôn là tâm điểm của dư luận trong và ngoài nước. Các tờ báo nổi tiếng thế giới cũng thường xuyên cập nhật thông tin và theo dõi sát sao động thái mới này của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tình hình Biển Đông ngày 17/9: Báo Trung Quốc cho rằng Gạc Ma quá nhỏ để xây căn cứ không quân

Tình hình Biển Đông ngày 17/9: Báo Trung Quốc cho rằng Gạc Ma quá nhỏ để xây căn cứ không quân. Ảnh minh họa

Mới đây, đài BBC (Anh) cũng đưa tin về hoạt động Trung Quốc cải tạo (bất hợp pháp) biến đá thành đảo ở Gạc Ma và một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khiến thế giới đặc biệt quan tâm. 

Bình luận về điều này, chuyên trang quân sự của tờ QQ News (Trung Quốc) cho rằng phản ứng của Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước sự truy vấn của phóng viên BBC về nội dung này có thể gọi là "chém đinh chặt sắt", nhưng dư luận vẫn không khỏi băn khoăn liệu Trung Quốc có xây dựng sân bay quân sự (bất hợp pháp) trên các đảo nhân tạo (trái phép) này hay không.

Một sự thật mà không một chuyên gia quân sự nào có thể phủ nhận là: Điều cốt yếu đầu tiên để giành được chiến thắng trong chiến tranh hiện đại là phải nắm quyền khống chế bầu trời. Do đó, QQ News khẳng định nếu Trung Quốc xây dựng được căn cứ không quân ở Trường Sa thì sự thay đổi chiến lược đối với khu vực có thể nói là không thể tưởng tượng nổi. 

Tình hình Biển Đông ngày 17/9: Trung Quốc có thể sẽ đóng nhiều tàu sân bay thay vì xây căn cứ không quân

Tình hình Biển Đông ngày 17/9: Trung Quốc có thể sẽ đóng nhiều tàu sân bay thay vì xây căn cứ không quân. Ảnh minh họa

Tuy nhiên QQ News nhận định, mặc dù diện tích các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các bãi đá rộng gấp vài trăm lầm nhà giàn thế hệ 3, nhưng dù đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất là Châu Viên cũng chỉ có khoảng 0,3 km vuông, còn xa mới đủ mặt bằng để xây dựng một sân bay quân sự.

Trong khi đó theo tờ báo này, một căn cứ không quân nhỏ của hải quân hay binh chủng không quân trong hải quân Trung Quốc thường là địa bàn hoạt động của 1 trung đoàn với khoảng 30 chiếc chiến đấu cơ, chiếm diện tích ít nhất phải từ 5 km vuông trở lên. Đường băng sân bay phục vụ lực lượng này phải có chiều dài tối thiểu 2,5 km. Chưa kể đến bên cạnh đường băng chính còn phải có đường băng phụ, một vài nhánh đường liên lạc, đường cất cánh nhanh, nơi cất hạ cánh máy bay cảnh giới, khu vực sơ tán máy bay, kho đạn dược, nơi cất giữ máy bay, kho dầu, doanh trại...

 

 

Theo QQ News, với diện tích hiện tại nhỏ hơn 20 lần so với yêu cầu, dù Trung Quốc có tiếp tục xây thêm đường băng trái phép ở Gạc Ma và Châu Viên thì 1 trung đoàn không quân đóng trên 1 hòn đảo nhân tạo chỉ vỏn vẹn 0,3 km vuông là điều không tưởng.

Trong khi thông tin về việc liệu Bắc Kinh có xây dựng căn cứ không quân ở Gạc Ma hay không vẫn còn là một ẩn số thì nhiều chuyên gia nhận định cánh cửa vào Biển Đông đã rộng mở với Washington sau khi Malaysia đề nghị Mỹ giám sát Biển Đông và Philippines mở các căn cứ hải quân cho Mỹ.

Được biết, hồi tuần trước, Đô đốc Jonathan Greenert, chỉ huy tác chiến của Hải quân My tiết lộ tại một diễn đàn ở Washington rằng Malaysia đã đề nghị để máy bay trinh sát chống ngầm P-8 Poseidon của Mỹ bay từ phía Đông nước này để tiếp cận Biển Đông nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, thông tin này chưa được phía Malaysia xác nhận.

Tình hình Biển Đông căng thẳng buộc một số nước “mời” Mỹ đến đối phó với Trung Quốc

Tình hình Biển Đông căng thẳng buộc một số nước “mời” Mỹ đến đối phó với Trung Quốc. Ảnh Reuters

Một nhà ngoại giao cấp cao châu Á cũng tiết lộ thời gian qua, Kuala Lumpur và Washington đã thảo luận về việc cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ không quân ở bang Sabah, Đông Bắc Malaysia.

Khi được phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho hay thông tin "máy bay chiến đấu Mỹ" được trao quyền hoạt động ở Đông Malaysia là không đúng. Tuy nhiên, ông không đề cập đến máy bay do thám Mỹ.

Như vậy, nếu thông tin trên được xác nhận, Malaysia sẽ là nước tiếp theo ở Đông Nam Á muốn mở cửa mời Mỹ sau Philippines bởi trước đó, Philippines cũng đã mở toang các căn cứ quân sự cho Mỹ vào đối phó Trung Quốc.

Minh Thùy

(tổng hợp từ Giáo Dục, Báo Đất Việt)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang