Tình hình Biển Đông ngày 18/9: Việt Nam cần làm gì trước tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc?

author 06:25 18/09/2014

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng vì hoạt động xây đảo nhân tạo và tuyên bố khai thác khí của Trung Quốc, chuyên gia nhận định Việt Nam cần có những hành động cụ thể, kiên quyết hơn.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những thông tin gần đây trên báo chí về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo Gạc Ma và giàn khoan Hải Dương 981 phát hiện được một mỏ khí lớn trên Biển Đông là minh chứng tiếp theo cho tham vọng khoan nước sâu của Trung Quốc nhằm phục vụ 2 lợi ích chiến lược của Bắc Kinh: Đó là độc chiếm Biển Đông và thỏa mãn cơn khát năng lượng.

Để thỏa mãn 2 lợi ích chiến lược này, công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mới đây mời các công ty nước ngoài “đấu thầu một số lượng lô dầu khí lớn chưa từng có tiền lệ ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc” để tăng cường mở rộng khai thác trên Biển Đông.

Tham vọng độc chiếm Biển Đông và cơn khát năng lượng của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông ngày 18/9: Tham vọng độc chiếm Biển Đông và cơn khát năng lượng của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Đánh giá về điều này, giới phân tích cho rằng động thái này của CNOOC có thể là nhằm phản ứng với thông tin Việt Nam - Ấn Độ nhất trí mở rộng hợp tác dầu khí trên Biển Đông bởi trước đó, Trung Quốc đã từng cảnh báo công ty Ấn Độ, ONGC Videsh Ltd., rằng hoạt động như vậy là “vi phạm chủ quyền Trung Quốc”.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Trung Quốc đang đẩy nhanh tham vọng khoan nước sâu bởi điều này còn phục vụ cho 2 lợi kích chiến lược lớn của Trung Quốc. Thứ nhất là khẳng định cho tuyên bố chủ quyền phi lý rộng khắp của nước này ở Biển Đông. Thứ hai là giảm sự phụ thuộc ngày càng lớn của Trung Quốc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. 

Khai thác dầu khí nước sâu giúp Trung Quốc vừa chứng tỏ nước này kiểm soát được các vùng nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong khi cho phép phát hiện những nguồn năng lượng mà Trung Quốc đang rất khát. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa mỏ khí mới được phát hiện mới có thể đóng góp cho sản lượng của CNOOC.

Giàn khoan Hải Dương 981 tuyên bố tìm thấy siêu mỏ khí ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 18/9: Giàn khoan Hải Dương 981 tuyên bố tìm thấy siêu mỏ khí ở Biển Đông. Ảnh minh họa

Trả lời phỏng vấn trên báo chí về thông tin giàn khoan Hải Dương 981 tuyên bố tìm thấy mỏ khí khổng lồ ở Biển Đông cùng việc Trung Quốc tăng cường xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa, PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế cho rằng Việt Nam không nên chỉ có những tuyên bố chung chung mà phải có hành động cụ thể hơn.

Theo phân tích của ông Diến, rõ ràng hành vi thay đổi bãi san hô, bãi đá Gạc Ma ở Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc triển khai trong thời gian gần đây là một bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng. Mọi động thái có thể thấy Trung Quốc thực sự có ý đồ thực hiện chiến lược độc chiếm và bành trướng trên Biển Đông.

 

 

Việc trồng dừa là Trung Quốc muốn làm xanh hóa đảo này, ý muốn dân sự hóa, biến một bãi cạn thành một đảo có sự sống, có nền kinh tế ở đây. Quan trọng hơn, giới chuyên môn thời gian qua đã chỉ ra việc Trung Quốc quyết tâm biến bãi Gạc Ma thành đảo nhân tạo lớn với sân bay có đường băng dài 2000m (Đủ sức cho máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 cất, hạ cánh). Hay nói khác đi là mưu đồ biến bãi Gạc Ma thành căn cứ quân sự khổng lồ đã lộ diện phần nào.

Ông Diến khẳng định, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo là bước đi leo thang còn nguy hiểm hơn cả việc đặt hạ giàn khoan Hải Dương 981 bởi Trung Quốc muốn biến đảo thành tàu sân bay vĩnh viễn.

Về mặt pháp lý họ còn muốn biến bãi Gạc Ma coi như một đảo để rồi được hưởng pháp lý như theo quy định của Công ước Luật biển 1982, điều 121. Tức là nếu bãi Gạc Ma trở thành một đảo, nó được hưởng ít nhất 12 hải lý của vùng lãnh hải, rồi hưởng 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế theo như khoản 3, điều 121 có quy định.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo còn nguy hiểm hơn đặt giàn khoan ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 18/9: Trung Quốc xây đảo nhân tạo còn nguy hiểm hơn đặt giàn khoan. Ảnh minh họa

Đây là mưu đồ sâu xa về mặt pháp lý và đương nhiên cũng là một câu chuyện tạo ra bàn đạp để khai thác kiểm soát ngư dân xuống đánh cá, thậm chí còn triển khai cả các hành vi bắt bớ. Sâu xa nữa có thể còn có ý đồ dân sự, biến đây thành cảng bảo dưỡng tàu thuyền, khu vực chế biến hải sản đánh bắt phi pháp trên vùng biển của Việt Nam.

Do đó, ông Diến nhấn mạnh Việt Nam phải khẩn trương đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, sử dụng một trong những công cụ hữu hiệu nhất là pháp lý. Phải đưa các bằng chứng pháp lý ra các cơ quan tài phán quốc tế, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tòa án công ước quốc tế, Tòa án luật biển quốc tế và các tổ chức quốc tế, kể cả diễn đàn ASEAN.

Minh Thùy

(tổng hợp từ Báo Đất Việt, Dân Trí)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang