Tình hình Biển Đông ngày 19/9: Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành "ao làng"

author 06:25 19/09/2014

(VietQ.vn) - Những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông trong thời gian qua cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang tìm mọi cách thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới đây trên báo chí, các bước đi của Trung Quốc trải dài từ Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ phối hợp quân sự và dân sự đều cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang tìm mọi cách thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông.

Gần đây, báo chí đã dẫn lời Bộ trường Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề xuất 4 nguyên tắc “dẫn đường chỉ lối” về tình hình Biển Đông. Ông Vương cho rằng, việc tranh chấp một số rạn san hô trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là vấn đề còn sót lại của lịch sử nên cần được ưu tiên giải quyết trước tiên.

Lật tẩy 4 chiêu bài mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 19/9: Lật tẩy 4 chiêu bài mới của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh News.cn

Thêm vào đó, Ngoại trưởng họ Vương lớn tiếng yêu cầu các nước khác tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) trong khi chính Trung Quốc là kẻ thường xuyên phá vỡ các điều khoản của công ước này bằng việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, tấn công tàu ngư dân Việt Nam hay mới đây là hành động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Gạc Ma.

Đồng thời, theo ý kiến của ông Vương, các cuộc đối thoại và tham vấn trực tiếp giữa các quốc gia liên quan tới vụ tranh chấp lãnh hải này nên được tôn trọng. Và cuối cùng, ông Vương đề nghị, các bên nên tôn trọng các nỗ lực mà Trung Quốc và khối ASEAN thực hiện trong nỗ lực nhằm duy trì và ổn định trong khu vực. Ngoài ra, ông Vương khuyến cáo cần hạn chế vai trò của các quốc gia ngoài khu vực (chẳng hạn như Mỹ) trong việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông.

Tình hình Biển Đông hôm nay thêm căng thẳng vì âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông hôm nay thêm căng thẳng vì âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Có thể dễ dàng nhận ra, 4 nguyên tắc của Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông cũng không phải là quá mới mẻ. Lý do là bởi chúng đã được các nhà ngoại giao Trung Quốc đề cập thường xuyên trong những năm qua. Nhìn chung, các nguyên tắc mà Trung Quốc áp dụng liên quan đến tình hình Biển Đông đều thất thường và chỉ mang tính lý thuyết bởi chúng ngược lại hoàn toàn so với  những hành động ngang ngược, khiêu khích của Bắc Kinh trong thời gian qua.

Hành động cụ thể mới đây nhất chính là việc 25 năm sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép Gạc Ma và 6 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại một lần nữa bất chấp luật pháp và sự phản đối của dư luận quốc tế, tìm cách cải tạo, mở rộng lấn chiếm quy mô lớn, biến rạn san hô ngầm này trở thành đảo nhân tạo nhằm từng bước thâu tóm và độc chiếm biển Đông.

Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “ao làng”

Tình hình Biển Đông ngày 19/9: Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “ao làng”. Ảnh minh họa

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, từ một bãi đá ngầm nửa nổi nửa chìm, Gạc Ma hiện nay đã trở thành một hòn đảo nhân tạo với những kết cấu rất rõ ràng của một cảng nước sâu, một cầu tàu quy mô lớn, một sân đỗ rộng với đường băng khá dài... Theo như bản quy hoạch do báo chí Trung Quốc tiết lộ, quân đội Trung Quốc đang có ý định biến Gạc Ma trở thành một căn cứ quân sự hỗn hợp không thể chìm với đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật, thông tin...

Đáng lo ngại hơn, những gì đang diễn ra ở Gạc Ma chỉ là một phần điển hình trong kế hoạch rộng lớn, tham vọng và phi pháp của Trung Quốc đối với biển Đông. Trung Quốc cũng đang tiến hành cải tạo, lấn chiếm quy mô lớn ở các đá Châu Viên, Huy Gơ, Gia Ven và Xu Bi... Đây thực sự là những nguy cơ đe dọa đối với hòa bình, ổn định của cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

 

 

Việt Nam và các nước trong khu vực luôn cảnh giác trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông

Rõ ràng là, những hoạt động ngang ngược trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà còn đi ngược lại chính những “nguyên tắc vàng” mà chính phủ nước này luôn rêu rao trong việc giải quyết các tranh chấp khu vực. 

Bên cạnh đó, những hành động gây hấn này còn tạo ra một thực trạng mới hết sức nguy hiểm ở Trường Sa và biển Đông. Một khi Trung Quốc hoàn thành việc mở rộng lấn chiếm và bố trí lại lực lượng của họ ở khu vực, sẽ tạo ra một tương quan lực lượng mới rất nguy hiểm với ưu thế vượt trội về mọi mặt thuộc về Trung Quốc.

Trước tình hình trên, Việt Nam cần phải có hành động sớm và kiên quyết phản đối những việc làm sai trái, đơn phương và có tính khiêu khích của Trung Quốc cả trên các mặt trận pháp lý, truyền thông và ngoại giao.

Minh Thùy

(tổng hợp từ Dân Trí, Kiến Thức)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang