Tình hình Biển Đông ngày 22/9: Trung Quốc mở rộng Gạc Ma làm bàn đạp tấn công khu vực

author 06:40 22/09/2014

(VietQ.vn) - Tình hình trên Biển Đông tiếp tục có những diễn biến căng thẳng khi các hình ảnh vệ tinh từ Tổ chức Quốc phòng và Không gian Airbus cho thấy sự phát triển đáng kể và quan trọng của một hòn đảo nhân tạo mọc lên tại đá Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) mà Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp).

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo tin tức từ hai chuyên gia James Hardy và Sean O'Connor trên tạp chí IHS Jane’s, nếu như đầu năm nay, cơ sở duy nhất ở Gạc Ma mới chỉ là nền bê tông nhỏ, dành cho hạ tầng thông tin liên lạc, tòa đồn trú và bến tàu, thì hiện nay, cơ sở này đã được xây dựng thành một hòn đảo có diện tích khoảng 100.000 m2.

bãi đá gạc ma

Tình hình Biển Đông căng thẳng khi TQ tiếp tục mở rộng bãi Gạc Ma. Ảnh minh họa

Trung Quốc đã xây dựng một đê chắn sóng bê tông tăng cường xung quanh toàn bộ hòn đảo nhân tạo này. Ngoài ra còn có bến cảng tàu hàng hóa tự hành (ro-ro), bến cảng tàu bốc xếp congtainer với 1 cầu tàu ở phía Tây Bắc. Một tòa nhà lớn được nhìn thấy ở phía Tây Nam cùng với các yếu tố khác bao gồm nhà máy khử muối, một nhà máy bê tông và một bãi chứa nhiên liệu.

Hai chuyên gia cũng dẫn các hình ảnh do truyền thông Trung Quốc công bố ngày 13/9 cho thấy, Bắc Kinh cũng đang xây dựng công trình tương tự tại đá Châu Viên. Hồi tháng 6, hệ thống theo dõi tự động AISLive của IHS Jane's cũng ghi nhận tàu Ting Jing Hao, một tàu thực hiện nạo vét hầu hết công trình khai hoang của Trung Quốc ở Trường Sa, đến đá Châu Viên ba lần kể từ tháng 9 năm ngoái, lần gần nhất là ngày 10/4 và ngày 22/5 vừa qua. Ting Jing Hao cũng đến đá Ga Ven, ở trung tâm của Trường Sa và gần tới đảo Ba Bình. Các hình ảnh do Chính phủ Philippines công bố tháng trước cho thấy Trung Quốc xây dựng khá quy mô ở đá Ken Nan, nằm trong cụm Sinh Tồn.

Hai chuyên gia nhận định ở các đá nói trên, Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo xung quanh nền bê tông được xây dựng từ thập niên 1980 và 1990. "Các hoạt động của Bắc Kinh ở Trường Sa trong 12 tháng qua là thách thức lớn với hiện trạng Biển Đông khi họ tạo nên các cơ sở có năng lực hỗ trợ binh lính đồn trú ở các khu vực rất gần với các điểm mà các nước khác chiếm giữ ở Trường Sa".

Lịch sử các cuộc xung đột ở Biển Đông cho thấy rằng các căn cứ này có thể được sử dụng như bàn đạp cho các cuộc tấn công nhằm vào các đảo/đá/rặng san hô gần đó, mặc dù cho đến nay Trung Quốc vẫn dùng thủ đoạn nhấn mạnh yêu sách (vô lý, phi pháp) bằng lực lượng tàu biển bán quân sự và thủ đoạn phong tỏa.

Theo công ước  Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định rõ rằng trong trường hợp có tranh chấp thì các bên kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Năm 2002, Trung Quốc cũng đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) với ASEAN, trong đó các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Do vậy, hành động của Trung Quốc đã vi phạm cả tinh thần lẫn nội dung của 2 thỏa thuận trên. 

“Mỹ mới là kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông”

tàu sân bay của Mỹ

Tàu sân bay của Hải quân Mỹ trên Biển Đông, tình hình Biển Đông ngày 22/9 tiếp tục căng thẳng. Ảnh minh họa

Theo tờ “Dân tộc”/The Nation Thái Lan ngày 17 tháng 9 đăng bài viết nhan đề “Bắc Kinh dùng sách lược xảo quyệt kiểm soát Biển Đông: xây đảo”Theo bài báo, ở bề ngoài, các nước láng giềng Việt Nam, Philippines mới là người “chiếm lĩnh” trực tiếp các đảo, đá ngầm ở Biển Đông, nhưng Mỹ mới là đối thủ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi vì Mỹ luôn không thừa nhận Trung Quốc có “chủ quyền tuyệt đối” đối với Biển Đông, Quân đội Mỹ tự do đi lại ở khu vực này như chỗ không người.

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ thường xuyên đi lại ở những vùng biển này, 1/3 dầu mỏ và hơn 1 nửa khí đốt hóa lỏng của thế giới đều phải đi qua Biển Đông để cung cấp cho châu Á tiêu thụ.

Trước tình hình TQ tăng cường cải tạo biến đá thành đảo ở Trường Sa hoàn toàn được lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh kiểm soát, dường như ông Tập Cận Bình cũng muốn thông qua động thái này để nắn gân phản ứng của Mỹ đến đâu trong vấn đề Biển Đông khi Washington đang bị kéo vào các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Ukraine.

V.A (T/h theo Giaoduc, Đspl)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang