Tình hình Biển Đông ngày 24/10: Việt Nam khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo

author 06:50 24/10/2014

(VietQ.vn) - Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động đơn phương làm thay đổi hiện trạng biển Đông, cụ thể là ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trung Quốc mở rộng bãi đá Chữ Thập là bất hợp pháp

Trong đổi với báo chí trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao mới đây, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã có nhiều chia sẻ xoay quanh việc Trung Quốc mở rộng Bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta, trong đó có việc xây dựng sân bay trái phép tại đây.

Bà Phạm Thu Hằng khẳng định, “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị." Đồng thời, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.”

Tình hình Biển Đông ngày 24/10: Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Tình hình Biển Đông ngày 24/10: Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh SCMP

Đá Chữ Thập bị Trung Quốc đánh chiếm bất hợp phát từ năm 1988 và hiện nằm dưới sự quản lý của cái gọi là "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam. Bắc Kinh đã xây dựng một bãi đáp trực thăng, một bến tàu, một tòa nhà hai tầng, một nhà kính 500 mét vuông và triển khai 200 binh sĩ trên đá này. Đá Chữ Thập được đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược với Trung Quốc, bởi không có căn cứ nào của nước ngoài quanh nó trong vòng bán kính 70 km. Bãi Chữ Thập cách bờ nam lục địa Trung Quốc tới khoảng 740 hải lý nhưng lại nằm gần bờ biển Việt Nam.

Vì lý do này, giới phân tích cảnh báo hoạt động bồi đắp đất hiện nay của Trung Quốc đã biến Bãi đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa và việc mở rộng này vẫn chưa dừng lại, có thể biến nơi đây thành một tiền đồn quan trọng cho các hoạt động quân sự cũng như thương mại của Trung Quốc.

Tổng thống Philippines quyết theo đuổi vụ kiện Biển Đông

Phát biểu tại một diễn đàn quốc tế gần đây, Tổng thống Benigno Aquino cho hay Philippines đang tìm kiếm một phương thức dàn xếp tranh chấp trên Biển Đông được quốc tế công nhận. Các nước trong khu vực và cả các nước đang sử dụng tuyến đường biển này đều lo ngại các mâu thuẫn có thể leo thang thành bạo lực. 

Tình hình Biển Đông ngày 24/10: Tổng thống Philippines phát biểu trước phóng viên quốc tế

Tình hình Biển Đông ngày 24/10: Tổng thống Philippines phát biểu trước phóng viên quốc tế. Ảnh Rappler

Bên cạnh đó, tổng thống Philippines cũng khẳng định phương thức duy nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp Biển Đông là qua tòa án trọng tài, và xây dựng bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc. Lý do là bởi theo ông Aquino, tình hình biển Đông bất ổn ảnh hưởng đến không chỉ các nước trong khu vực mà còn cả các nước phải lưu thông qua vùng biển đặc biệt này.

Cũng trong buổi họp báo này, tổng thống Philippines thừa nhận, “ngoài phương pháp theo đuổi vụ kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế ra, tôi không biết chúng tôi có thể làm gì khác". "Trọng tâm là đạt được một thỏa thuận thông qua các biện pháp hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế", ông Aquino nói.

Được biết, Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan, về tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc với hầu hết Biển Đông nhưng Bắc Kinh từ chối ra tòa. Trung Quốc cảnh báo hành động của Philippines có thể gây tổn hại đến quan hệ hai nước và muốn giải quyết bất đồng một cách song phương. Ngoài ra, Philippines và các nước trong ASEAN cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý, tiếp sau Tuyên bố về Nguyên tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Dân Trí, Vnexpress)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang