Tình hình biển Đông ngày 24/5: Thêm 3 kiểm ngư bị thương

author 08:34 24/05/2014

(VietQ.vn) - Các chuyên gia, học giả người Việt tại Đại học Harvard và Đại học Massachusetss Boston cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tướng Mỹ lên án Trung Quốc

Báo Hanoimoi dẫn thông tin từ hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết, ngày 23/5, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Sammuel Locklear đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trong vùng biển Việt Nam.
Chỉ huy quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương đã cảnh báo rằng nguy cơ tính toán sai lầm của Trung Quốc có thể gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực.
Đô đốc Samuel Locklear nói với các phóng viên sau khi kết thúc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á ở Manila, Philippines
Đô đốc Samuel Locklear kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc cùng đẩy nhanh việc hoàn thành "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) làm cơ sở pháp lý để ngăn chặn "rạn nứt" biến thành xung đột vũ trang có thể đe dọa nền kinh tế nhộn nhịp của khu vực.

Locklear nói rằng ông lo ngại về diễn biến suốt ba tuần qua gần quần đảo Hoàng Sa và kêu gọi hai bên cùng giải quyết các cuộc xung đột lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế.

"Tôi vô cùng quan ngại" - AP dẫn lời Đô đốc Samuel Locklear nói với các phóng viên sau khi kết thúc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á ở Manila, Philippines - Việc tính toán nước đi sai lầm có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn trên Biển Đông.

"Theo tôi, người duy nhất có thể kiềm chế Trung Quốc, chính là Trung Quốc", Locklear nói.

Liên quan đến các vấn đề trên Biển Đông, các nhà ngoại giao Đông Nam Á cũng cáo buộc Trung Quốc đã trì hoãn việc đàm phán về một hiệp ước như vậy để có thời gian củng cố sự kiểm soát của các vùng lãnh thổ của các quốc gia khác. 

Thứ trưởng Ngoại giao Philippines, Laura del Rosario cũng cho biết việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có thể bị ảnh hưởng xấu bởi những diễn biến gần đây trong khu vực Biển Đông. Đặc biệt là việc Trung Quốc tuyên bố độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản về một cụm đảo.

Năm ngoái, Philippines đã đệ đơn kiện chống lại Bắc Kinh trước một tòa án quốc tế ở The Hague.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Tin tức trên Chinhphu.vn cho biết, trong cuộc hội kiến chiều 22/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã sớm lên tiếng ủng hộ lập trường chính đáng và hợp pháp của Việt Nam, đồng thời kêu gọi hai nước cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ phản đối các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình ổn định.

Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ Nhật Bản đặc biệt quan ngại về những căng thẳng trong khu vực xuất phát từ hành động Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát và tuân thủ luật pháp và ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, với việc Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài, Nhật Bản sẽ tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sang Việt Nam.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp ông Tsutomu Takebe, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam; ông Yano Kaoru, Phó Chủ tịch Liên đoàn các Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), Chủ tịch Tập đoàn NEC; ông Ken Matsuzawa, Chủ tịch Điều hành Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC).

Tại các cuộc tiếp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai quốc gia cũng như nhân dân hai nước Việt Nam, Nhật Bản có sự đóng góp tích cực của Liên minh Nghị sỹ Nhật Bản-Việt Nam; các hoạt động ngoại giao nhân dân cũng như từ chính các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa và kêu gọi các doanh nghiệp khác đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Đại diện các tổ chức Nhật Bản khẳng định sự ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam đối với sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, các cam kết khu vực; phản đối các hành vi đơn phương dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng.

Tàu lai dắt Trung Quốc hung hãn đâm tàu Việt Nam
Tin tức trên tờ Tienphong cho hay, sáng 23/5, tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 (được biệt danh là đĩa bay) của Trung Quốc đã hung hãn đâm húc vào tàu Kiểm ngư HP 926 của Việt Nam khiến tàu kiểm ngư này bị hư hại nặng. Hành vi của tàu Hữu Liên 9 đã bất chấp luật pháp quốc tế gây nguy hiểm cho tính mạng các kiểm ngư viên Việt Nam.

9h ngày 23/5, các tàu CSB, kiểm ngư của Việt Nam tiếp tục thực hiện quyền chấp pháp trên vùng biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép. 

10h Biên đội tàu Kiểm ngư 4 gồm các tàu HP926, 768, 769, 770 và CSB 4032 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 và chi viện các mũi tiến sâu vào khu vực này. 

10h30 tàu CSB 4032 tiến sâu vào khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép khoảng 4 hải lý. Tàu CSB 4032 liên tục tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ngay lập tức các tàu bảo vệ của Trung Quốc áp sát tàu CSB 4032. Khi đó các tàu kiểm ngư 768, 769, 770 và HP 926 chia thành nhiều mũi cùng tiến vào khu vực này. Cùng lúc, dưới sự hỗ trợ của máy bay tuần thám, hải giám B 3808 của Trung Quốc ở độ cao 250 m, các tàu hải cảnh số hiệu 4001, 3701 của Trung Quốc hung hăng rượt đuổi tàu CSB 4032 của Việt Nam. Khi tàu HP 926 tiến vào chi viện cho tàu CSB 4032 thì tàu hải cảnh 3701 cùng tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc tăng tốc chặn đầu rượt đuổi tàu HP 926. Đặc biệt tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc hung hăng đuổi theo tàu HP 926 của ta, quyết tâm đâm bằng được tàu HP 926.

 Khi cách tàu HP 926 khoảng 30m, tàu Hữu Liên 9 hú còi mở vòi rồng áp lực cao phun vào tàu HP 926. Với ưu thế hơn về tốc độ, tàu Hữu Liên 9 của Trung Quốc đã tiếp cận húc đẩy nhiều lần nhưng tàu HP 926 đã chủ động né tránh. Mặc dù vậy phía tàu của Trung Quốc vẫn hung hăng quyết tâm đeo bám đến cùng, nhiều lần trườn lên tì đè tìm cách đâm va đẩy ủi vào mạn trái, mạn phải của tàu HP 926 của Việt Nam.

Lúc này trên tàu HP 926 liên tục phát thanh tuyên truyền về hành vi sai trái của tàu Hữu Liên 9 nhưng tàu này vẫn không ngừng bám theo. Các tàu kiểm ngư và CSB của Việt Nam gia tăng tốc độ di chuyển hình zích zắc nhằm tránh va chạm với các tàu Trung Quốc theo đúng đối sách không đẩy căng thẳng lên cao nhưng các tàu Trung Quốc vẫn không ngừng từ bỏ quyết tâm đâm vào các tàu Việt Nam.

Tàu Trung Quốc chuẩn bị phun vòi rồng

Đằng sau tàu HP 926, ngoài tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 còn có tàu hải cảnh 3701 của Trung Quốc kèm sát liên tục tìm cách cắt ngang mũi tàu HP 926. Trên bầu trời, máy bay tuần thám, hải giám B 3808 quần đảo nhiều vòng.

Thuyền trưởng tàu HP 926 Nguyễn Cao Duy vẫn kiên cường, bình tĩnh xử trí các tình huống cơ động vòng tránh làm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị tàu Trung Quốc tấn công va húc, tổ chức các vị trí cảnh giới quan sát tuyên truyền tăng cường đề cao cảnh giác không để mắc mưu khiêu khích của tàu Trung Quốc.

Trên tàu HP 926 các kiểm ngư viên đều vào vị trí cảnh giới chỉ thị mục tiêu chuẩn sát với tư thế và hành động hiên ngang vững chắc để đảm bảo an toàn cho tàu.

Lúc 11h tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 của Trung Quốc đã đâm mạnh vào mạn trái của tàu HP 926. Cú đâm với tốc độ cao khiến toàn bộ nhân viên kiểm ngư, phóng viên trên tàu cảm nhận được dư chấn rất mạnh. Trước đó tàu Hữu Liên 9 cũng nhiều lần đâm mớm vào khoang lái tàu của HP 926. Chỉ sau cú đâm va chí mạng này, tàu của Trung Quốc mới từ bỏ sự đeo bám tàu HP 926.

Theo thuyền trưởng tàu HP 926 Nguyễn Cao Duy, hành vi đâm húc vào mạn trái tàu HP 926 của tàu Hữu Liên 9 là rất nguy hiểm với tốc độ cao, khoảng 13 hải lí/h quay trở 90 độ với hướng đâm chính ngang cho thấy quyết tâm phá hoại tàu của ta. Tàu này đã hung hãn kê mũi lên mạn trái của HP 926 kéo xuống sau lái và làm chấn động kết cấu của tàu HP 926. Có thể nói đây là hành động cực kỳ nguy hiểm và hung hãn, có thể dẫn tới hậu quả thủng và chìm tàu gây mất an toàn, đe dọa tính mạng của toàn bộ các thành viên trên tàu kiểm ngư của Việt Nam.

Hậu quả tàu HP 926 của Việt Nam bị hư hại từ khoảng sườn 27 về sau lái khoảng 17 m, ống thông hơi téc dầu thu hồi và téc nước thu hồi chắn số 2 mạn trái bị hỏng và gãy. Khoang chân vịt trái bị biến dạng.

Mỹ ủng hộ Việt Nam

Tin tức tờ Tuổi trẻ cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố VN đang cân nhắc biện pháp pháp lý với Trung Quốc tại biển Đông khi trả lời báo chí quốc tế tại Philippines, người phát ngôn Nhà Trắng cũng ra tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Việt Nam.

“Mỹ có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế, các hoạt động giao thương hợp pháp không bị ảnh hưởng cũng như quyền di chuyển hàng hải và hàng không tự do ở biển Đông - ông Patrick Ventrell nói về tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Mỹ ủng hộ việc sử dụng các biện pháp ngoại giao và hòa bình, trong đó có việc sử dụng tòa trọng tài hay các cơ chế pháp lý quốc tế khác để giải quyết các bất đồng”.
Sau chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhật báo Wall Street Journal trích lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định việc Việt Nam tham gia sẽ tăng trọng lượng cho vụ kiện của Philippines tại tòa. “Nếu Việt Nam quyết định tham gia là vì lợi ích của chính họ, đồng thời đó cũng là lợi ích của chúng tôi” - ông nói.
Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Bá Chung thuộc Viện nghiên cứu William Joiner, Đại học Massachusetts Boston. (Ảnh: Quang Tuyến-Lê Dương/Vietnam+)
Thông tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo giới quốc tế nói Việt Nam đang “cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế” đã thu hút được sự chú ý của các học giả quốc tế. “Việt Nam thực tế có thể kết hợp với Mỹ (hơn) thông qua Philippines” - giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nói với báo giới - Một vụ kiện chung hay riêng cũng sẽ khiến áp lực nhắm vào Trung Quốc.
Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế
Liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các chuyên gia, học giả người Việt tại Đại học Harvard và Đại học Massachusetss Boston cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Thông tin được đăng tải trên TTXVN.
Các học giả cũng đánh giá cao các biện pháp phản ứng mà Việt Nam đã và đang thực hiện và nhận định về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Dưới đây là một số ghi nhận của phóng viên TTXVN tại New York,
Tiến sỹ Ngô Như Bình, Chủ nhiệm Chương trình Tiếng Việt thuộc Bộ môn Văn minh và Ngôn ngữ Đông Á, Đại học Harvard nói: "Là một người Việt Nam, tôi cực lực phản đối hành động của Trung Quốc đã đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Tại sao Trung Quốc lại hành động như vậy? "
Theo tôi nghĩ, mục tiêu về kinh tế không phải là mục tiêu quan trọng mà mục tiêu chính trị có lẽ rõ ràng hơn. Trung Quốc có tham vọng rất lớn tại Biển Đông và 'đường lưỡi bò' là sự thể hiện rất rõ tham vọng bành trướng ấy.
Tại hội thảo về biển đảo do tôi đứng ra tổ chức tháng Một năm nay tại Havard, tôi đã mời các chuyên gia nước ngoài để nghe ý kiến của họ. Đường lưỡi bò không được ai thừa nhận cả.
Về cách phản ứng của Việt Nam trước hành động của Trung Quốc, tôi thấy có nhiều dấu hiệu rất đáng mừng." 
Riêng về sự cố đáng tiếc xảy ra do biểu tình tự phát bị lợi dụng, Tiến sĩ Ngô Như Bình cho rằng việc này đã gây ra hậu quả hết sức tai hại, nghiêm trọng về kinh tế và chính trị nhưng "rất mừng là Chính phủ Việt Nam đã khởi tố, nghiêm trị những kẻ cầm đầu.
Ông Bình cũng cho rằng thời điểm này là thời điểm Việt Nam có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế và nên tham khảo kinh nghiệm của Philippines và ý kiến các chuyên gia luật pháp quốc tế.
Tiến sỹ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên Trường Luật Harvard thuộc Đại học Harvard cho rằng: "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) luôn đòi hỏi các bên thương nghị và cả hòa giải trước khi đem ra các thủ tục bó buộc. Vì thế các cuộc thương nghị ngoại giao song phương, đa phương phải luôn có. Nếu thương nghị song phương mà bá quyền lấn áp, phải dùng thương nghị đa phương qua ASEAN. 
Theo luật sư này, một nền ngoại giao đa phương đã có thể làm chùn bớt hành vi hung hăng của Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể đưa vấn đề ra Đại hội đồng Liên hợp quốc hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc là áp lực công luận quốc tế, có thể làm chùn bước Trung Quốc.
Tiến sỹ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên Trường Luật Harvard thuộc Đại học Harvard. (Ảnh: Quang Tuyến-Lê Dương/Vietnam+)
Đây là thủ tục có thể làm bất cứ khi nào có đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, cụ thể là việc Trung Quốc đem chiến hạm đe dọa và dùng các thủ đoạn vũ lực với lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam.
Ông cũng phân tích rất kỹ về các khả năng Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và khẳng định để đưa ra vụ kiện, Việt Nam cần phải hiểu rõ lập luận của Trung Quốc về vị trí giàn khoan và chuẩn bị đầy đủ các bằng chứng pháp lý.
Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Bá Chung thuộc Viện nghiên cứu William Joiner, Đại học Massachusetts Boston nói: "Tôi có theo dõi báo chí từ khi Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng biển chủ quyền Việt Nam, tôi rất vui khi thấy quốc tế nói chung không có cảm tình với hành động của Trung Quốc và rất đáng mừng là Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của thế giới.
Thêm vào đó, người dân cả trong nước và ngoài nước đã rất năng nổ trong việc chống lại hành động sai trái của Trung Quốc. Trước đó, đã có những hiểu lầm ở ngoại quốc là Việt Nam trao đất trao biển cho Trung Quốc. Nhưng quan điểm của chính phủ Việt Nam vừa rồi rất rõ ràng, nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, sẽ có những biện pháp kế tiếp, và điều này đã xóa được những sự hiểu lầm trước kia và do đó nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam trên khắp thế giới.
Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã tạo ra một phản ứng mạnh tại cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ lần đầu tiên thấy Trung Quốc trực tiếp xâm phạm hải phận của Việt Nam, hết sức ngang ngược và không có cớ gì để làm chuyện đó. Họ có trao đổi bàn luận nhiều trong cộng đồng, tất cả đều chống đối.
Ông cho rằng chính hành động vừa qua của Trung Quốc đã khiến cộng đồng người Việt ở nước ngoài gần gũi hơn với cộng đồng trong nước. Còn với giới học giả tại Mỹ nói chung và tại Boston nói riêng, họ đều thấy việc làm của Trung Quốc là không hợp lý. Vấn đề họ bàn thảo hiện nay là Mỹ nên làm gì để đối phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông. 
Thái độ hiện tại của Việt Nam đối với Trung Quốc rất hợp lý, mình chọn con đường hòa bình trước, nếu không giải quyết được sẽ có biện pháp kế tiếp, chẳng hạn đưa ra tòa án quốc tế giống như Philippines đã làm. "Tôi tin chắc với lịch sử làm chủ các hòn đảo đó của Việt Nam trong quá khứ, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng," chuyên gia này khẳng định.
Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể sẽ không ra tòa vì họ biết họ thua, nhưng cả thế giới sẽ thấy rằng quyết định của Trung Quốc là sai và Trung Quốc khó có thể tiếp tục dùng sức mạnh để đàn áp các nước khác tại Biển Đông./.

 

 

Đan Trường (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang