Tình hình biển Đông ngày 2/6: Tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng tàu Việt Nam

author 07:20 02/06/2014

(VIetQ.vn) - Khoảng 16h10 chiều 1/6, có mặt trên tàu Cảnh sát Biển 2016, phóng viên chứng kiến tàu Trung Quốc số hiệu 46105 phun vòi rồng và cố tình đâm tàu Cảnh sát Biển 2016 thủng 4 lỗ, vết thấp nhất cách mực nước biển 40 cm, dài 50 cm và rộng 3 cm.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trước đó, tin tức trên tờ Tuoitre cho biết, có những cuộc tấn công sử dụng cả máy bay đe dọa, kèm vòi rồng và đâm va vào các tàu Việt Nam ở vị trí phía Tây nam của giàn khoan Hải Dương 981.

Khoảng 6g, khi phát hiện các tàu Việt Nam đang di chuyển về phía giàn khoan Hải Dương 981 ở khoảng cách 8,5 hải lý, Trung Quốc đã điều hàng chục tàu lao ra, sử dụng 2-3 tàu để kèm chặt một tàu Việt Nam.

6g20 sáng, khi chỉ cách tàu kiểm ngư 769 khoảng 100m, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã phun vòi rồng vào tàu KN 769. Tuy nhiên do ngược chiều gió nên một lượng lớn nước từ vòi rồng đã bay ngược trở lại tàu hải cảnh. Tàu KN 769 đã cơ động thoát ra khỏi tầm phun và thoát được tàu hải cảnh 46001 đang hướng đâm trực diện vào tàu.

Tình hình biển đông tiếp tục căng thẳng với những hành động bạo ngược của Trung Quốc

Đến 6g25 phút, tàu hải cảnh 3210 đã đuổi theo và phun vòi rồng thẳng vào tàu KN 635. Ngoài ra, Trung Quốc còn khoảng 20 tàu hải cảnh, hải giám và tàu kéo, tấn công các tàu kiểm ngư và CSB của Việt Nam, liên tục ủi vào đuôi tàu, phát loa công suất cao với lời lẽ xuyên tạc về chủ quyền vùng biển Hoàng Sa của  Việt Nam.

Cuộc tấn công kéo dài hơn 1 giờ. Đến 7g30 sáng các tàu Trung Quốc mới rút về tập trung xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 8 hải lý.

Vào lúc 8g45 phút, tàu CSB 8001 đã ghi nhận được hình ảnh của máy bay trinh sát điện tử số hiệu 81223 bay vòng phía trên các tàu chấp pháp Việt Nam. Máy bay này đã thực hiện bay 2 vòng ở độ cao khoảng 200m.

Đến 11g30, Trung Quốc tiếp tục điều hai máy bay cánh bằng CMS số hiệu P 3843 và P 3586 quần thảo trên các tàu Việt Nam trong khoảng 20 phút ở độ cao khoảng 300 m. Sau đó các máy bay này bay trở lại về hướng giàn khoan Hải Dương 981.

Tin mới trên tờ Tienphong lược ghi từ VTV cho biết, 11h45 trưa ngày 1/6, khi ở khoảng cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 10 hải lí thì tàu 46001 và 6 tàu khác của Trung Quốc chạy với tốc độ ca ra ngăn cản vây ép các tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư của Việt Nam thực thi nhiệm vụ chấp pháp trên biển.

Các tàu của Trung Quốc luôn áp sát phía sau các tàu của Việt Nam khoảng cách chỉ từ 20 – 30 m.

Đáng chú ý, tàu Trung Quốc có số hiệu 46102 với sự hỗ trợ của hai tàu kéo đã ép sát tàu Kiểm ngư 635 trong vòng 3 hải lí và dùng vòi rồng để đe dọa tàu Kiểm ngư 635.

Vào lúc 12h20 hai máy bay cánh bằng của Trung Quốc có số hiệu CMS-3843 và CMS-3586 đã lượn nhiều vòng trên tàu Cảnh sát Biển 2016 và các  tàu Kiểm ngư của Việt Nam với độ cao hơn 200 m.

16h10 chiều 1/6, có mặt trên tàu Cảnh sát Biển 2016, phóng viên chứng kiến tàu Trung Quốc mang số hiệu 46105 phun vòi rồng và cố tình đâm va tàu Cảnh sát Biển 2016.

Một cú đâm quá mạnh vào bên mạn phải tàu Cảnh sát Biển 2016 đã khiến chiếc tàu này thủng 4 lỗ. Vết thấp nhất cách mực nước biển 40 cm dài 50 cm và rộng 3 cm.

Trước sự vây ép của tàu Trung Quốc thì các cán bộ trên tàu Kiểm ngư và các chiến sĩ trên tàu Cảnh sát Biển vẫn luôn bình tĩnh và xử lí tình huống cơ động vòng tránh và đấu tranh tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tin mới trên tờ Tuoitre cũng nói rằng, tại đối thoại Shangri-la ở Singapore hôm 31-5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Mỹ sẽ tiếp tục duy trì việc thúc đẩy xây dựng năng lực của các đồng minh và đối tác trong khu vực, như tiến hành 130 cuộc tập trận và tương tác, 700 chuyến tàu viếng thăm mỗi năm ở khu vực

Ông cũng nhắc lại việc Mỹ sẽ chuyển các vũ khí hiện đại nhất tới đây. “Năm tới, hải quân Mỹ sẽ lần đầu tiên đưa tàu đổ bộ tốc độ cao (JHSV) đến châu Á - Thái Bình Dương, ngoài ra một tàu ngầm chiến lược cũng sẽ được triển khai tới căn cứ quân sự ở Guam. Bốn tàu chiến đấu tuần dương sẽ được triển khai tới đây từ năm 2017. Và tới năm 2018, tàu khu trục hiện đại lớp Zumwalt sẽ bắt đầu vận hành ở Thái Bình Dương” - ông thông báo.

Ở khu vực, ngoài việc bán máy bay Apache cho Indonesia, ông Hagel khẳng định Mỹ sẽ tích cực hỗ trợ quân đội Philippines củng cố khả năng trên biển và trên không.

Mỹ cũng sẽ cung cấp máy bay chiến thuật thế hệ 5 (mới nhất) cho Nhật và Úc, triển khai thêm hai tàu phòng thủ tên lửa đạn đạo tới Nhật.

Mỹ và ASEAN cũng muốn tăng cường việc chia sẻ thông tin, hợp tác trên biển và tăng cường việc tập trận chung giữa các nước.

Theo các chuyên gia, việc Mỹ tăng cường quân sự tại khu vực biển Đông sẽ giúp giảm được các căng thẳng, như lần Mỹ đưa tàu sân bay tới Đài Loan năm 1996 giúp giảm nguy cơ chiến tranh hai bờ khi đó.

“Không cần phải đến tàu sân bay, chỉ cần vài tàu khu trục cũng đủ để gửi tín hiệu cho Trung Quốc là Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các nước” - một chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế nói với Tuổi Trẻ.

Ông Hagel cũng bày tỏ ý muốn ủng hộ nỗ lực của Nhật để “định hướng lại khái niệm quốc phòng tập thể của họ”, lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, để đảm bảo là liên minh Mỹ - Nhật thích ứng với môi trường an ninh mới cũng như năng lực của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

 

Đan Nguyên (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang