Tình hình biển Đông ngày 26/5: Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam

author 08:42 26/05/2014

(VietQ.vn) - Tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng ở Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981).

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật

 


Theo tin mới nhận, lúc 16 giờ ngày 26/5, tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng ở Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và cách giàn khoan này 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 10/10 ngư dân trên tàu cá Đà Nẵng được các tàu của Việt Nam vớt và cứu hộ an toàn. Tại thời điểm xảy ra sự việc, có 40 tàu cá Trung Quốc ngang ngược bao vây nhóm tàu cá của Việt Nam, thông tin này vừa được đăng tải trên Vietnamplus.

Tin tức trên tờ TTXVN cho biết, ngày 26/5, bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm, phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi sai trái, bất hợp pháp. 

Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu các tổ chức tài phán quốc tế, kể cả Liên hợp quốc, bác bỏ việc Trung Quốc viện dẫn cho mình có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trả lời phỏng vấn của báo chí. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bởi khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Mọi hành động khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác là vi phạm, Trung Quốc không thể đơn phương, tùy tiện làm việc đó nếu không có sự đồng ý của quốc gia ven biển có vùng đặc quyền kinh tế. 

Là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, Quốc hội Việt Nam sẽ triển khai nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế, buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam; đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và luôn mong muốn giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc. 

Phương châm hành động của Quốc hội thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; phù hợp với tình hình thực tế diễn ra và đem lại những tác động, hiệu quả mạnh mẽ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Hằng, tình hình Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa hòa bình cũng như ổn định trong khu vực. Hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam. 

Quốc hội đã thảo luận và có thông cáo số 2. Đây là thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước, đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. 

Thông điệp này không những được cử tri, nhân dân trong nước ủng hộ mà qua theo dõi, dư luận thế giới cũng đồng tình với các biện pháp của Việt Nam. 

Dư luận quốc tế hiện đang bày tỏ quan ngại đối với tình hình “nóng” ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra; lên án hành động phi pháp của Trung Quốc; coi hành động của Trung Quốc là khiêu khích nguy hiểm, xâm phạm chủ quyền, đe dọa ổn định và hòa bình trong khu vực…. 

Ông Nguyễn Văn Hằng cho rằng, thông qua các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, Quốc hội Việt Nam cần phối hợp với Bộ Ngoại giao thông tin cho Quốc hội các nước hiểu rõ được bản chất vụ việc. Qua đó, Quốc hội các nước có tiếng nói trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Xác nhận thông tin giàn khoan Trung Quốc được dịch chuyển, chiều 26/5, trao đổi với Zing News, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, cho biết giàn khoan 981 có dịch chuyển hơn 100 m qua quan sát radar nhưng không chắc là dịch chuyển chủ ý của Trung Quốc. Sự thay đổi vị trí đó được xác định trên AIS (radar) nhưng chỉ có biểu hiện dịch chuyển “một chút”.

“Chúng tôi đang kiểm tra lại xem đó có phải là lỗi kỹ thuật hay không. Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ xem xét cụ thể, sau đó mới đánh giá được động thái này”, Thiếu tướng Đạm cho biết.

Vị Tư lệnh cảnh sát biển cho hay, trên radar, giàn khoan có biểu hiện dịch chuyển hơn 100 m. Tuy nhiên, khoảng cách di chuyển này cũng có thể do tác động của kỹ thuật, không chắc đã phải là chủ ý của Trung Quốc. “Sự dịch chuyển trên radar là rất nhỏ nên khó có thể đánh giá được vì nằm trong quy định số sai sót được phép. Điều đó có nghĩa là, không chắc sự dịch chuyển đó là chủ ý của Trung Quốc vì nếu không, hôm nay (giàn khoan) đã dịch chuyển nhiều rồi”, Tư lệnh cảnh sát biển Nguyễn Quang Đạm thông tin.

Thông tin thêm về diễn biến quanh khu vực giàn khoan 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam ngày 26/5, Thiếu tướng Đạm cho biết, “chưa có đột biến gì”. Tình hình “yên ổn” đang diễn ra liên tiếp từ hôm qua (25/5) cho đến hôm nay (26/5). Lực lượng chức năng Việt Nam vẫn liên tục theo dõi sát sao và tổ chức đưa tàu ra vào xung quanh khu vực giàn khoan 981 bình thường. “Trung Quốc có rút một vài tàu nhưng không đáng kể trên tổng số 130 tàu. Có thể họ hành quân hay thay quân thôi", tướng Đạm cho biết.

Báo Tuoitre dẫn thông tin từ Báo South China Morning Post  cho biết, khoảng 200 người Việt Nam ở đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) hôm 25-5 đã tổ chức một cuộc tuần hành phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Tờ báo này nhận định đây là cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc đầu tiên diễn ra ở ngay trên vùng lãnh thổ này. Dẫn đầu đoàn tuần hành là một nam thanh niên trẻ cầm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những người tuần hành, trong đó có nhiều người Việt Nam là công dân Hong Kong và nhiều người Việt đang sinh sống, học tập ở đặc khu này. Họ mặc áo đồng phục cờ đỏ sao vàng có in dòng chữ “Hướng về biển Đông”, cầm quốc kỳ Việt Nam, hát những bài ca yêu nước và hô vang khẩu hiệu phản đối Trung Quốc bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Hoa cùng biểu ngữ “Chúng tôi yêu hòa bình”, “Rút giàn khoan 981 khỏi biển Việt Nam” và “Chúng tôi cần cộng đồng quốc tế giúp đỡ”.

Đoàn tuần hành ôn hòa từ trụ sở chính quyền Hong Kong đến văn phòng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở đặc khu Hong Kong. “Trung Quốc, một đất nước mà cả thế giới biết đến, hiện nay đang xâm phạm vùng biển chủ quyền của chúng tôi. Chúng tôi yêu đất nước của mình. Hôm nay chúng tôi tuần hành ở đây vì muốn Trung Quốc rời khỏi lãnh hải Việt Nam, chúng tôi không muốn chiến tranh xảy ra” - Reuters dẫn lời một trong những người tổ chức cuộc tuần hành.

Hàng chục cảnh sát Hong Kong đã được triển khai để theo dõi đoàn người tuần hành nhưng không ngăn chặn.

Kiểu ngụy biện “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” sẽ khiến nhiều quốc gia trên thế giới bừng tỉnh, hình thành những liên minh chống lại các hoạt động quá đáng, khiêu khích của nước này”, Th.s Hoàng Việt (ĐH Luật TP Hồ Chí Minh), chuyên gia nghiên cứu biển Đông, trao đổi với Tiền Phong.
Th.s Hoàng Việt nói: Trung Quốc luôn có tham vọng rất lớn để trở thành cường quốc số một trên thế giới. Mà để trở thành cường quốc số một, Trung Quốc phải trở thành một cường quốc biển. Vì thế nước này đặt mục tiêu cho việc tiến ra đại dương thông qua việc chiếm biển Đông làm bàn đạp để tiến tới vươn ra khống chế Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thực hiện chiến lược của mình, Trung Quốc đã tìm mọi cách để thể hiện sức mạnh, việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 cũng là nằm trong một bối cảnh sâu xa như vậy.
Th.s Hoàng Việt
Trung Quốc luôn xem xét phản ứng của thế giới sau các hành động của họ. Đánh giá tình hình thế giới đang có những biến động và với sức mạnh càng ngày càng gia tăng của mình, Trung Quốc đã thực hiện các hành động hung hăng một cách leo thang. Những hành động này rất chặt chẽ, luôn để lần sau mạnh hơn lần trước và không để tình hình quá căng. Đến lúc căng nhất thì Trung Quốc sẽ tìm cách hạ nhiệt. Tuy nhiên, không vì thế mà Trung Quốc dừng lại, họ lại tiếp tục với cường độ cao hơn trong những thời điểm mà họ tính toán chi ly sao cho có lợi cho họ nhất.
Trung Quốc cho rằng, họ đã làm tốt trong việc “độc chiếm” biển Đông một cách từ từ, nhưng sự phản ứng của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia khác trên thế giới đã cho thấy hiệu ứng ngược đối với hành động này. Nhiều quốc gia sẽ bừng tỉnh trước kiểu ngụy biện “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” của họ. Thực tế cho thấy, Trung Quốc càng trỗi dậy bao nhiêu thì tham vọng bá quyền của họ ngày càng lớn bấy nhiêu, cho nên hiện nay đang hình thành những liên minh chống lại các hành động quá đáng của Trung Quốc. Và điều đó sẽ dẫn đến sự cô lập đối với Trung Quốc trong quốc tế. Có thể kể đến những liên minh trong khu vực châu Á đang hình thành. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra cũng rất chậm, không phải trong chốc lát.

Điểm yếu của Trung Quốc trong vụ giàn khoan này là họ không có một cơ sở pháp lý nào, vì vậy họ không nhận được sự ủng hộ nào của cộng đồng quốc tế, họ không có chính nghĩa và họ thực sự bộc lộ bản chất áp đặt, chiếm đoạt bằng cách sử dụng cường quyền. Điều này sẽ không tồn tại được lâu trong một thế giới văn minh ngày nay.

Nếu Việt Nam không ngăn chặn được giàn khoan này thì Trung Quốc sẽ có cơ lấn tới trong những lần sau, và cứ thế, tương lai Việt Nam sẽ không còn được quyền khai thác cũng như sử dụng các vùng biển của mình theo luật pháp quốc tế quy định. Và nếu Trung Quốc đã làm thành công với Việt Nam thì họ sẽ làm tương tự với các quốc gia khác. Và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, hòa bình của khu vực cũng như trên thế giới, bởi một Trung Quốc muốn áp đặt cường quyền lên thế giới.

Tin tức trên Tuoitre cho hay, những ngày trước, máy bay trinh sát và trực thăng Trung Quốc thường xuyên bay ở độ cao thấp gần tàu chấp pháp Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 25-5, lực lượng kiểm ngư không ghi nhận sự xuất hiện của máy bay Trung Quốc.

Thế nhưng, liên tục trong vài ngày gần đây, các tàu Trung Quốc đã mở rộng phạm vi ngăn cản các tàu chấp pháp Việt Nam khi tàu chúng ta cách giàn khoan 10-12 hải lý (thay vì chỉ từ 5-8 hải lý so với những ngày trước).

Khoảng 50 tàu cá vỏ sắt tải trọng lớn của Trung Quốc di chuyển thành hàng dài. Khoảng cách giữa các tàu Trung Quốc với nhau chỉ vài chục mét, tốc độ di chuyển nhanh, nối đuôi nhau tạo thành một rào cản trên phạm vi hơn 1 hải lý trên mặt biển.

Giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 của Trung Quốc ở khu vực biển cách Hong Kong 320km

Khoảng cách giữa các tàu cá Trung Quốc khi di chuyển ngang các tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu kiểm ngư Việt Nam rất gần.

Do đó, các tàu chấp pháp Việt Nam luôn chủ động vòng tránh để không xảy ra va chạm. Ghi nhận từ Cảnh sát biển Việt Nam cho biết trong ngày 25-5 tình hình khá yên ắng, không có sự va chạm nào đáng kể. Số lượng tàu dân sự Trung Quốc hiện diện nhiều hơn.

Theo thông tin từ phóng viên Đài truyền hình Việt Nam tại hiện trường ngày 25-5, theo hướng nam tây nam và ở khoảng cách 10 hải lý đã ghi nhận sự dịch chuyển nhất định vị trí của giàn khoan Hải Dương 981.

Đây là thông tin đáng chú ý trước động thái mở rộng khu vực bảo vệ giàn khoan ở khoảng cách xa hơn của các tàu Trung Quốc trong những ngày gần đây.

Tuy nhiên, khi trao đổi với Tuổi Trẻ lúc 21g15 ngày 25-5, một lãnh đạo của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: “Chúng tôi có nghe một vài thông tin về sự dịch chuyển này. Nhưng những tàu gần nhất báo về không ghi nhận hiện tượng dịch chuyển của giàn khoan Hải Dương 981. Chúng tôi đang xác minh, kiểm tra về thông tin này. Nếu giàn khoan có dịch chuyển trên biển khoảng 100m cũng rất khó xác định bằng mắt thường và cả máy móc. Tuy nhiên, hôm trước chúng tôi đã quay được rất rõ hình ảnh dấu hiệu mũi khoan cắm xuống biển. Nhưng hôm nay (ngày 25-5) không thấy mũi khoan nữa”.

Trả lời trên Infonet, TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ cho rằng: Giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đây là hành động ngang ngược vi phạm luật pháp quốc tế. Trước hết phải khẳng định Việt Nam đã áp dụng, công bố những biện pháp hoàn toàn hợp lý, trước việc Trung Quốc đã và đang vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, đặc biệt là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng với một lực lượng tàu, máy bay hùng hậu hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Có thể lý giải trên mấy vấn đề sau:

Về vấn đề thứ nhất, trong cuộc đấu tranh để đẩy lùi cuộc “xâm lược mềm” của Trung Quốc, chúng ta cũng đã chứng kiến, được biết, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước cũng như lực lượng chức năng đã triển khai đồng loạt các hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như:  kịp thời đấu tranh chính trị, ngoại giao, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến thông tin kịp thời chính xác về mọi diễn biến trên thực địa, định hướng dư luận, kêu gọi sự đoàn kết, ủng hộ của mọi người, mọi tổ chức, mọi  quốc gia khu vực và quốc tế… 
Những hoạt động đó tuân theo phương châm kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán với các bên có liên quan, có tính đến việc sử dụng mọi biện pháp cần thiết và thích hợp khác để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của đân tộc Việt Nam trên Biển Đông…
Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24  tại Myanmar đã thể hiện khá đầy đủ thiện chí và quyết tâm của Việt Nam trước nhưng diễn biến phức tạp và nguy hiểm xuất phát từ hành động của Trung Quốc mới đây. Đặc biệt là những hành động bất chấp luật pháp và đạo lý của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động của  giàn khoan Hải Dương 981.

 

Về việc khởi kiện Trung Quốc, ông Trục cho hay: Việc kiện phân định lãnh thổ là không thể thực hiện được, vì thế Philippines phải đưa ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế về việc Trung Quốc giải thích và áp dụng sai Công ước LHQ về Luật Biển. Như vậy, Tòa trọng tài mới có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và sẽ  tiến hành xét xử .

Tuy nhiên, vấn đề thi hành án sẽ gặp khó khăn, vì khi Trung Quốc không chịu thi hành, bên thắng kiện phải nhờ Hội Đồng Bảo An LHQ can thiệp. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết. Chẳng hạn, Điều 39 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã quy định: “Hội đồng Bảo an xác định sự tồn tại mọi sự đe doạ hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.” Nhưng điều 27 lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Từ năm 1945, năm thành lập LHQ, đến năm 2012 đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89, Anh 32, Pháp 18 và Trung Quốc 9…

Đó là một thực tế cần được tính toán kỹ trước khi khởi kiện.

 

 

 

 

Đan Nguyên (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang