Tình hình Biển Đông ngày 27/10: Chuyên gia bình luận quan điểm của Nga về vấn đề biển Đông

author 06:10 27/10/2014

Trên trang web của Đài “Tiếng nói nước Nga” có những bài viết thể hiện quan điểm “bàng quan” của Nga về vấn đề chủ quyền trên biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng trên biển Đông

Trong 2 bài viết của mình là “Trung Quốc xây dựng đường băng quân sự trên đảo ở Biển Đông” và “Khi Trung Quốc tăng cường khả năng quốc phòng trong khu vực tranh chấp” ra lần lượt vào ngày 8/10 và 15/10, Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” đã đưa tin về việc Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hiện trạng trên biển Đông và đưa ra quan điểm của các học giả Nga về vấn đề này.

Bài viết cho biết, gần đây các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã công bố bức ảnh đường băng mới xây dựng trên hòn đảo Phú Lâm (tên Trung Quốc là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đường băng này có thể bố trí các máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc, nâng cao khả năng khống chế không phận trên biển Đông khu vực.Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang đẩy nhanh việc thi công các công trình trên đảo Phú Lâm, trong đó có cả xây dựng cầu cảng dành cho tàu chiến và những phương tiện khác. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng Trung Quốc có thể biến hòn đảo này trên Biển Đông thành một quần thể căn cứ hỗn hợp không quân và hải quân.

Theo đánh giá của các chuyên viên phân tích quân sự, việc xây dựng các đường băng quân sự không chỉ hạn chế ở đảo Phú Lâm của Hoàng Sa. Trước đó, trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc và nước ngoài đã xuất hiện thông báo về kế hoạch xây dựng căn cứ ở khu vực đá Chữ Thập (tên Trung Quốc là Vĩnh Thử).Thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai số lượng lớn hoạt động hút cát, đá để bồi đắp bãi đá nằm trong khu vực rạn san hô cách bờ biển Việt Nam 250 dặm (khoảng 400km), thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam thành các đảo nhân tạo cực lớn.

Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc Biển Đông Việt Nam

Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc Biển Đông Việt Nam. Ảnh minh họa

Được biết, kích thước của đảo nhân tạo ít nhất cũng sẽ gấp hai lần kích thước căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Trong tương lai, ở đây sẽ xuất hiện sân bay quân sự, cầu cảng và các công trình thi công quân sự khác của Trung Quốc với đầy đủ chức năng. Việc triển khai các dự án đào đắp đảo nhân tạo sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc có cơ hội thiết lập mở rộng qui mô vùng nhận dạng phòng không khu vực Biển Đông. Việc xây dựng các công trình thi công tương tự trên các đảo đá khác ở Biển Đông đã được Bắc Kinh triển khai từ tháng 11 năm ngoái.

Như vậy, Trung Quốc đang ngày càng ráo riết phô trương về "lợi ích chiến lược trái phép" của mình trong khu vực tranh chấp. Ban lãnh đạo Trung Quốc chính thức công bố chính sách biến đất nước thành một cường quốc đại dương. Thực tế gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, nơi có những tuyến đường hàng hải quan trọng, là tương ứng với khái niệm này.

Chuyên viên Nga nổi tiếng, GS Dmitry Evstafiov nêu ý kiến với phóng viên đài "Tiếng nói nước Nga" rằng, hành động của Trung Quốc đang gây ra phản ứng chống đối gay gắt từ các nước trong khu vực, mà trước hết là từ Việt Nam. Tranh chấp bùng phát trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội đe dọa nghiêm trọng sự bình ổn của khu vực, nảy sinh câu hỏi là, mâu thuẫn của các bên sẽ đi xa đến đâu? Ông Evstafiov cho rằng, hiện ông không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ tình hình xung quanh quần đảo Hoàng Sa sẽ chuyển sang quĩ đạo thuần túy vũ lực. Bởi vì, dù đang phát triển nhanh Trung Quốc ngày nay vẫn không đủ khả năng để đồng thời xoay xở đối phó trong hai tình huống gắn với tranh chấp lãnh thổ.

Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc từng hạ đặt trái phép trong phạm vi Biển Đông Việt Nam

Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc từng hạ đặt trái phép trong phạm vi Biển Đông Việt Nam. Ảnh minh họa

Trung Quốc còn có tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông xung quanh quần đảo Điếu Ngư (tiếng Nhật là Senkaku). Đặc biệt cần tính đến yếu tố thực tế là bên phía các nước tranh chấp với Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines… có Mỹ hậu thuẫn hoặc đóng vai trò ủng hộ.Theo quan điểm của chuyên viên Nga, cả hai tình huống tranh chấp sẽ duy trì ở trạng thái âm ỉ. Bùng phát nóng nhất là những hoạt động phản đối khi một bên trắng trợn phô trương hiện diện kinh tế trong vùng biển tranh chấp, kiểu như giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt từ tháng 5 đến tháng 7 ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bàn về chính sách “cào bằng quan hệ” của Nga

Ông Evstafiov nhấn mạnh, điều quan trọng là các bên tranh chấp cần phải kiềm chế không để cuộc xung đột chuyển sang vòng xoáy của xung đột quân sự. Tuy nhiên, vị học giả này không chỉ ra được nguyên nhân khiến căng thẳng không biến thành xung đột quân sự chủ yếu do thái độ kiềm chế và tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam, Philippines, Nhật Bản… 

Ông này đưa ra quan điểm là Nga không phải là thành viên cuộc tranh chấp ở Biển Đông, vì thế Moscow sẽ không đứng về bên nào. Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov tuyên bố, Moscow cho rằng sự can thiệp của nước thứ ba vào việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực quan trọng này là phản xây dựng.

Những luận điểm trên của các quan chức và học giả Nga đã được định hướng theo chính sách “cào bằng quan hệ” của Nga. Bề ngoài chính sách này của Nga giống như thái độ của một kẻ không có lập trường, “dĩ hòa vi quý” - không muốn làm mất lòng ai - nhưng về bản chất đó là chính sách “cào bằng quan hệ”, “chọn bạn không phân biệt tốt-xấu”.

Trung Quốc tăng cường xây đảo nhân tạo nhằm thay đổi hiện trạng trái phép trên biển Đông

Trung Quốc tăng cường xây đảo nhân tạo nhằm thay đổi hiện trạng trái phép trên biển Đông. Ảnh minh họa

Ông Aleksandr Lukin, Phó Giám đốc Học viện ngoại giao Nga mới đây cũng đưa ra luận điểm là trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước châu Á, Nga cần phải có “quan hệ bình đẳng, thái độ không thiên lệch” đối với tất cả các nước, bởi “tất cả các nước đó đều là đối tác của Moscow”. Giải pháp hòa bình của Nga có lợi cho tất cả các bên xung đột, đơn giản vì Moscow duy trì liên hệ thương mại - kinh tế và chính trị với tất cả các nước, và không để mình sa vào tình huống phải thực hiện sự lựa chọn duy nhất, thí dụ, giữa Trung Quốc - Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay là giữa Trung Quốc với Ấn Độ.

Khi đã thực thi chính sách này - với Nga - không có khái niệm về một quốc gia yêu chuộng hòa bình mà cũng không cần biết một quốc gia khác có gây nguy hại cho hòa bình và an ninh thế giới hay không, mà đơn giản: Tất cả mọi nước đều là những đối tác có thể quan hệ để kiếm lợi cho Moscow.

Để thực hiện chính sách này, Nga cương quyết không tham gia vào những cuộc xung đột chủ quyền và không thiên về hỗ trợ bất kỳ bên nào - đây là luận điểm được Moscow cho là đúng đắn nhưng vấn đề quan trọng là Nga không tham gia và cũng không hề đưa ra chính kiến về vấn đề đúng-sai trong những tranh chấp đó.

Phó Giám đốc Viện ngoại giao Nga Aleksander Lukin bình luận về tình hình Biển Đông hiện nay

Phó Giám đốc Viện ngoại giao Nga Aleksander Lukin bình luận về tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh minh họa

Thời gian qua, Nga cũng triển khai hàng loạt dự án hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên với tham vọng là “nhân tố mang lại hòa bình và ổn định ở đông Á”. Tuy nhiên, cũng giống như vấn đề Biển Đông, Moscow cũng không hề đưa ra chính kiến trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông.

Nhiều học giả quốc tế đã bình luận về chính sách trên và cho rằng, việc Nga không tham gia vào những cuộc xung đột chủ quyền và không hỗ trợ bất kỳ bên nào cũng là điều hợp lý nhưng với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm, Moscow cần phải cất tiếng nói trong những vấn đề cần phải thể hiện vai trò của 1 trong 5 Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Nga cần phân biệt và làm rõ những tranh chấp do những khúc mắc khách quan mà lịch sử để lại với những hành động cố tình gây tranh chấp để phục vụ cho lợi ích của một quốc gia nào đó và cất lên tiếng nói khách quan, công bằng về các sự vụ quốc tế, còn nếu cứ “dĩ hòa vi quý” như vây thì đâu phải là tư thái của một nước lớn trên chính trường quốc tế?

Một số học giả quốc tế đã đặt câu hỏi: Vậy tại sao Nga lại kêu gọi quốc tế ủng hộ mình trong vấn đề bị Mỹ và EU bao vây, trừng phạt? Nếu ai cũng như Nga, không bày tỏ chính kiến trong các sự vụ quốc tế, vậy ai sẽ là người cất lên tiếng nói ủng hộ Moscow? - Đây chính là điểm mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của của điện Kremlin.

Theo Báo Đất Việt

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang