Tình hình biển Đông ngày 28/7: Trung Quốc thành lập chính quyền phi pháp ở Hoàng Sa

author 06:21 28/07/2014

(VietQ.vn) - Tình hình biển Đông có dấu hiệu nóng trở lại do Trung Quốc thành lập chính quyền phi pháp và xây dựng trái phép ở Hoàng Sa cũng như tăng cường các hoạt động quân sự nhằm thị uy ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

 

Trung Quốc thành lập chính quyền thị trấn phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa

Theo những thông tin gần đây trên báo chí, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc là tập trung cải tạo các đảo ở Hoàng Sa để tiếp tục đòi yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin, Trung Quốc vừa tuyên bố thành lập bộ máy chính quyền cấp thị trấn trên đảo Phú Lâm để thực hiện cái gọi là "quản lý nhà nước" đối với đảo Phú Lâm, đảo Đá (thuộc nhóm An Vĩnh, nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) và các vùng biển phụ cận nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm, kiểm soát Biển Đông của chính quyền Bắc Kinh.

 

Tình hình Biển Đông hôm nay ngày 28/7: Trung Quốc tăng cường hoạt động phi pháp ở Hoàng Sa

Tình hình Biển Đông hôm nay ngày 28/7: Trung Quốc tăng cường hoạt động phi pháp ở Hoàng Sa. Ảnh minh họa

Được biết, chức năng của bộ máy chính quyền mới cấp cơ sở mà Trung Quốc dựng lên trái phép trên đảo Phú Lâm là đại diện cho cái gọi là "thành phố Tam Sa" để "quản lý" hành chính, thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường, ứng cứu khẩn cấp, phòng chống thiên tai, đảm bảo hậu cần cho ngư dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức và quản lý dân binh.

Trên thực tế, đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng là nơi Trung Quốc đang đặt trái phép trụ sở cái gọi là "thành phố Tam Sa". Hiện tại bộ máy cấp chính quyền cơ sở ở đây được gọi là Công ủy, Ủy ban quản lý đảo và chỉ trong vài năm tới Trung Quốc sẽ chính thức nâng cấp thành Ủy ban Thị trấn.

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton chỉ trích Trung Quốc lấn át láng giềng

Những tin tức mới đây trên báo chí cho hay trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tuần trước, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã thẳng thừng chỉ trích chính quyền Bắc Kinh trong cách hành xử với những nước láng giềng nhỏ hơn xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn trên báo chí, cựu tổng thống Mỹ đã chỉ ra sự khác biệt rõ ràng về tranh chấp Trung - Nhật xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông, và tranh chấp giữa Trung Quốc với những nước Đông Nam Á tại Biển Đông. Ông nói, “Không nhất thiết rằng, bên tiếp cận nguồn tài nguyên ở Hoa Đông và Biển Đông cũng như các ranh giới lãnh thổ vạch ra phải giống nhau.”

 

Tình hình Biển Đông hôm nay: Nhiều nước chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông hôm nay: Nhiều nước chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh minh họa

Liên quan tới tranh chấp Hoa Đông, ông Clinton cho biết, nếu Trung Quốc và Nhật Bản tranh cãi về một hai hòn đảo, thì phần còn lại của thế giới có thể nhìn thấy vì có cảm giác hai bên đang tranh cãi về chuyện nhiều hay ít hơn bởi hai nước này đều là những siêu cường của thế giới. Tuy nhiên, đề cập tới hành xử của Trung Quốc với các nước láng giềng như Việt Nam hay Philippines ở Biển Đông, cựu tổng thống Mỹ có cảm nhận khác biệt. 

Theo cựu tổng thống Bill Clinton, quan điểm của Trung Quốc là muốn giải quyết song phương với các nước bất đồng – và thực tế là những quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – vùng biển mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết diện tích kể cả các ranh giới lượn sát bờ biển nước khác đều nhỏ hơn Trung Quốc.

Cựu tổng thống Mỹ khẳng định, lập trường của Mỹ là ‘không quan tâm giải pháp là gì, nhưng cần có một giải pháp để Việt Nam, Philippines và những nước khác không bị lấn át bởi kích cỡ khác nhau giữa họ và Trung Quốc.’

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên vịnh Bắc Bộ và 3 vùng biển khác

Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, từ 4 giờ chiều ngày 25/7 đến 4 giờ chiều ngày 1/8, quân đội Trung Quốc sẽ tập trận 8 ngày ở Bột Hải và Hoàng Hải, cấm các tàu thuyền hoạt động trong khu vực này.

Cụ thể, từ 29/7 đến 6 giờ tối 2/8, quân đội Trung Quốc sẽ tập trận bắn đạn thật ở Hoa Đông khu vực giáp ranh với Nhật Bản, cấm các tàu thuyền qua lại. Từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều các ngày từ 26/7 đến 1/8, quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở khu vực vịnh Bắc Bộ giáp ranh với Việt Nam, cấm tàu thuyền qua lại khu vực này.

 

Tình hình Biển Đông “dậy sóng” vì hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự và thị uy của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông “dậy sóng” vì hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự và thị uy của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Điều này có nghĩa trong cùng một khoảng thời gian, quân đội Trung Quốc đồng loạt tổ chức tập trận trên 4 vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông với sự tham gia của 3 hạm đội. Theo một nguồn tin, hải quân Trung Quốc sẽ tập trung vào các nội dung tập trận tên lửa chống tàu ngầm, tên lửa phòng không, xạ kích pháo binh và kiểm tra năng lực tác chiến của các tàu ngầm mới hạ thủy năm ngoái.

Trước tình hình này, nhiều ý kiến nhận định các cuộc tập trận này được Trung Quốc triển khai đúng lúc căng thẳng leo thang với các nước láng giềng Nhật Bản, Việt Nam ở Hoa Đông và Biển Đông. Đáng chú ý là các hoạt động tập trận diễn ra ở Hoa Đông và vịnh Bắc Bộ. Các động thái quân sự của Trung Quốc diễn ra với thời gian, địa điểm hết sức nhạy cảm đối với khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, do đó cần hết sức chu ý theo dõi, đề phòng.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang