Tình hình biển Đông ngày 30/5: Thủ tướng đang cân nhắc biện pháp pháp lý

author 06:28 30/05/2014

(VietQ.vn) - "Trong lúc này, lãnh đạo chúng ta cân nhắc, tính toán để chọn thời điểm hoặc là chọn giải pháp thực sự cần thiết chúng ta sẽ tính tới sau này. Cho nên khi đi làm việc ở các nước, Thủ tướng cũng nói hiện nay chúng ta đang cân nhắc biện pháp pháp lý", Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP nói.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Chiều 29/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên.

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, hôm nay họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh, biểu dương lực lượng báo chí, trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam, hoạt động thông tin, tuyên truyền đấu tranh của chúng ta có hiệu quả nhất định. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chủ trì họp báo Chính phủ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chủ trì họp báo Chính phủ

"Chúng ta đã bày tỏ lòng yêu nước của mình trên mọi lĩnh vực. Về phía Đảng, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương đã nghe và thảo luận. Bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ: Tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Tại phiên họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trong phát biểu khai mạc đã khẳng định một lần nữa đối với tình hình này. Quốc hội cũng đã phát đi thông điệp 4 điểm. Chủ tịch nước cũng đã đến tận điểm nóng để xem, nghe, chia sẻ, để chỉ đạo và bày tỏ quan điểm rất rõ ràng lập trường xuyên suốt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hoạt động của Chính phủ trong những ngày qua thì các bạn cũng đã biết.

Thủ tướng Chính phủ đã có 2 lần hoạt động ngoài nước và phát biểu. Ở trong nước liên tục chỉ đạo bằng nhiều kênh, nhiều biện pháp, mọi lúc mọi nơi để thực hiện sự chỉ đạo của Đảng một cách quyết tâm, quyết liệt.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 5, Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận và thống nhất kết luận là tiếp tục kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đồng thời kiên nhẫn thực hiện mọi hành động, chân thành giữ tình hữu nghị chung. Một mặt đấu tranh kiên quyết, một mặt giữ vững môi trường ổn định. Bởi vì dân tộc ta đã chịu nhiều đau thương mất mát, chúng ta không muốn chiến tranh, hết sức tránh chiến tranh, mọi biện pháp của chúng ta đều trên cơ sở hòa bình.

Điểm nóng nhất trong tháng 5 này, sục sôi nhất trong tháng 5 này làm cho đồng bào, nhân dân phẫn nộ là việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Còn về tình hình KTXH, trong tháng 5 tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định theo chiều hướng tốt. Lạm phát thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Về phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh: Công nghiệp phát triển khá cao; nông nghiệp cũng có chiều hướng phát triển tích cực; xuất khẩu tăng; dự trữ ngoại tệ tăng; dịch vụ, nhất là du lịch cũng tăng... dù con số không phải là cao lắm chưa có gì đột biến nhưng chứng tỏ đã phục hồi. Các hoạt động văn hóa, xã hội diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, hạn chế là tổng cầu tiếp tục thấp, tín dụng chưa khởi sắc dù có cố gắng, nợ xấu chưa giải quyết được đúng theo tiến độ… Riêng số doanh nghiệp giải thể, phá sản không nhiều bằng thành lập mới nhưng con số còn rất lớn.

Tuy nhiên, có một sự việc là nhân dân ta do bức xúc, phẫn nộ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam trái phép, người dân biểu thị lòng yêu nước, tập trung biểu tình, bị kẻ xấu kích động, có những hành động vượt quá tầm kiểm soát dẫn tới manh động, vi phạm pháp luật. Dù Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo ổn định tình hình ngay trong đêm… nhưng hậu quả để lại rất đáng tiếc.

Chúng ta vẫn luôn tự hào là kinh tế, môi trường đầu tư, an ninh tốt, các nhà đầu tư cũng rất ngưỡng mộ điều này. Giờ đây chỉ vì sự việc như thế mà bị ảnh hưởng. Nói điều đó để thấy rằng nếu không có sự việc đó thì KTXH có thể phát triển tốt hơn. Ngay trong tháng 5 có những chỉ tiêu giảm, như du lịch giảm thấy rõ, xuất nhập khẩu ảnh hưởng thấy rõ, sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng…

Với sự chân thành, quyết liệt chỉ đạo hỗ trợ khắc phục khó khăn, ổn định tình hình, đến nay hầu hết doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Bạn bè, doanh nghiệp, các nước rất cảm kích trước sự chỉ đạo, ngăn chặn kịp thời và cam kết của chúng ta không để xảy ra lại các vụ việc đáng tiếc. Quan trọng nhất là chúng ta tạm giữ hành chính, khởi tố hình sự số người tham gia kích động và trực tiếp tham gia các hành vi vi phạm pháp luật, làm bạn bè quốc tế và doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Sau đó, lần lượt các Bộ trưởng và Thứ trưởng trả lời báo giới:

PV Thế Dũng, Báo Người Lao động: Khi dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar (tháng 5/2014), Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tại Phillipines (tháng 5/2014), và trả lời hai hãng thông tấn quốc tế lớn, Thủ tướng có nói rằng có thể sử dụng biện pháp pháp lý đối với vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo đúng luật pháp quốc tế. Xin hỏi Bộ trưởng, lúc này chúng ta đã tính làm những việc gì liên quan đến việc chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc?

PV Nghĩa Nhân, Báo Pháp luật TPHCM: Gần đây Thủ tướng trả lời phỏng vấn trên AP và Reuters trong đó có nói một ý: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.  Tôi muốn hỏi Bộ trưởng tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ hôm nay, Thủ tướng có nói rõ hơn ý nghĩa thông điệp này hay không?

Tôi cũng xin hỏi Trung tướng Hoàng Kông Tư, khi trong tình huống khẩn cấp xảy ra ở Bình Dương và Vũng Áng (Hà Tĩnh) thì các bộ, ngành ở Trung ương cũng như chính quyền địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt và khẩn cấp như vậy nên có tình trạng tạm giữ, bắt giữ khá lớn, nhưng chúng tôi theo dõi thông tin thì số lượng người bị tạm giữ, xử lý thiếu thống nhất lúc thì 800, lúc thì 1.000. Dư luận thì rất ủng hộ biện pháp quyết liệt nhưng đây là liên quan đến vấn đề quyền con người, quyền cơ bản của công dân vừa được Hiến pháp sửa đổi năm 2013 nhấn mạnh. Vì vậy, đề nghị Trung tướng Hoàng Kông Tư, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, cho biết số liệu chính thức của chúng ta: Thứ nhất là tại sao có con số đấy, thứ hai số liệu chính thức đến thời điểm này chúng ta đang tiếp tục tạm giữ để xử lý hình sự và làm thế nào để ngăn ngừa tính trạng có thể lạm dụng các biện pháp hình sự, biện pháp cưỡng chế nhà nướcquá mức, chống oan sai?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Chúng ta đều biết khi khởi kiện ra Tòa án Công lý hay Tòa án Trọng tài của quốc tế thì hồ sơ chứng lý là yêu cầu cần và đủ nhưng nó còn khía cạnh khác. Trong lúc này, lãnh đạo chúng ta cân nhắc, tính toán để chọn thời điểm hoặc là chọn giải pháp thực sự cần thiết chúng ta sẽ tính tới sau này. Cho nên khi đi làm việc ở các nước, Thủ tướng cũng nói hiện nay chúng ta đang cân nhắc biện pháp pháp lý. Nếu như Trung Quốc chịu ngồi lại, đàm phán, thực hiện các yêu cầu chúng ta đưa ra một cách chân thành như chúng ta thì tình huống có thể khác. Cho nên chỗ này có thể nói chúng ta đang tính toán, cân nhắc, chưa thể trả lời được là lúc nào, như thế nào.

Về câu hỏi của phóng viên liên quan đến trả lời phỏng vấn hai hãng thông tấn nước ngoài (AP, Reuters) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, chúng ta phải khẳng định tất cả mọi người dân Việt Nam khi tình huống mà đất nước cần thì đều thể hiện lòng yêu nước của mình ở mọi góc độ, và người lãnh đạo càng phải thể hiện mình trên mọi lúc, mọi nơi. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng tỏ rõ thái độ để góp tiếng nói của mình, cho cả thế giới biết rằng quan điểm, lập trường, bản lĩnh của chúng ta trước sau như một.

Trong hai chuyến công tác tại Myanmar và Philippines do Thủ tướng dẫn đầu, từng thành viên trong đoàn đều phải là những người có khả năng, điều kiện tiếp cận với bạn bè quốc tế không chỉ với sứ mệnh nói lên quan điểm, lập trường xuyên suốt, sự kiên quyết đấu tranh của Đảng ta mà còn bày tỏ thái độ để bạn bè quốc tế thấy rằng chúng ta có sự đấu tranh quyết liệt.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển VN

Trên quan điểm của chúng ta thực hiện như lời Bác Hồ dạy là “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái bất biến, quyền lợi tối thượng của Tổ quốc ta là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, gói gọn 10 chữ như thế. Cái đó là bất biến, thiêng liêng, không thể đánh đổi bất cứ điều gì và không chỉ ngay hôm nay và mãi mãi như thế. Chúng ta khẳng định điều này không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả bạn bè quốc tế. Cái bất biến của chúng ta là mọi người đều phải hiểu và đều phải hành động như thế, đặt Tổ quốc trên hết.

Trong tình hình vừa qua, sục sôi, phẫn nộ trước hành động ngang nhiên xâm lấn chủ quyền biển đảo, người dân đã tập hợp, mít tinh, tuần hành bày tỏ thái độ của mình, thì một số người đã bị kẻ xấu kích động, trong đó có những người, kể cả những người có dụng ý xấu, lợi dụng chỗ này để cướp của, đốt phá.

Lòng yêu nước, yêu Tổ quốc là chính đáng, cần phải trân trọng nhưng khi vượt quá tầm kiểm soát, dẫn tới manh động là không thể chấp nhận được cho nên trong tình huống khẩn cấp đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành, Bộ Công an nhanh chóng chỉ đạo Công an các địa phương ngăn chặn, quản thúc, bắt giữ những đối tượng manh động, quá khích, vi phạm pháp luật.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo thanh lọc ngay để xem ai là người thực sự yêu nước, tham gia bày tỏ thái độ của mình mà bị kích động, không kiềm chế được, có nghĩa là không có mưu đồ, không có dụng ý xấu thì xử lý hành chính, cảnh cáo, răn đe, giáo dục để cho họ ý thức được, cho gia đình bảo lãnh, số này rất nhiều. Phần khác là những đối tượng hình sự có tiền án, tiền sự, thành phần bất hảo, có hành vi cướp bóc rõ ràng thì phải xử nghiêm theo pháp luật.

Ngành Công an đã khởi tố trên dưới 100 vụ ở 3 tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh) và con số bị can trên con số đó một chút, mỗi tỉnh khoảng vài chục vụ. Và trong khi xử lý vấn đề này, chúng ta hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, đảm bảo không vi phạm nhân quyền, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Trung tướng Hoàng Kông Tư: Tiếp theo ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, tôi xin thông báo, ngay sau khi nhận được thông tin về hành vi của một số người, nhóm người vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các Thứ trưởng, lãnh đạo các Tổng cục đã trực tiếp xuống chỉ đạo tại các địa phương, huy động hàng ngàn CSCĐ để bảo vệ tài sản, tính mạng của các chuyên gia, công nhân người nước ngoài. Đồng thời, tạm giữ hành chính những người xét thấy cần thiết để ngăn cản, ngăn chặn hành vi vi phạm quá khích của họ và sau đó khẩn trương phân loại, có biện pháp giáo dục, buộc cam kết không tái phạm.

Đồng thời Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các Thứ trưởng đã họp và chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương khai thác làm rõ những người bị tạm giữ, cho đến nay, đã xử lý hành chính 526 người có hành vi trộm cắp tài sản và tự giác nộp lại tài sản, thành khẩn khai báo và cam kết không tái phạm.

Số còn lại, cơ quan Công an đã khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật, với các tội danh “gây rối trật tự công cộng”, “phá hủy tài sản”, “cướp tài sản”, “chống người thi hành công vụ”. Hiện nay các  cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp để sớm kết thúc, đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất, ví dụ Hà Tĩnh khởi tố hình sự 32 đối tượng về các tội danh như tôi vừa nói.

PV  Công Khanh báo Tiền phong: Việc đấu tranh để giành lại chủ quyền Hoàng Sa còn rất lâu dài, Chính phủ có nghĩ đến việc sẽ lập một Bộ chuyên trách để nhóm tất cả các lực lượng lại để chúng ta đấu tranh lâu dài với Trung Quốc và để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Sự thật là chúng ta đã chuẩn bị từ lâu cho việc đấu tranh trên biển. Chính phủ cũng vừa phân công một bộ phận chuyên sâu thuộc Bộ Ngoại giao để làm công việc tập hợp, nghiên cứu, mời chuyên gia nước ngoài tham khảo và thực hiện nhiệm vụ này. Xét về mặt tổ chức là chúng ta đã chuẩn bị rồi, mặc dù chúng ta không công bố. Đã có những người đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ này.

PV Minh Hường, Đài THVN: Được biết cách đây vài ngày, Bộ NNPTNN có trình Thủ tướng dự thảo phát triển ngành thủy sản, trong đó có những điều kiện rất ưu đãi để hỗ trợ ngư dân bám biển. Cách đây hơn một tháng thì Thủ tướng có nêu ra mức lãi suất ưu đãi là 5% cho ngư dân vay trong thời hạn dài là 10 năm. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng mức lãi suất có thể từ 2- 3%, thậm chí là 0%. Vậy xin được hỏi Bộ trưởng là đến bây giờ lãi suất và các điều kiện ưu đãi để hỗ trợ ngư dân bám biển đã được quyết định hay chưa, và dự thảo nghị định được cho là xây dựng ngắn nhất trong lịch sử từ trước đến nay thì khi nào dự kiến sẽ được ban hành?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Quyết định chính sách hỗ trợ cho đánh bắt xa bờ của ngành thủy sản thì hôm nay Chính phủ đưa ra dự thảo nghị định và được các thành viên Chính phủ thống nhất quan điểm, tiếp tục góp những ý kiến cụ thể hơn để sớm ra đời chính sách này. Tinh thần chung thống nhất tại hội nghị Chính phủ lần này, đó là chúng ta tính toán cho vay ưu đãi để phát triển tàu cá đánh bắt xa bờ, mà là tàu sắt, đảm bảo đi xa được, đánh bắt an toàn, có hiệu quả.

Tuy nhiên, người dân hiện nay đang ngại là vì thiếu vốn. Thời gian qua có vốn nhưng cơ chế cho người dân vay thì cũng không đảm bảo cho tiếp cận được, họ ngại không dám vay. Nay chính sách rất cụ thể, có nghĩa là tính toán để cho vay với lãi suất 3%/năm và cho vay 10 năm. Ân hạn 1 năm nữa cộng lại 11, 1 năm ân hạn là 1 năm chuẩn bị.

Và người đi vay thế chấp là thế chấp thân tàu, có bảo hiểm, thân tàu được bảo hiểm. Khi có rủi ro xảy ra thì Nhà nước có một chính sách đặc biệt, nếu rủi ro đó khách quan hoàn toàn thì chúng ta sẽ xử lí một cách theo đúng như vậy để người dân không bị thiệt, yên tâm tiếp tục ra khơi đánh bắt và đồng thời bảo vệ biển đảo của Việt Nam.

PV. Ngọc Quang- Báo Sài Gòn Giải phóng: Trong phiên họp Chính phủ có tính toán mức độ ảnh hưởng của việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép và đợt biểu tình vừa rồi tới các chỉ tiêu thu ngân sách và chỉ tiêu kinh tế- xã hội cuối năm không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Nền kinh tế của chúng ta có bị ảnh hưởng vì sự việc vừa rồi.

Còn việc chúng ta có tính toán, điều chỉnh chỉ tiêu gì hay không, với những giải pháp đã và đang thực hiện, Chính phủ tin tưởng và sẽ tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 01.

Chính phủ không bàn tới việc điều chỉnh chỉ tiêu. Chúng ta cũng có niềm tin, bởi những việc xảy ra tới giờ này đã được khắc phục cơ bản.

PV Phương Thủy, Báo Lao động: Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng có đưa ra đề xuất là Chính phủ nên tổ chức các tầu hậu cần cho ngư dân giúp họ giảm thiểu chi phí khi mà liên tục phải chạy ra chạy vào bờ. Xin hỏi ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và liệu ý kiến này có đưa được vào chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ mà Chính phủ đang bàn đến hay không. Trong một ý của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cũng có nói rằng, Sài Gòn Corp sẵn sàng thu mua cá đánh bắt từ Hoàng Sa và đặt tên cho thương hiệu này là cá Hoàng Sa, ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trước hết câu hỏi về những con tàu hậu cần của ngư dân đi biển có được hưởng những chính sách chung hay không thì tôi trả lời là có được hưởng.

Thứ hai là vấn đề một doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ với ngư dân ra biển, thu mua nguồn cá đánh bắt được mang thương hiệu Hoàng Sa, Trường Sa. Vấn đề này Chính phủ không bàn, bởi vì đây là việc của các doanh nghiệp và các ngành. Tôi nghĩ là những gì làm tốt cho đất nước, góp phần xây dựng Tổ quốc tốt hơn thì tôi nghĩ không ai cấm cản.

Phóng viên Bích Diệp, Báo Dân trí: Các chuyên gia cho biết căng thẳng biển Đông có thể tác động đến việc đạt tăng trưởng chỉ tiêu kinh tế vào cuối năm nay. Trong cuộc họp lần này các thành viên Chính phủ có bàn bạc về điều này không? Làm thế nào để giảm thiểu tác động của sự kiện lần này đến kết quả kinh tế cuối năm? Và làm thế nào để tăng tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư nước ta hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Sau sự việc manh động vi phạm pháp luật của một số người xảy ra,  động thái đầu tiên của Chính phủ là chỉ đạo nhanh chóng khắc phục, kèm theo là ban hành ngay những giải pháp hỗ trợ giúp đỡ.

Cụ thể là, các địa phương có doanh nghiệp bị thiệt hại đã tập trung tổ chức những đoàn công tác đến từng doanh nghiệp để tính toán, doanh nghiệp thiệt hại như thế nào sẽ bàn bạc tháo gỡ ở đó, nhưng thủ tục sẽ được rút nhanh, phần thiệt hại nào được hưởng bảo hiểm phải nhanh chóng làm thủ tục để được hưởng. Đối với công nhân sẽ có chính sách giải quyết, hỗ trợ lương trong những ngày không làm việc vừa qua.

Điều đó thể hiện thiện chí, trách nhiệm xã hội và chân thành vì sự việc đáng tiếc xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta. Từ đó, bạn bè, nhất là các doanh nghiệp cảm kích và chia sẻ thẳng thắn rằng sẽ tiếp tục tin tưởng, đầu tư sản xuất kinh doanh vì thấy được phía sau họ có Chính phủ, chính quyền, các ngành các cấp hỗ trợ. Hiện nay chúng ta còn nhiều hoạt động khác nữa như một lời cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự.

Phóng viên Báo Khoa học và Đổi mới: Trong phiên họp lần này, Chính phủ có tính đến tình huống sẽ có những thay đổi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc không và các giải pháp, kịch bản ứng phó với tình huống đó?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đến giờ này quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn phát triển bình thường. Mặt khác chúng ta tin tưởng người dân hai nước mong muốn yên bình để phát triển sản xuất, giao lưu kinh tế, buôn bán để cuộc sống phát triển.

Trên cơ sở đó, chúng ta tiếp tục quan điểm không có bất cứ động thái, chủ trương nào thay đổi chính sách mở cửa, giao thương với tất cả các nước.

Trung tướng Hoàng Kông Tư

Tất nhiên chúng ta phải chuẩn bị mở rộng thị trường, để thị trường nơi này khó khăn thì mở rộng sang thị trường khác. Còn nếu thị trường này vẫn phát triển thì chúng ta tiếp tục, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị như thế.

Còn các doanh nghiệp Trung Quốc thì họ nói vẫn hoạt động bình thường, họ mong muốn hòa bình, hữu nghị, tiếp tục làm ăn. Do đó không có hướng thay đổi nào, không có một chủ trương nào trong việc này.

PV Hoàng Tuân - Chất lượng Việt Nam: Qua sự việc đáng tiếc ở các khu công nghiệp vừa qua Chính phủ có biện pháp gì để đảm bảo quyền lợi hơn cho những người công nhân và chúng ta phải có chế tài gì để những DN, đặc biệt là DN tư nhân, có trách nhiệm tạo điều kiện để công nhân được thưởng thức văn hóa tinh thần, nâng cao trình độ dân trí chứ không phải như những cái máy, đi làm về lại vào các phòng trọ rất chật chội.

Thứ hai, qua sự việc lần này, chúng ta có kế hoạch tăng cường các biện pháp về nghiệp vụ để nắm bắt kịp thời tâm tư của công nhân, cũng như cách ứng xử của DN với công nhân, từ đó có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Sự việc vừa qua xảy ra gây thiệt hại cho một số DN có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do người dân bức xúc với hành vi của Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam rồi bị kích động, nhưng cũng có một phần bức xúc tích tụ của công nhân trong chính sách lương, thái độ đối xử, nhà ở... Khi cơ quan công an lọc ra thì phát hiện một số trường hợp này. Ở đây có phần hạn chế của chúng ta trong thời gian qua là nắm tình hình chưa tốt.

Làm gì để nắm bắt tâm tư tình cảm và những vấn đề có liên quan của công nhân, từ đó kịp thời ngăn ngừa những hành động xấu có thể xảy ra, câu hỏi này rất hay. Thủ tướng đã chỉ đạo các nơi rút kinh nghiệm, tổ chức các ngành, các cấp phải nắm tình hình tư tưởng của công nhân, ví dụ qua tổ chức công đoàn cũng như những hệ thống khác, ở địa phương thì nắm bắt từ phía gia đình, các tổ hội. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, ngăn ngừa những hành động xấu có thể xảy ra.

Trung tướng Hoàng Kông Tư: Theo kết quả điều tra bước đầu cho thấy nguyên nhân dẫn đến hành động vi phạm pháp luật trước hết là hành động ngang ngược của phía Trung Quốc làm cho người dân phẫn nộ, bức xúc. Thứ hai là mâu thuẫn giữa công nhân với các chủ DN. Thứ ba là hành vi kích động của một số tội phạm hình sự để cướp phá, cướp tài sản. Thứ tư là có sự kích động, xúi giục của kẻ địch, mà chúng tôi đã phát hiện, bắt giữ, để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật. Tổ chức phản động có tên là Việt Tân đã kích động, xúi giục.

Sau khi sự việc xảy ra, được giải quyết kịp thời, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã họp, chỉ đạo công an các địa phương rút kinh nghiệm, làm rõ những nguyên nhân, tồn tại để khắc phục, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ theo Luật An ninh quốc gia cũng như là Luật Công an nhân dân đã quy định. Trong đó có biện pháp phát động quần chúng đồng tình với đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, không nghe sự xúi giục của kẻ xấu, kể cả sự kích động của kẻ địch bên ngoài, trên mạng; tăng cường lực lượng bảo vệ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, cho DN nước ngoài, kể cả lập thêm một số đồn công an mới để đảm bảo an ninh trật tự, tính mạng, tài sản, để các DN, công nhân yên tâm làm việc. Đấy là những giải pháp mà Bộ Công an đang tăng cường chỉ đạo và tin tưởng rằng nhất định sẽ không xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật như vừa rồi.

Phóng viên Việt Anh, Báo Gia đình xã hội: Trong trường hợp xấu nhất, từ nay đến 15/8, Trung Quốc nhất định không rút giàn khoan tại Việt Nam, họ chỉ rút theo kế hoạch và ý định ban đầu của họ. Vậy thì Việt Nam sẽ làm gì sau khi Trung Quốc rút?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Thủ tướng Chính phủ đã kết luận mấy ý như sau: Thứ nhất, chúng ta tiếp tục đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, dù rằng chúng ta đã làm nhưng chưa kết quả. Chúng ta vẫn tăng cường thiện chí của mình, thể hiện sự chân thành của mình trên diễn đàn đấu tranh ngoại giao, tiếp tục bằng nhiều cách.

Thứ hai, chúng ta cũng kêu gọi phía Trung Quốc rời giàn khoan và tàu thuyền hộ tống khỏi vùng biển Việt Nam. Việc này chúng ta ngày càng phải làm mạnh hơn, làm cương quyết hơn, rộng hơn. Trong quá trình đó chúng ta phải giữ không để cho kẻ xấu kích động, tạo sơ hở.

Thời gian qua chúng ta làm như vậy nhưng Trung Quốc có những thông tin ngược lại vu cáo chúng ta, nói rằng tàu chúng ta quấy nhiễu. Khi ta đưa những hình ảnh đó lên, quốc tế thấy và rất chia sẻ, xúc động. Con tàu ta nhỏ bằng gỗ, sao đi đụng với con tàu sắt, lớn. Vậy mà họ có thể nói được!

Cho nên trong công tác đấu tranh của chúng ta, bạn bè thế giới nhắc ta rằng, nếu như chúng ta để bất cứ sơ hở nào dẫn tới xung đột thì những gì trước đó khó mà hàn gắn lại được. Vì vậy, trong tuyên truyền chúng ta hết sức lưu ý, đừng để bị kích động sơ hở, nhất là ở phía người dân và những lực lượng đang làm nhiệm vụ. Đặc biệt chúng ta không kích động “bài Hoa”.

Các bạn biết rằng khi họ ra tín hiệu triệu công nhân của họ ở Vũng Áng về. Ta cũng định giúp máy bay cho họ về. Họ nói rằng máy bay của họ có điều kiện, phương tiện hơn, và ta đồng ý. Ta chân tình như thế.

Các bạn có biết là có những hình ảnh rằng công nhân họ về nhưng vẫn lưu luyến, chào tạm biệt và  có người rớt nước mắt. Thực ra công nhân và doanh nghiệp họ vẫn rất mong muốn được ở lại để tiếp tục sản xuất.

Một số doanh nghiệp ở Bình Dương khi có lệnh triệu về nhưng họ không về. Họ chạy vào khách sạn Quân khu 7 để trú ngụ. Họ ở đó cho đến khi mà lãnh đạo của Bình Dương đến thì họ trở về sản xuất.

Nói như thế để cho thấy chúng ta đừng để bị kích động làm ảnh hưởng, phương hại đến nền an ninh, đến hình ảnh của đất nước Việt Nam. Tiếp tục giữ vững ổn định, không làm tái diễn những việc ảnh hưởng đến đất nước. Và chúng ta tiếp tục quan tâm công tác ngoại giao, nhất là ngoại giao nhân dân.

Nói gì thì nói ngay cả người Trung Quốc ở nước ngoài họ cũng phản ứng, họ không muốn Chính phủ của họ làm những điều như thế. Như vậy chúng ta cần rất nhiều tiếng nói để làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu rằng không phải như những luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc với dân họ.

Mặc dù hiện nay thì thông tin chúng ta đưa vào Trung Quốc rất khó, bị bưng bít, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đưa thông tin ra nước ngoài, chuyển tải hết những sự thật, diễn biến hiện nay bằng những hình ảnh, bằng cách nào đó, bằng ngôn ngữ nào đó để người ta có thể  nhận biết nhanh nhất, chia sẻ với mình, tạo một sự đồng thuận trong nội bộ nhân dân chúng ta và kể cả sự chia sẻ của cộng đồng thế giới.

Chúng ta tiếp tục như thế và chúng ta có niềm tin là với một đất nước lớn như Trung Quốc, nếu muốn tồn tại như một cường quốc đúng nghĩa thì không thể không chấp hành pháp luật, không thể là một cường quốc bằng thủ đoạn. Khi thế giới hiểu được thì bạn chắc chắn sẽ hiểu được. Đó là chuyện chúng ta đang đấu tranh như thế, còn những việc phải nâng cao hơn nữa, dùng những biện pháp phù hợp hơn nữa, kể cả những giải pháp pháp lý mà chúng ta đang cân nhắc.

 

 

Minh Phương


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang