Tình hình biển Đông ngày 31/7: 50 ngàn "vũ khí bí mật" của Trung Quốc ở Biển Đông

author 07:09 31/07/2014

Chiến lược này của Trung Quốc đã đặt nền móng cho một cuộc đối đầu có thể dẫn tới bạo lực với các nước láng giềng ở Biển Đông trong tương lai gần.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

National Interest ngày 30/7 đăng bài phân tích của tác giả Harry J. Kazianis, thành viên cao cấp Viện Chính sách Trung Quốc và là cựu biên tập viên tạp chí The Diplomat bình luận, trong khi dư luận đang tập trung chú ý vào việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng và chiến thuật lát cắt xúc xích hòng hiện thực hóa đường lưỡi bò ở Biển Đông, thay đổi hiện trạng vùng biển này, người ta đã không chú ý tới các chiến thuật Bắc Kinh sử dụng sau hậu trường khẳng định yêu sách lãnh thổ.

Nhờ bản tin gần đây của Reuters, giới quan sát mới biết thêm một chút về những nỗ lực tăng cường của Trung Quốc để làm thay đổi hiện trạng các vùng biển ở Biển Đông, trong đó vũ khí lợi hại nhất của Bắc Kinh không chỉ là tàu quân sự mà còn là đội ngũ tàu cá.


Tàu cá ngư dân Trung Quốc

Chiến lược này của Trung Quốc đã đặt nền móng cho một cuộc đối đầu có thể dẫn tới bạo lực với các nước láng giềng ở Biển Đông trong tương lai gần. Nó cũng là bước đầu tiên hiện thực hóa đường lưỡng bò, đặt giàn khoan dầu trong vùng biển của đối phương cũng như phát triển lực lượng hải quân mạnh mẽ để chống một đối thủ mạnh hơn nhiều can thiệp vào khu vực một khi nổ ra khủng hoảng.

Theo bản tin của Reuters, đến cuối năm ngoái Trung Quốc đã cài đặt các thiết bị vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu cho hơn 50 ngàn tàu cá nước này để thường xuyên tung ra Biển Đông. Chủ tàu chỉ phải trả 10%, chi phí còn lại do chính phủ chi trả.

Điều này là khá quan trọng  khi ngư dân Trung Quốc được các lực lượng chức năng nước này chống lưng ở Biển Đông, nếu xâm nhập (trái phép) các vùng biển của Việt Nam hay Philippines mà bị các cơ quan chức năng sở tại phát hiện và truy đuổi, tàu cá Trung Quốc sẽ lập tức nhấn nút liên lạc khẩn cấp bằng vệ tinh, tàu công vụ Trung Quốc sẽ nhanh chóng có mặt can thiệp.

Trong khi các vấn đề về chủ nghĩa dân tộc, an ninh hàng hải trên Biển Đông và các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí thường được đề cập đến như nguyên nhân tạo ra căng thẳng, người ta quên đi các doanh nghiệp đánh bắt cá Trung Quốc được chính phủ nước này hậu thuẫn đang hoạt động (tung hoành) trên Biển Đông, thậm chí trong vùng biển của các nước láng giềng. Đó là một hình thức khẳng định yêu sách lãnh thổ.

Liệu chiến lược "ngoại giao cần câu" của Trung Quốc có chiếm được lợi thế ở Biển Đông hay không, các nhà phân tích đang phải tìm ra câu trả lời.

Nguyễn Lê (Dẫn nguồn từ GiaoducVietNam)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang