Tình hình Biển Đông ngày 3/9: TQ ra sức cải tạo bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhỏ

author 06:10 03/09/2014

(VietQ.vn) - Trước tình hình Biển Đông vẫn đang căng thẳng, Bắc Kinh lại tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải tạo phi pháp trên 6 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa nhằm biến thành các đảo nhỏ.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tờ Want China Times của Đài Loan đưa tin, kể từ tháng 2/2014, Trung Quốc đã liên tục cử các đội xây dựng tới các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

cải tạo bãi đá ở Trường Sa

Tình hình trên Biển Đông tiếp tục căng thẳng khi TQ tăng cường các hoạt động phi pháp trên quần đảo Trường Sa. Ảnh minh họa

Các nguồn tin cho biết 6 bãi đá ngầm gồm Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên, Chữ Thập, Tư Nghĩa và Én Đất đã bị biến thành các đảo nhỏ. Ngoài Én Đất, tất cả bãi đá trên đều được giới chức Trung Quốc ấn định "ngày sinh" cụ thể vào tháng 7.

Các bức ảnh vệ tinh chụp bãi Gạc Ma hồi tháng 7 cho thấy Trung Quốc đã thiết lập một bến tàu mới và trồng các hàng dừa dọc theo cơ sở hạ tầng như đường xá và tòa nhà. Trước đó, tờ “Philippines Star” ngày 28 tháng 8 đưa tin, Quân đội Philippines trinh sát trên không cho thấy, Trung Quốc đang xây dựng đảo nhỏ nhân tạo ở đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoạt động này của Trung Quốc là bất hợp pháp).

Bài báo cho biết, đá Gạc Ma với nhamthạch và cát đã bị thay thế bởi một hòn đảo nhỏ màu trắng hình quả táo, bên trên đã xây dựng một số công trình. Công trình màu xanh ở giữa tương đối nổi bật, một số cây cọ được trồng ở bãi cỏ phía trước. Ngoài ra, ở khu vực lấn biển, Trung Quốc đang thi công một bến đỗ.

Theo báo Philippines, hoạt động lấn biển của Trung Quốc đối với đá Gạc Ma đã chuyển sang giai đoạn “xanh hóa” – trong đó có trồng cây dừa và cây cọ. Một quan chức an ninh cấp cao Philippines nói: “Đá san hô đã biến mất, cây cối trong đó có cây dừa hiện đang làm cho khu vực này có màu xanh”. Một số cây dừa cũng được trồng ở khu vực máy nghiền bê tông để bảo vệ công trình nhân tạo tránh bị sóng biển tấn công.

Các nhà phân tích nhận định rằng nguồn lực dồi dào và khả năng xây dựng đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tiến hành khai hoang nhanh chóng ở Biển Đông. Sự gia tăng cơ sở hạ tầng cũng khiến Trung Quốc có thể đưa ra các tuyên bố chủ quyền trắng trợn hơn.

Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Brunei và đảo Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. "Trong khi các lãnh đạo chính trị của chúng ta đang bận rộn tranh cãi thì ở ở ngoài kia trên Biển Tây Philippines (Biển Đông), chúng ta đang dần mất từng tấc đất lãnh thổ do sự xâm lược từ từ của Trung Quốc", một quan chức an ninh cấp cao của Philippines nói.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuần trước xác nhận Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động khai hoang trên Biển Đông và một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh giảm căng thẳng tại các vùng biển tranh chấp.

Ông Aquino cũng cho hay Philippines sẽ tiếp tục kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật biển và thúc đẩy quá trình thành lập bộ quy tắc ứng xử (COC) để kiểm soát hành vi của các bên trong khu vực.

Rõ ràng, nếu hoạt động lấn biển, “biến đá thành đảo”, thậm chí biến đá ngầm thành “căn cứ quân sự” của Trung Quốc là sự thật, thì đây sẽ là một hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng DOC và luật pháp quốc tế, tiếp tục đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

V.A (Tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang