Tình hình Biển Đông ngày 4/11: Mỹ vẫn tiếp tục các phi vụ trên biển Đông

author 06:24 04/11/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông căng thẳng bởi những hành động gây hấn, khiêu khích từ phía Trung Quốc đã buộc Mỹ duy trì sự hiện diện trên biển Đông và tăng cường các hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức gần đây trên báo chí, tân tư lệnh không quân Mỹ ở Thái Bình Dương - tướng bốn sao Lori Robinson, nhận định quân đội Mỹ lo ngại máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể tiếp tục thực hiện các động thái bay nguy hiểm để chặn đầu máy bay quân sự Mỹ.

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông, tướng Lori Robinson khẳng định các giới chức quân sự của hai nước đã tiến hành đối thoại sau vụ một máy bay tiêm kích Trung Quốc bay chặn đầu nguy hiểm trước máy bay trinh sát biển P-8 Poseidon của hải quân Mỹ trên biển Đông vào hôm 19/8. Ngoài ra, bà bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề an toàn hàng không với các quan chức quân sự Trung Quốc tại triển lãm hàng không Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông trong tháng này. Mục đích thảo luận nhằm kêu gọi Trung Quốc cần phải nhất trí tuân thủ quy trình bay chặn đầu theo đúng quy định quốc tế.

Tướng Robinson khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 4/11: Tướng Robinson khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở biển Đông. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tướng Lori Robinson nhấn mạnh không quân Mỹ sẽ không thay đổi cách thức thực hiện các phi vụ tiến hành trong khu vực bất chấp Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Và nếu Trung Quốc khăng khăng thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông, các phi vụ của không quân Mỹ trên biển Đông cũng không thay đổi. Như vậy, không quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ưu tiên của tân tư lệnh không quân Mỹ ở khu vực này hiện nay là củng cố hợp tác quân sự với các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, tờ "Tầm nhìn" (Trung Quốc) mới đăng có đăng bài viết "Việt Nam vì sao có sức mạnh đoạt Biển Đông với Quân đội Trung Quốc: 4 tỷ mua tàu ngầm là có thể". Bài báo được cho là dẫn lại từ tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông, Trung Quốc.

Bài báo xuyên tạc cho rằng, Việt Nam "nhòm ngó" Biển Đông đã lâu, để tăng cường kiểm soát Biển Đông, Việt Nam không tiếc chi mạnh để mua sắm quân bị. Năm 2009, khi thăm Nga, Thủ tướng Việt Nam đã ký kết một hợp đồng mua vũ khí lớn đầu tiên của Việt Nam, trị giá 3,2 tỷ USD, trong đó 2 tỷ đùng để mua 6 tàu ngầm lớp Kilo cộng với xây mới căn cứ, cơ sở chi viện hậu cần và vũ khí đạn dược đồng bộ, tổng trị giá hợp đồng đạt 4 tỷ USD, tương đương 17 lần chi phí mua sắm trang bị của Hải quân Việt Nam năm 2009.

Tình hình Biển Đông ngày 4/11: Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga để tăng cường sức mạnh hải quân

Tình hình Biển Đông ngày 4/11: Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga để tăng cường sức mạnh hải quân. Ảnh minh họa

Cùng với sự tiến bộ của trang bị, báo "nước lớn" Trung Quốc lu loa rằng, "thế lực chống Trung Quốc" ở Việt Nam càng mạnh hơn, sau khi đã nhập khẩu một số hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển Bastion, trong nước Việt Nam thậm chí đã xuất hiện những lời kêu gọi sử dụng tên lửa này để "tấn công Quế Lâm" (bài báo bịa đặt để dễ bề kích động dư luận Trung Quốc), trong khi đó, tàu ngầm lớp Kilo càng linh hoạt, bí mật hơn, "mối đe dọa đối với Bắc Kinh lớn hơn".

Thêm vào đó, bài báo còn bóp méo sự thật khi cho rằng do năng lực nghiên cứu khoa học và nền tảng công nghiệp của Việt Nam khá yếu, năng lực tổng hợp hải quân của Việt Nam nằm ở mức thấp trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam ngoài "lôi kéo" Nga can thiệp Biển Đông, còn có ý định "chọn Ấn Độ làm thầy" với mục đích "liên kết với Ấn Độ để chống Trung Quốc".

Theo bài báo, từ tháng 4/2014 đến nay, Việt Nam điều động nhiều tàu cảnh sát biển, tàu chiến hải quân (?), đến "vùng biển quần đảo Hoàng Sa" (bài báo tự nhận là của Trung Quốc) để tiến hành "theo dõi, quấy rối và cản trở, ngăn chặn" đối với giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu kỹ thuật khác. Trong tình hình này, "xung đột quyền lợi biển" giữa Trung - Việt (thực chất là Trung Quốc đòi ăn cướp) thể hiện ngày càng rõ.

Tình hình Biển Đông ngày 4/11: Giới học giả Trung Quốc nhiều lần bôi nhọ, vu cáo Việt Nam

Tình hình Biển Đông ngày 4/11: Giới học giả Trung Quốc nhiều lần bôi nhọ, vu cáo Việt Nam. Ảnh minh họa

Tác giả bài báo bình luận, cùng với việc hoàn thành xây dựng căn cứ tàu ngầm mới ở tỉnh Hải Nam và trang bị tàu sân bay đầu tiên, thực lực của Hải quân Trung Quốc ở khu vực Biển Đông sẽ tăng cường rõ rệt. Nhưng, để "tranh đoạt lợi ích biển", Việt Nam đã gia tăng đầu tư đối với hải quân và mua sắm rất nhiều vũ khí tiên tiến từ nước ngoài.

Bài báo cố gắng kích động dư luận với lập luận xuyên tạc rằn trong tương lai, 6 tàu ngầm mà Việt Nam mới mua đi vào hoạt động không chỉ có thể khắc phục điểm yếu về lực lượng tàu ngầm, năng lực tác chiến dưới nước yếu của Việt Nam, mà còn có thể tạo ra "mối đe dọa" đối với tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của "nước khác". 

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Pháp Luật TP.HCM, Giáo Dục)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang