Tình hình Biển Đông ngày 9/9: Tranh chấp biển đảo với TQ, Philippines tìm kiếm sự giúp đỡ từ EU

author 06:49 09/09/2014

(VietQ.vn) - Trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ châu Âu nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhân chuyến thăm các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) kéo dài một tuần.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

AFP dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Philippines, bà Zeneida Collinson cho biết “Trong trong chuyến thăm các nước EU bắt đầu với Tây Ban Nha, chúng tôi sẽ kêu gọi họ tiếp tục ủng hộ Philippines trong vấn đề biển Đông. Đây cũng là cơ hội quan trọng để Tổng thống của chúng tôi trình bày cho các lãnh đạo thế giới một cách trực tiếp về những gì đang xảy ra ở biển Đông”

tổng thống Philippines

Tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng, Tổng thống Philippines tìm kiếm sự giúp đỡ từ EU

Trong những năm gần đây, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc leo thang khi Bắc Kinh hung hăng đẩy mạnh các hoạt động nhằm tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Và Manila cũng đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia phiên phân xử.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ đến thăm Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Đức từ ngày 13 đến ngày 20/9. Trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước EU, ông Aquino sẽ trình bày “kế hoạch ba hành” (từng trình bày ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua), theo đó kêu gọi Trung Quốc và các nước có liên quan ngừng lại những hành động gây hấn trên biển Đông.

Trong một diễn biến khác, hồi tuần qua, các nghị sĩ Nhật Bản và Philippines cũng đã ký kết thỏa thuận không chính thức về thành lập một cơ quan quốc tế thúc đẩy các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Manila tuần qua của đoàn đại biểu 7 nghị sĩ Nhật, hai bên nhất trí thúc đẩy “Liên minh nghị sĩ vì an ninh biển ở Châu Á” trong cơ quan lập pháp mỗi bên, với mục đích giải quyết các tranh chấp lãnh hải và khẳng định tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế. Đây là một liên minh đa quốc gia, song các nghị sĩ mỗi bên đều hoạt động với tư cách cá nhân, không phải với tư cách nghị sĩ của họ.

Ông Rodolfo Biazon - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hạ viện Philippines nói: “Tôi nhấn mạnh rằng, chúng ta phải thực hiện chiến dịch này để tăng cường nhận thức của các quốc gia, rằng cần phải có giải pháp cho tranh chấp và giải pháp này phải phù hợp với các điều khoản của luật pháp quốc tế”.

Các nghị sĩ Nhật và Philippines hy vọng rằng, họ sẽ kêu gọi được sự tham gia của quốc hội và nghị viện các nước khác vào liên minh quốc tế này. Ông Hiroshi cho biết, đoàn đại biểu Nhật Bản trông đợi Việt Nam sẽ ký kết tham gia chiến dịch.

Trong những tháng gần đây, các bức ảnh của Philippines cho thấy TQ đã có hoạt động cải tạo đất đai ở ít nhất 4 đảo đá và bãi cạn do Philippines tuyên bố chủ quyền. Mặc dù TQ và ASEAN đã ký kết thỏa thuận về các tuyên bố ứng xử trên Biển Đông, song những quy tắc này không mang tính ràng buộc. Do TQ cố tình thúc đẩy đàm phán với từng nước riêng rẽ, nên việc xúc tiến xây dựng các quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc trên biển để giải quyết các tranh chấp hiện tiến triển rất chậm.

V.A (Tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang