Tình hình Biển Đông ngày 28/5: Thượng nghị sỹ Mỹ khẳng định Trung Quốc sai

author 07:15 28/05/2014

(VietQ.vn) - Ngày 28/5, trả lời báo giới về tình hình biển đông, Thượng nghị sĩ (TNS) Ben Cardin thuộc Đảng Cộng hòa - Mỹ cho biết, Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã cân nhắc đưa ra nghị quyết. Trung Quốc đã thực hiện các hành vi đó. Đó là các hành vi sai trái.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Nhấn F5 để tiếp tục cập nhật liên tục

 

Tin tức trên tờ Tuoitre hôm nay, 28/5 đang tường thuật trực tuyến cuộc họp báo của Thượng nghị sĩ (TNS) Ben Cardin thuộc Đảng Cộng hòa - Mỹ với sự tham dự của một số phóng viên báo, đài diễn ra tại Hà Nội. 

NS Ben Cardin: Đầu tiên cho tôi gửi lời cảm ơn người dân VN đã đón tiếp chúng tôi thân thiện trong chuyến đi lần đầu đến khu vực này. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Phải nói rằng các cuộc họp đều rất cởi mở, thẳng thắn. Chúng tôi công nhận tầm quan trọng của một mối quan hệ đối tác tầm chiến lược giữa Hoa Kỳ - Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Ben Cardin tại buổ họp báo tại Hà Nội chiều 28-5 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chúng tôi cũng nhìn nhận vai trò tuyệt vời của Đại sứ David B. Shear cũng như phái bộ ngoại giao của Hoa Kỳ ở VN đã phục vụ chuyến thăm của chúng tôi một cách hiệu quả.

Sau chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, tôi sẽ sang Singapore dự Diễn đàn Shangri-La và đưa vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào Việt Nam cũng như những diễn biến phức tạp ở Biển Đông ra diễn đàn quan trọng này.

Chúng tôi tin tưởng rằng vấn đề cần được giải quyết một cách hòa bình và các bên cần phải kiềm chế các hành động gây hấn, cần xuống thang tình hình và nên sử dụng các diễn đàn quốc tế trong khuôn khổ Công ước quốc tế về Luật Biển và chúng tôi ủng hộ ASEAN tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử. Các bên cũng nên cần sử dụng các kênh ngoại giao hơn là hành vi gây hấn.

Các hành vi đơn phương và gây hấn của Trung Quốc đã gây ra tình huống căng thẳng cao độ. Chúng tôi quan ngại về điều này vì nó không chỉ ảnh hưởng an ninh của Việt Nam mà còn an ninh, hàng hải khu vực.

Trung Quốc thực hiện hành vi sai trái

* Báo Tuổi Trẻ: Xin ông cho biết những diễn biến mới nhất sau khi ông cùng 5 thượng nghị sĩ khác ra tuyên bố ngày 9-5 kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành vi khiêu khích và kêu gọi Quốc hội Mỹ ra Nghị quyết về vấn đề này?

- TNS Ben Cardin: Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã cân nhắc đưa ra nghị quyết, nói đến tất cả các điều mà tôi vừa đề cập. Chúng tôi hoàn toàn phản đối các hành vi đơn phương gây hấn ảnh hưởng an ninh hàng hải.

Trung Quốc đã thực hiện các hành vi đó. Đó là các hành vi sai trái. Chúng tôi tin rằng vấn đề cần được giải quyết thông qua giải pháp hòa bình và cần đàm phán giữa các bên liên quan.

Các bên có tuyên bố chủ quyền cần tuân thủ luật pháp quốc tế để bảo đảm hòa bình và an ninh hàng hải. Nghị quyết đã được Ủy ban Đối ngoại thượng viện thông qua và sẽ được trình lên Thượng viện để xem xét thông qua sớm.

* Wall Street Journal: Vấn đề này có ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, thưa ông?

TNS Ben Cardin: Hoa Kỳ và Việt Nam sắp tới sẽ kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao và chúng tôi đang tiến vào khuôn khổ đối tác chiến lược, thể hiện qua các cuộc gặp gần đây nhất giữa hai nước. Có thể thấy đây là một con đường liên tục.

Hiện nay, chúng tôi đang làm việc về Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng tôi đã trao đổi các đoàn đại biểu về chủ đề nhân quyền và quản trị tốt.

Đây là con đường đang có nhiều tiến triển. Khi chúng ta có tiến bộ về kinh tế, chính trị, nhân quyền, quản trị tốt... chúng ta cũng đang tiến gần đến việc đạt các thỏa thuận về vấn đề an ninh ảnh hưởng đến cả hai nước, ví dụ như an ninh hàng hải.

Chúng tôi còn tiếp tục các thảo luận bàn về cách thức tăng cường quan hệ và mang lại lợi ích chung cho cả hai bên. Tôi muốn nhấn mạnh: về phía chúng tôi, khi thực hiện chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi mong thấy VN phát triển, vững mạnh. Chúng tôi tin rằng điều đó đóng góp vào ổn định của khu vực.

"Việc Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam là không thể chấp nhận"

* Báo Vietnamnet: Trong chương trình ở Đối thoại Shangri-La, ông có ý định gặp gỡ phía Trung Quốc để thảo luận về các vấn đề này không?

TNS Ben Cardin: Tôi sẽ có cuộc gặp với người đại diện Trung Quốc và chúng tôi cùng tham gia phiên thảo luận. Hai chúng tôi sẽ có gặp riêng để nói về vấn đề an ninh. 

Về chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á, chúng tôi muốn tạo các mối quan hệ vững mạnh hơn ở châu Á, trong đó có Trung Quốc. Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc vững mạnh, độc lập. Do đó trong trao đổi của tôi với đối tác Trung Quốc, tôi muốn nhấn mạnh là cần phải xuống thang tình hình.

Phía VN không đề nghị tôi đưa ra lời khuyên. Riêng về việc Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam, đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, đơn phương của Trung Quốc.

Vụ việc này xảy ra cách giàn khoan nhiều dặm. Đó là hành vi nguy hiểm không thể chấp nhận được, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng. Cần phải làm sao xuống thang tình hình.

Các bạn đã nghe nhiều lần rồi nhưng tôi vẫn nhấn mạnh: Hoa Kỳ không có quan điểm về các tuyên bố chủ quyền, nhưng Hoa Kỳ chống các hành vi đơn phương gây hấn. Các nước liên quan cần giải quyết những cá biệt trong tuyên bố chủ quyền qua các cơ chế hòa bình, để giảm căng thẳng thay vì leo thang.

* Báo Thanh Niên: Có nhiều ý kiến cho rằng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là do họ muốn thử thách quan điểm của Hoa Kỳ. Ông có thể bình luận về ý kiến này?

TNS Ben Cardin: Tôi hiểu câu hỏi của anh nhưng tôi không phải là người theo sát vấn đề đó. Hoa Kỳ rất nhất quán trong việc chỉ trích hành vi đơn phương của Trung Quốc cũng như trong chính sách an ninh hàng hải.

Sự nhất quán đó còn thể hiện ở những vấn đề không chỉ liên quan đến Trung Quốc và Việt Nam. Chúng tôi nhất quán trong việc ủng hộ ASEAN tiến tới bộ Quy tắc ứng xử (COC)

Chúng tôi cũng nhấn mạnh việc giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Chúng tôi luôn đóng vai trò tích cực ở mọi diễn đàn có thể. 

* Báo DPA (Đức): Ông nghĩ cách tiếp cận của Chính phủ VN trong vấn đề Biển Đông có đúng đắn không?

TNS Ben Cardin: Đối với các nước có tranh chấp, các nước cần giải quyết thông qua đối thoại và biện pháp ngoại giao thay vì sử dụng biện pháp đơn phương, gây hấn.

Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc và Việt Nam đối thoại với nhau. Mỗi nước có thể tìm đến cơ chế quốc tế nào đó mà họ thấy phù hợp để nêu vấn đề của mình.

Một loạt báo lớn của Đức ngày 27/5 đã đăng tin, ảnh tố cáo việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam trên Biển Đông.

Theo báo Thời đại (Zeit), một tàu của Trung Quốc rõ ràng đã đâm và làm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam ở Biển Đông. Bài báo dẫn lời một đại diện của lực lượng cứu hộ Việt Nam xác nhận về vụ tàu Việt Nam bị đâm chìm và 10 ngư dân đã được cứu hộ an toàn.  Tin mới này được đăng tải trên TTXVN.

Cũng theo tin tức của tờ báo này, bài báo, vụ đâm tàu trên xảy ra gần một giàn khoan dầu mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bài báo cũng cho biết khi vụ việc xảy ra đã có khoảng 40 tàu cá Trung Quốc vây quanh một nhóm tàu của Việt Nam. 

Tàu Hải cảnh Trung Quốc ngang nhiên uy hiếp tàu Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Nguồn: TTXVN)

Báo Tin Kinh tế Đức (DWN) cùng ngày dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, cho biết các tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam và đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ năm 2007. Bài báo nhấn mạnh rằng căng thẳng giữa hai nước xảy ra sau khi Trung Quốc "hạ đặt trái phép một giàn khoan dầu ở vùng biển của Việt Nam."

Trong khi đó, báo Tấm gương (Spiegel) cũng đăng tin ảnh về việc tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông. Tờ báo này dẫn lời một quan chức cấp cao Việt Nam lên án đây là "hành động khủng bố", đồng thời khẳng định "Việt Nam sẽ sử dụng mọi kênh ngoại giao để phản đối hành động này."

Báo Làn sóng Đức (DW) cũng đưa tin, ảnh về hành động ngang ngược của Trung Quốc. Bài báo nêu rõ Việt Nam tố cáo "hành động khủng bố" khi tàu Trung Quốc khi đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Bài báo dẫn lời một đại diện của lực lượng cứu hộ Việt Nam nói tàu của Việt Nam đã bị đâm chìm và 10 người trên tàu đã được đưa an toàn vào bờ. Cũng theo bài báo, việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hơn 2/3 diện tích Biển Đông đã vấp phải sự phản đối của các nước ven biển khác như Việt Nam và Philippines.

Ngoài các báo trên, nhiều phương tiện truyền thông của Đức cũng đã đưa tin chỉ trích hành động sai trái, ngang ngược của phía Trung Quốc trên Biển Đông.

Tin nhanh trên tờ Tienphong thông tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây hoạch định một chính sách đối ngoại nêu bật thái độ cương quyết trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trả lời phỏng vấn báo Mỹ Wall Street Journal ngày 27/5, ông Abe bày tỏ hy vọng đẩy nhanh tiến trình trợ giúp hàng hải cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn ở biển Đông.
Theo Wall Street Journal, Thủ tướng Abe coi hành động Bắc Kinh đơn phương kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam gây căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho mưu toan thay đổi hiện trạng”, ông Abe tuyên bố. Đây không phải lần đầu Thủ tướng Nhật Bản có những phát biểu cứng rắn như vậy liên quan tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Quan hệ Nhật - Trung vốn căng thẳng kể từ khi Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, lại vừa nóng thêm sau sự kiện một máy bay chiến đấu Su-27 Trung Quốc áp sát hai máy bay trinh sát của Nhật Bản hôm 24/5.
Báo Japan Times của Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Abe chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera tiếp tục tổ chức các hoạt động trinh sát và phản đối Trung Quốc qua các kênh ngoại giao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Tokyo hôm 22/5. Ảnh: Kyodo
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Cheng Yonghua tới, yêu cầu Bắc Kinh ngăn ngừa các tình huống tương tự tái diễn. Ông Saiki cũng hối thúc Trung Quốc trả lời đề xuất của Nhật Bản về việc thiết lập một cơ chế liên lạc song phương về hàng hải nhằm phòng ngừa các diễn biến bất ngờ.
Bộ trưởng Quốc phòng Onodera cho biết, Tokyo sẽ làm rõ quan điểm của mình tại Diễn đàn An ninh châu Á Shangri-La ở Singapore khai mạc ngày 30/5 tới. Chính phủ Nhật Bản đang khẩn trương xây dựng cơ chế phòng vệ tập thể, cho phép Nhật Bản đưa quân tham chiến ở nước ngoài ngay trong năm nay.
Trước đó, tiếp Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam ngày 22/5 tại Tokyo, Thủ tướng Abe tuyên bố “quan ngại về tình hình căng thẳng trong khu vực do hoạt động khoan dầu đơn phương của Trung Quốc”.
Kyodo dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, dự kiến, Ngoại trưởng Fumio Kishida thăm Việt Nam trong tháng 6 nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc bảo đảm an ninh hàng hải trong vùng biển Hoa Đông và biển Đông, tăng tốc độ tham vấn về việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
Việc Nhật Bản tiếp tục lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam khiến Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản một cách gay gắt. Trong buổi họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cảnh cáo Nhật Bản “không nên xen vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tại khu vực biển Đông”.
Trung Quốc cho rằng, các tuyên bố của Nhật Bản phản đối hành vi của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “không phù hợp với thực tế và lẫn lộn giữa các sự kiện”, rồi vu cho Nhật Bản rằng “xuất phát từ động cơ chính trị muốn can thiệp vào tình hình biển Đông”.

Trung Quốc là bên khiêu khích gây căng thẳng ở Biển Đông

Tin tức trên Vietnamplus cho hay, trong cuộc họp báo thường ngày tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 27/5 cho biết Mỹ chưa có đủ thông tin để xác nhận việc một tàu cá của Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở khu vực biển tranh chấp nhưng khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.

Bà Psaki nêu quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chúng tôi không có nguồn thông tin độc lập liên quan tới vụ việc này và sẽ tìm kiếm thông tin bổ sung. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục quan ngại về cách hành xử của tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên cùng kiềm chế, giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề một cách an toàn và có trách nhiệm.”

Bên cạnh đó, trước câu hỏi liệu các hành động của Việt Nam ở Biển Đông có phải là khiêu khích hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng chỉ có các hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích. Phía Mỹ sẽ thông qua tất cả các bên để tìm kiếm thông tin liên quan tới vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Trung Quốc tiếp tục dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981


Giàn khoan Hải Dương 981 tiếp tục dịch chuyển

Theo thông tin từ Cục hải sự Trung Quốc, giàn khoan Hải Dương 981 vẫn tiếp tục khoan thăm dò trên Biển Đông

Tin tức trên báo Tuoitre nói rằng, giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu dịch chuyển từ tọa độ 15-29.58 độ vĩ bắc và 111-12.06 độ kinh đông đến tọa độ 15-33.38 độ vĩ  bắc và 111-34.62 độ kinh đông, ở khu vực gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào khoảng 10g sáng 27/5. Hiện nay, giàn khoan Hải Dương 981 đã ở cách đảo Tri Tôn khoảng 25 hải lý về phía đông nam. Như vậy dù đã được dịch chuyển nhưng giàn khoan này vẫn nằm sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Trung Quốc cản trở quyết liệt tàu cứu hộ Việt Nam

Trung Quốc tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự, tàu hải giám, hải tuần bằng cách sử dụng những tàu lớn hơn, công suất cao hơn. Tàu Trung Quốc đã chủ động tấn công, uy hiếp các tàu Việt Nam ngay từ xa dưới các hình thức vây ép, húc đẩy, đâm va, phun vòi rồng, sau đó co cụm lại quanh khu vực giàn khoan. Kiên quyết đẩy các tàu của Việt Nam ra xa giàn khoan bằng cách tổ chức thành nhóm vây ráp, chèn ép đe dọa tàu Việt Nam.

 

Tàu Trung Quốc chủ động tấn công và đâm chìm tàu cá Việt Nam

Tàu Trung Quốc chủ động tấn công, đâm chìm tàu cá Việt Nam và ngăn cản tàu cứu hộ Việt Nam

Ngày 27/5, tàu vỏ sắt Trung Quốc có số hiệu 11209 đã chủ động đâm tàu cá vỏ gỗ có số hiệu ĐNA-90152-TS của ngư dân Việt Nam đang hoạt động sản xuất tại khu vực, làm tàu cá của Việt Nam bị chìm. Ngư dân trên tàu đã được các tàu kiểm ngư cứu an toàn và tiếp tục tham gia sản xuất cùng những tàu cá khác. Tàu cá bị chìm đang được kéo vào bờ. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc lại có hành động cản trở, ngăn chặn các tàu Kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam trong quá trình cứu hộ tàu cá bị chìm tại khu vực giàn khoan.

Việt Nam triệu đại diện ngoại giao Trung Quốc

Ngày 27-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối các hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam trên biển Đông.

Trước tình hình Biển Đông ngày một phức tạp, ông Lê Hải Bình lên tiếng yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành động tương tự và bồi thường cho ngư dân Việt Nam: “Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam".

Trung Quốc bóp méo sự thật tình hình Biển Đông

Tân Hoa xã trắng trợn đưa tin một tàu cá Việt Nam bị lật ở Biển Đông vào hôm 26.5 sau khi “quấy rối và đâm vào” một tàu cá Trung Quốc và khẳng định chính phủ Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối chính thức đến chính phủ Việt Nam về vụ việc này.

Báo Thanh Niên nhận định, thông tin từ phía Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra vào lúc 16 giờ hôm 26.5, tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng ở nam tây nam giàn khoan Hải Dương-981 và cách giàn khoan này 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Phản ứng lại với việc Trung Quốc bóp méo sự thật về tình hình Biển Đông, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho hay hiện việc trục vớt chiếc tàu gặp nạn để đưa về bờ, nhằm giữ đó làm bằng chứng, tư liệu để đấu tranh đang được tiến hành.

Tình hình Biển Đông, Hoa Đông ngày một phức tạp thu hút sự chú ý từ dư luận quốc tế

Ngay sau khi có thông tin về việc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông, Nhật Bản đã hối thúc Trung Quốc kiềm chế trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông và nhấn mạnh: "Đó là hành động vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa mạng sống của người dân. Quan trọng là các nước hữu quan phải kiềm chế hành động đơn phương và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh, tuân thủ luật pháp quốc tế".

Tình hình Biển Đông ngày một phức tạp và căng thẳng cũng khiến Philippines lo ngại Trung Quốc sẽ đặt giàn khoan ở nước này. Tổng thống Philippines phát biểu, “Nói chung, những gì xảy ra đối với Việt Nam thì cuối cùng cũng sẽ xảy ra đối với Philippines”.

Phía Mĩ cũng lên tiếng ủng hộ hành động kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam cũng như yêu cầu Đài Loan vạch trần sự thật về bản đồ “đường lưỡi bò” phi lí của Trung Quốc.

Minh Thùy - Đan Phong


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang