Trung Quốc: 'Xây đảo ở Biển Đông là vì trách nhiệm với thế giới'

author 12:06 01/06/2015

(VietQ.vn) - Trung Quốc đã gây thất vọng và bức xúc lớn tại Đối thoại Shanri-La khi khẳng định xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là ‘nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế’ bất chấp sự cảnh cáo của nhiều nước.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Đúng như những gì giới quan sát quốc tế và dư luận dự đoán, tình hình Biển Đông và hoạt động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc đã trở thành chủ đề chính bao trùm Đối thoại Shangri-La năm nay. Tuy nhiên, bất chấp sự chỉ trích và chất vấn của các nước, đại diện Trung Quốc lại gây bức xúc và thất vọng khi liên tiếp đưa ra những tuyên bố vô lý, những câu ‘trả lời nhưng không’ tại Đối thoại năm nay.

Cụ thể, trong ngày bế mạc Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố vô lý rằng hoạt động xây đảo nhân tạo trên biển Đông là “nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ.

Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc trả lời vòng vo, tránh né về các vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông

Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc trả lời vòng vo, tránh né về các vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông

Cụ thể, phát biểu trong Đối thoại Shangri-La, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã thao thao bất tuyệt khoe các đóng góp của Bắc Kinh như cứu trợ nhân đạo hay tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Đồng thời, bất chấp phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế đối với các đảo nhân tạo bất hợp pháp mà nước này đang dốc sức xây dựng trên Biển Đông, khi nhắc đến tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng hiện nay, ông Tôn thản nhiên cho rằng: “Tình hình Nam Hải ổn định, không có vấn đề gì về tự do hàng hải”.

Vị Đô đốc này biện minh một cách ngang ngược: “Trung Quốc xây công trình trên một số đảo và bãi đá trong vùng biển chủ quyền của chúng tôi”. Không dừng lại ở đó, ông Tôn tiếp tục ngụy biện cho hành động xây đắp phi pháp trên Biển Đông.

Cụ thể, ông Tôn tuyên bố “ngoài việc đáp ứng nhu cầu quốc phòng”, hoạt động xây đắp (bất hợp pháp) trên Biển Đông nhằm “cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của những người đóng trú” và giúp nước này “thực hiện tốt hơn nghĩa vụ và nhiệm vụ quốc tế” liên quan đến tìm kiếm, cứu hộ trên biển, ngăn chặn thiên tai…

Đại diện Trung Quốc giữ thái độ lảng tránh, không hợp tác khi bị chất vấn về tình hình Biển Đông hiện nay

Đại diện Trung Quốc giữ thái độ lảng tránh, không hợp tác khi bị chất vấn về tình hình Biển Đông hiện nay

Quan chức này còn ngang nhiên lên giọng: “Dù có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử…, Trung Quốc đã hết sức kiềm chế, góp phần tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực”, theo báo Thanh Niên. Ông còn tự cho rằng tình hình Biển Đông “nói chung vẫn hòa bình và ổn định, chưa bao giờ có vấn đề về tự do lưu thông” và “không có lý do gì để thổi phồng” vấn đề Biển Đông.

Mặt khác, cũng như một số quan chức Trung Quốc thời gian gần đây, ông Tôn một lần nữa đề cập khả năng lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông khi nói vấn đề này “sẽ được dựa trên đánh giá về tình hình an ninh, tùy thuộc vào các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải và hàng không”.

Tuyên bố này càng củng cố suy đoán của giới chức Philippines và chuyên gia quốc tế rằng Trung Quốc sẽ sớm lập Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông sau hàng loạt động thái gây quan ngại như xây đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc Trường Sa, chặn đuổi máy bay Philippines hay mới nhất là có tin Bắc Kinh đã đưa pháo di động đến khu vực đảo nhân tạo phi pháp.

Các nước trong và ngoài khu vực khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo tình hình Biển Đông hòa bình và ổn định

Các nước trong và ngoài khu vực khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo tình hình Biển Đông hòa bình và ổn định

Ngoài ra, cũng có chuyên gia nhận định các tuyên bố của ông Tôn là một dạng “xù lông” dọa nạt, gây áp lực ngược lại các bên khác sau khi nước này liên tục bị chỉ trích, đặc biệt là tại Đối thoại Shangri-La năm nay.

Trước tình hình Biển Đông đang ngày một phức tạp, nhiều nước trong và ngoài khu vực tuyên bố sẽ hết sức bảo vệ tự do lưu thông và an ninh khu vực. Đồng thời, giới quan sát quốc tế nhận định, “điều Trung Quốc cần làm bây giờ là phải xây dựng lại niềm tin với các nước láng giềng và khu vực” bởi các quốc gia khu vực không hề tin tưởng Bắc Kinh.

Minh Thùy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang